khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 17/12/2013 - 15:56

Trọn mặt gửi vàng

Cách đây vài năm, khi video về bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa bạo hành trẻ em ở Đồng Nai được các nhà báo điều tra, phát hiện và phát sóng chương trình thời sự kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã tạo nên làn sóng căm phẫn trong dư luận. Bảo mẫu độc ác đã nhận bản án thích đáng của pháp luật, tuy nhiên cái tên, hành vi và nỗi ô danh sẽ còn đeo đuổi thị đến cuối đời.

Song so với “ác nhân” Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi, quê Cần Thơ, có chồng và một con trai 2 tuổi) - kẻ nhẫn tâm đánh đập, hành hạ bé trai 18 tháng tuổi đến chết thì Quảng Thị Kim Hoa chỉ mới thuộc hàng… “đệ tử”. Cái chết tức tưởi của cháu bé là nỗi đau không chỉ riêng với người thân, gia đình cháu mà cả xã hội bởi sự xuống cấp đạo đức con người. Và hơn hết, là bài học cho các bậc phụ huynh khi “Chọn mặt gửi vàng”. Đứa con là gia tài của cha mẹ, chúng ta không thể tùy tiện trao gia tài, vốn liếng cả đời cho người mà ta không hiểu gì về họ, bởi không cẩn thận sẽ “gửi trứng cho ác” mà trong vụ án Hồ Ngọc Nhờ thì cháu bé thật không may khi bị giao nhầm cho quỷ dữ.

Về vấn đề này, tôi xin kể chính câu chuyện của tôi, hy vọng các bạn sẽ có thêm chút kinh nghiệm. Đó là khi đứa con thứ hai của tôi được 16 tháng tuổi, vì điều kiện gia đình nên cần cho cháu đi gửi trẻ. Có 2 phương án được tôi đặt ra: gửi trẻ tư (tại gia) và xin cho con đi học mẫu giáo sớm (thực tế các trường mầm non chỉ nhận trẻ đủ 2 tuổi). Cân nhắc chán chê, cuối cùng tôi quyết định gửi trẻ tại gia, sau khi đã lòng vòng khảo sát vài điểm trông giữ trẻ với quan sát toàn diện: người trông trẻ, điều kiện vệ sinh tư gia, an ninh khu vực v.v... Tự tin là người có vốn sống, tôi đem con đến gửi một bảo mẫu mà qua tìm hiểu hàng xóm thì là người “không khéo miệng, hơi nóng tính nhưng chăm trẻ đứa nào cũng béo khỏe”. Khi tôi đến thì bà ta đang lau chùi nhà cửa, lau đến từng con tiện của bộ bàn ghế phòng khách nên tôi chấm điểm luôn; tiếp đến bà thủng thẳng “đấy mẹ mày cứ cân nhắc đi, bà mà chăm trẻ thì đứa nào cũng mũm mĩm, con chị gửi thì thằng em sau lại đến…”.

Tôi dạo một vòng thăm phòng ngủ, nhà vệ sinh, khu nấu bếp…, tuy chưa hoàn toàn ưng ý nhưng lại nghĩ “nhân vô thập toàn, bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài, làm sao mọi thứ theo ý mình được” nên chấm địa chỉ này. Tôi nói không ngoa một chút nào, mới gửi được đôi ngày đã thấy con có da có thịt hẳn ra, được một tuần, nửa tháng thì ai gặp cũng khen cháu “dạo này lớn thế”, “béo thế”, “phổng hẳn lên”...

Thực đơn hàng ngày của cháu: Sáng-mẹ mang cháo đến, bà cho ăn; thủng buổi sáng và chiều: uống sữa bột do mẹ mang đến; trưa (hoặc tối): cháo do bà trông trẻ nấu (nếu ăn thêm bữa tối thì thêm chút kinh phí). Tôi để ý thấy trước đây con tôi ăn khá đa dạng: hoa quả, cơm, cháo, chè, bích quy, sữa chua, phô mai, rau thập cẩm; vào bữa ăn của cả nhà cháu ăn ít, nhưng món gì cháu cũng ăn và tự xúc. Từ khi đi trẻ về, dù bất cứ món gì, kể cả trước đây rất thích cháu cũng không đụng. Song thấy con lên cân (đây là tật mắc phải của số đông các bà mẹ Việt Nam) nên tôi cũng không nặng nề, thậm chí còn khấp khởi mừng thầm. Nhiều lúc tôi còn nghĩ, cho con gửi trẻ tại gia, tốn kém một chút thật, nhưng thoát cảnh kì cạch nấu cháo, xay giã, dỗ con ăn… Duy chỉ có một điều khiến tôi khổ sở, đó là cháu liên tục bị cúm, chảy nước mũi nhiều tháng ròng, dù tôi đã dùng đủ các biện pháp vệ sinh mũi khoa học cũng như dùng thuốc.

