Những trẻ em và phụ nữ mà tôi biết đến là những người hiền thục, ở mãi những vùng thôn quê trong tỉnh. Để có được cuộc sống bình thường, họ đã phải trải qua nhiều gian khó, không chỉ chiến đấu với bệnh tật mà còn phải chiến đấu với sự kỳ thị của cộng đồng. Trường hợp của mẹ con chị D. là một điển hình.
Quê ở mãi Dũng Liệt (Yên Phong), lần đầu gặp chị tại nhóm Vì ngày mai tương sáng Bắc Ninh, mọi người cứ ngỡ là hai bà cháu, còn người em dâu đi cùng mẹ con chị mới là mẹ của bé D. Dáng vẻ chị lọm khọm, nước da đen xạm, tóc thì lơ thơ bạc. Về sau được biết đận đó chị ốm nặng, tưởng không qua khỏi. Trải qua bao gian nan mới biết thông tin về nhóm và cũng từ sự giúp đỡ đó cuộc sống của mẹ con chị như bước sang một bước ngoặt khác. Ở vào hoàn cảnh của chị, ít ai có thể ngờ là có thể nhiễm HIV. Vì cả đời chị từ khi trẻ đến khi nhiễm, chưa đi đâu ra khỏi lũy tre làng…
Truy tìm mãi mới biết, chồng chị có thời đi làm ăn ở Lạng Sơn. Cuộc sống cửu vạn nặng nhọc xa nhà… cùng nhiều yếu tố xã hội đã lôi cuốn ông vào vòng ma túy để rồi mang HIV về cho 2 người phụ nữ, 2 trẻ thơ và chính bản thân ông ta. Đó là người vợ trước và đứa con trai của họ đã qua đời vì một căn bệnh nào đó. Chị là vợ kế và đứa con gái của chị sinh ra đã èo uột, thường xuyên đau ốm. Khi chồng chị tiếp tục qua đời và bản thân chị mắc bệnh tiêu chảy không rõ nguyên nhân thì gia đình và người thân mới lờ mờ nghĩ đến AIDS.
Mẹ con chị qua khỏi cơn nguy kịch nhờ có sự can thiệp y tế kịp thời. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu của cuộc chiến “sống chung với AIDS”, bởi hàng xóm, người thân xung quanh không ai dám qua lại với “người có H”. Con chị đến tuổi đi học bị nhà trường từ chối vì dư luận phụ huynh phản đối. Tập thể nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh lại phải vào cuộc bằng việc tuyên truyền, vận động… làm thay đổi nhận thức của cộng đồng nơi mẹ con chị sinh sống. Cuộc sống của mẹ con chị đã trở về quỹ đạo ngày xưa, bình yên sau lũy tre làng cùng những người thôn quê chất phác.
Tiếp xúc và trò chuyện với chị L. ở một làng quê bên bờ sông Đuống cũng có cảm nhận như vậy: Thuần hậu như hạt lúa, củ khoai. Thế mà cũng vướng vào đại dịch AIDS do sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của người chồng. Chồng chị qua đời để ba mẹ con chị bơ vơ đối mặt với bệnh tật, nghèo đói và sự kỳ thị của xã hội. Vượt qua mặc cảm chị đã tìm đến các tổ chức xã hội, tham gia vào nhiều hoạt động hữu ích cho bản thân và xã hội. Tuy nhiên, với người làng chị vẫn luôn phải giữ bí mật để không bị xa lánh.
Còn nhiều những gương mặt phụ nữ như thế ở các vùng thôn quê trong tỉnh đang phải “chung sống với AIDS”. Ngoài sự giúp đỡ về vật chất, họ rất cần một cái nhìn thiện cảm từ cộng đồng.