khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 24/12/2013 - 09:02

Xây dựng hầm khí Biogas - Giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn

Những năm qua, chăn nuôi có sự phát triển mạnh mẽ, luôn chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Năm 2013, giá trị chăn nuôi đạt xấp xỉ 980 tỷ đồng với tổng đàn trâu, bò đạt khoảng 38.000 con, đàn lợn đạt 404.000 con, đàn gia cầm đạt hơn 4,6 triệu con. Chăn nuôi phát triển góp phần nâng cao thu nhập của người dân, tuy nhiên kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Xây dựng hầm khí Biogas là giải pháp tốt nhất chống ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

 
 
 
Để khắc phục và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, từ năm 2003 được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thông qua Dự án khí sinh học đã triển khai xây dựng hầm khí Biogas rộng khắp cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh. Công nghệ khí sinh học được Dự án phổ biến, ứng dụng rộng rãi là dùng thiết bị khí sinh học nắp cố định hình vòm cầu kiểu KT1 và KT2 với các cỡ 8 m3, 10 m3 và 12 m3. Trong đó, KT1 áp dụng cho những vùng đất dễ đào, nền đất tốt, mực nước ngầm thấp, KT2 được áp dụng cho những vùng đất khó đào, đất cát, nền đất yếu, mực nước ngầm cao.

Theo dự án, hộ gia đình chăn nuôi từ 10 - 15 con lợn/lứa trở lên hoặc 1 con lợn nái, 2-3 con trâu bò sẽ được hỗ trợ xây dựng hầm khí Biogas. Chi phí xây dựng 1 hầm khí Biogas khoảng từ 8-12 triệu đồng, mỗi hộ gia đình được Dự án hỗ trợ 1- 1,2 triệu đồng/công trình.

Để đông đảo người dân biết đến công nghệ khí sinh học và những tiện ích của nó, những năm qua Văn phòng Dự án Khí sinh học tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao KHCN tỉnh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… tổ chức tuyên truyền, vận động, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật xây dựng, sử dụng bể Biogas. 

Năm 2013, các hoạt động của Dự án gặp nhiều khó khăn do giá vật liệu, nhân công… tăng cao; Các đối tượng dịch bệnh như: Tai xanh ở lợn, cúm gia cầm bùng phát; Giá thức ăn chăn nuôi tăng và không ổn định, giá sản phẩm chăn nuôi giảm thấp, người chăn nuôi bị lỗ; một số mẫu công trình khí sinh học bằng composid cạnh tranh không lành mạnh với mẫu thiết kế KT1, KT2; kinh phí hỗ trợ cho công trình khí sinh hoc giảm… Tuy nhiên, đến hết tháng 9-2013, Dự án đã hoàn thành xây dựng 474 hầm khí Biogas với chất lượng bảo đảm, nâng tổng số hầm khí Biogas được xây dựng từ năm 2003 đến nay lên 8.312 công trình.

Theo ông Nguyễn Mạnh Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, việc xây dựng hầm khí Biogas là biện pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn; mang lại nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Theo tính toán, sử dụng hầm khí Biogas mỗi hộ gia đình tiết kiệm chi phí nhiên liệu được từ 200.000 đến 300.000 đồng/tháng, bã thải từ hầm khí có thể dùng làm phân bón cho cây trồng, sử dụng làm thức ăn cho cá sẽ ít bị dịch bệnh, tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giúp nông dân có thể thâm canh.

Tiện ích khi sử dụng công nghệ khí sinh học là người dân có thể dùng khí gas để thắp sáng, đun nấu, tạo môi trường sống sạch đẹp, giảm mùi hôi của chuồng trại chăn nuôi. Hiện nay, qua khảo sát, 100% các công trình khí sinh học đã xây dựng có sử dụng khí gas cho đun nấu, gần 40% công trình có sử dụng bã thải cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và các ứng dụng khác như: phát điện để thắp sáng và bình tắm nóng lạnh. Việc xây dựng và sử dụng hầm khí Biogas là giải pháp xử lý có hiệu quả chất thải và thúc đẩy chăn nuôi phát triển; cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân; góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, tạo thêm việc làm ở nông thôn, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng hoá thạch, giảm hiện tượng chặt phá rừng và giảm phát thải khí nhà kính... Đây cũng là giải pháp góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp và văn minh. 

Từ những kết quả trên có thể khẳng định xây dựng hầm khí Biogas là một hướng đi đúng mang lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Năm 2014, