khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 12/12/2013 - 09:57

Để hàng Việt chiếm ưu thế trong hệ thống bán lẻ hiện đại

Hiện nay, hệ thống bán lẻ hiện đại đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tiềm năng để phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại là rất lớn. Tuy nhiên, để hàng Việt chiếm ưu thế trong hệ thống bán lẻ hiện đại đòi hỏi cần có chiến lược thúc đẩy mô hình phân phối hàng hóa này.

Mấy năm gần đây, hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng mạnh cả về quy mô và số lượng. Hệ thống bán lẻ hiện đại đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành thương mại, thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Đây cũng là kênh phân phối quan trọng đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.
 

Kênh bán lẻ hiện đại chính là “cầu nối” hữu hiệu để hàng Việt đến gần với người Việt hơn.

Ảnh chụp tại Siêu thị Dabaco.

 
 

Cách đây 3-4 năm, tỷ trọng hàng Việt trong hệ thống bán lẻ chỉ chiếm khoảng 50 - 60%, thì đến nay con số đó lên tới 70 - 90%. Cùng với đó, lượng khách hàng đã quan tâm hơn đến hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích, nên kênh bán lẻ hiện đại đã trở thành “cầu nối” để hàng Việt đến gần với người Việt hơn. Tuy nhiên, sự thâm nhập hàng Việt tại kênh bán lẻ hiện đại chưa đồng đều ở từng nhà bán lẻ và ở mỗi ngành hàng. Cụ thể, đối với những ngành hàng thực phẩm thì hiện tại hàng Việt đang chiếm ưu thế với tỷ trọng cao từ 80-90%, trong khi đó ngành hàng đồ dùng lại yếu thế với tỷ trọng từ 50-60%. Nguyên nhân là do chất lượng hàng Việt được đưa ra thị trường vẫn còn chưa đồng đều, bao bì, mẫu mã một số sản phẩm… chưa thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Trong khi đó, yêu cầu về hàng hóa đối với kênh bán lẻ hiện đại buộc phải bảo đảm tiêu chí chất lượng tốt, giá cả hợp lý và luôn thay đổi để phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Thêm vào đó, những khó khăn về vốn, mặt bằng và cơ chế đã làm cho hàng Việt chưa thâm nhập sâu được vào kênh bán lẻ hiện đại. Việc phân bố hệ thống bán lẻ hiện đại mới tập trung chủ yếu tại khu vực thành phố, thị xã, trong khi tại các huyện hạ tầng thương mại còn hạn chế khiến việc đưa hàng Việt tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại gặp nhiều khó khăn…

Đại diện siêu thị Dabaco (thành phố Bắc Ninh) cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Siêu thị đã bán khá nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, người tiêu dùng ngày càng thông thái hơn, khó tính hơn bởi họ có nhiều sự lựa chọn hàng hóa cả trong và ngoài nước… Vì thế, hàng Việt có tồn tại được trong siêu thị hay không và ở mức độ nào thì ngoài nỗ lực của đơn vị kinh doanh còn phụ thuộc rất nhiều vào chính các nhà sản xuất.

Trước thực tế này, để kênh bán lẻ hiện đại thực sự trở thành giải pháp hữu hiệu đưa hàng Việt đến gần với người Việt, vấn đề quan trọng là cần có sự phối hợp để nâng cao chất lượng các sản phẩm trong nước với giá cả cạnh tranh; quảng bá, truyền thông để sản phẩm và hình ảnh đến gần hơn nữa với người tiêu dùng; tiếp tục phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, nhất là các loại hình bán lẻ hiện đại, để loại hình phân phối này thực sự phát triển sâu rộng ở cả địa bàn nông thôn… 

Theo ông Nguyễn Xuân Chín, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thì Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý, có các chính sách giúp đỡ doanh nghiệp để phát triển thị trường trong nước. Nhà sản xuất phải nâng cao trình độ quản lý, trình độ tiếp thị quảng bá và trách nhiệm đối với người tiêu dùng, làm cho hàng Việt Nam có chất lượng cạnh tranh cao. Với người tiêu dùng, phải xây dựng được ý thức yêu nước, tự tôn dân tộc, xây dựng được trách nhiệm trong việc dùng hàng Việt Nam... thì mới có thể đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trên thị trường trong nước nói chung và trong hệ thống bán lẻ hiện đại nói riêng

Bài, ảnh: Thanh Ngân
Top