4 tháng gửi con thì cả quãng thời gian ấy, giấc ngủ đêm là sự “tra tấn” đối với cả cháu và tôi. Không một đêm nào cháu ngủ trọn giấc, ngủ được khoảng 15-20 phút cháu lại dậy khóc, ban ngày tôi không phải chăm con, nhàn nhã bao nhiêu thì đêm con ngủ khổ sở bấy nhiêu, tôi gần như phải liên tục bế cháu ngủ ngồi. Điều đáng nói là trước đây cháu là đứa trẻ dễ ngủ, và hễ ngủ là say một mạch tới sáng, cả nhà vẫn nói đùa là con được “nết ngủ”. Sự thay đổi của cháu khiến tôi băn khoăn, tôi có đặt vấn đề với chồng và mọi người trong gia đình rằng liệu cách chăm sóc của người chăm trẻ có ổn không, hay họ có hành vi gì tổn hại đến tâm lý con tôi không, vì cháu quá bé chưa biết nói năng gì, nhưng mọi người đều cho rằng có lẽ do cháu chưa thích nghi môi trường và nếp sinh hoạt mới nên vậy.

Cho đến buổi chiều hôm ấy, sau trận ốm dài ngày, tôi cho con đi trẻ, 18 giờ hôm đó, khi tôi đến đón cháu, đứng ở phòng khách thì nghe thấy tiếng chửi xối xả trong nhà tắm, nhìn thì không thấy con đâu, chồng và con gái bà ta ở đó không biết nói sao, tôi đi vào trong thấy bà đang phun nước lạnh tứ tung vào người, vào đầu, vào mặt con tôi. Thấy tôi, bà thay đổi giọng chửi yêu, ông chồng đi theo bối rối phân bua “ăn cháo nôn ra hết nên bị bà mắng…”.

Đến đây thì tôi đã hiểu rõ nguồn cơn những vết lằn, vết bầm thỉnh thoảng xuất hiện trên người con tôi, hỏi thì bà bảo trẻ con chúng nghịch làm đau nhau thôi. Và rõ ràng, giấc ngủ bị phá vỡ, tiếng khóc và sự giật mình của con tôi mỗi đêm đều có nguồn cơn của nó. Tôi tự hỏi, khi đóng kín mọi cánh cửa, với kiểu nhà ống cách âm như thế, họ sẽ làm gì những đứa trẻ ở bên trong? Có trời mà biết được?

Tôi lặng lẽ đưa con về không nói một lời nào. Đêm hôm đó, con tôi lại lên cơn sốt cao, cháu không thở được phải vào viện cấp cứu, hút đờm dịch bởi chứng viêm phế quản co thắt tái phát. Bạn bè tôi biết chuyện, ai cũng phẫn nộ, chúng đòi đưa mụ ra công an. Tôi thì thấy sự việc chưa quá nghiêm trọng nên bỏ qua, vì gia cảnh bà ta cũng có nỗi niềm, tôi chỉ đau vì mình quá chủ quan, quá tin vào mình. Cho tới hôm vừa rồi, trong quán ăn sáng, tôi gặp bà ta, 2 người ngồi xây lưng vào nhau nên bà không nhận ra tôi.

Trong cuộc nói chuyện giữa bà và một phụ huynh có nhu cầu cho con gửi trẻ, sau khi nghe chị nọ than phiền mẹ chồng không biết chăm, con còi cọc, kém ăn, bà tiếp thị: “Có phải ai cũng biết chăm trẻ đâu. Này nhé, trẻ đến nhà tao, đứa nào cũng mũm mĩm, không tin mẹ mày đến mà xem, con chị gửi thì thằng em lại đến. Mày có biết không, đứa nào lúc mới đến, bà cũng phải cho uống thuốc cam, bà tự bỏ tiền ra mua, cho uống vài tháng liền đến khi nào vực lên mới thôi…”

Ôi trời ơi, thuốc cam chợ trời, bà ta tự ý giấu các mẹ cho uống, tôi chưa một lần biết rằng con tôi được bà cho uống thuốc cam. Đã có biết bao nhiêu đứa trẻ bị nhiễm chì vì uống thuốc cam do lang băm rởm pha chế? Bà ta đã cho con tôi và bao nhiêu đứa trẻ nữa uống thuốc cam trong cuộc đời “gần 20 năm trông trẻ” (bà ta tự khoe như vậy). Đến lúc này thì tôi biết là tôi đã sai, sai thật rồi…

Vậy nên, xin các mẹ, các cha hãy cẩn thận với gia tài-kho báu-đứa con của mình. Tìm người trông trẻ cho con cũng như bảo vệ chính sinh mạng con mình vậy. Bài học của tôi, tôi có cơ hội nhận ra, vì sự phát hiện tình cờ, nếu không tôi sẽ tiếp tục gửi trứng cho ác. Đừng để “chưa thấy quan tài chưa rơi lệ”…

Gia Bảo
Top