Tại Bắc Ninh, những năm qua, công tác CSSKBĐ được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bước đầu có những chuyển biến tích cực. Nét nổi bật phải kể đến đó là, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và CSSKBĐ nói riêng; kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể. Cùng với đó, các chỉ tiêu về sức khỏe được các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, chương trình thực hiện để lãnh đạo, chỉ đạo… Tuy nhiên, một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong công tác CSSKBĐ; hoạt động của Ban chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân ở cơ sở và công tác xã hội hóa y tế còn hạn chế; tuyến y tế huyện, thị xã còn thiếu cán bộ, nhất là bác sĩ và cán bộ có chuyên môn cao; tình trạng một số cán bộ y tế vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn còn xảy ra làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân; một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe…
Để nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn tỉnh, nhiều giải pháp đã được chỉ ra để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, đó là: Các cấp ủy Đảng cần quán triệt sâu sắc và rộng rãi đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt về quan điểm chỉ đạo của Đảng về y tế. Tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020.
Tăng cường lãnh, chỉ đạo công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác y tế, nhất là đối với cán bộ y tế cơ sở; thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên cán bộ y tế công tác tại tuyến cơ sở. Cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến cơ sở. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế cơ sở. Đảm bảo cung ứng thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng đến người dân… Song thực tiễn hoạt động ở mỗi đơn vị, địa phương, cơ sở có những điểm khác nhau. Vì thế, tại Hội thảo “Vai trò của các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn tỉnh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Y tế phối hợp tổ chức đầu tháng 12 vừa qua, đại diện các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương, đơn vị đã thảo luận, đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh khác nhau trong các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Huy Chiến, Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ tỉnh, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ban đầu cho nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của cả các cấp, các ngành, không riêng ngành Y tế. Với trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đặc biệt quan tâm đến hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của MTTQ các cấp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp thực hiện công tác CSSKBĐ cho nhân dân gắn với thực hiện các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Kết quả, từ năm 2009 đến 2012, toàn tỉnh có 884.412 lượt hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, 1.680 lượt khu dân cư được công nhận “Làng văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, điều này khẳng định công tác CSSKBĐ cho nhân dân ở những nơi này đã được thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các hoạt động CSSKBĐ cho nhân dân của MTTQ các cấp vẫn còn hạn chế. Giải pháp trong thời gian tới của MTTQ các cấp đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về công tác bảo vệ, CSSKBĐ; chú trọng đổi mới phương pháp truyền thông, tăng cường truyền thông nhóm, tư vấn trực tiếp và đảm bảo cung cấp đầy đủ sản phẩm và tài liệu truyền thông phù hợp cho từng đối tượng cụ thể…
Cùng với nhóm giải pháp về tuyên truyền, vận động, đồng chí Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh cũng đề cập đến những thách thức trong xu thế phát triển và hội nhập của tỉnh để từng bước đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, đó là: tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em nhất là thể thấp còi giảm chậm, bệnh ung thư, tăng huyết áp, bệnh đái tháo đư, tâm thần… và một số bệnh truyền nhiễm ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nhân dân.
Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đặt ra những yêu cầu mới là phải nâng cao nhận thức của người dân để họ tự thay đổi hành vi không có lợi cho sức khỏe, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Trên cơ sở đó, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, đạt hiệu quả trên tất cả các mặt công tác như truyền thông gián tiếp, truyền thông trực tiếp đã tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; trang bị kiến thức để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại đối với sức khỏe; tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Với giải pháp về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đồng chí Ngô Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Tiên Du cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tham mưu, phối hợp của Ban Tuyên giáo để nâng cao chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn, đó là: Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần đưa các mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Ngành Y tế các cấp cần chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy trong việc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết về y tế cơ sở. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Cần có cơ chế đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích thích hợp, đặc biệt là những xã khó khăn…
Với những kinh nghiệm và giải pháp cụ thể này sẽ là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII với mục tiêu: “Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư mới, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế cho các cơ sở khám bệnh và dự phòng, nâng cao y đức và tác phong phục vụ người bệnh của đội ngũ thầy thuốc, quan tâm y tế dự phòng, nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh… Phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe mới, mở rộng hình thức khám bệnh theo yêu cầu và chăm sóc sức khỏe tại nhà”.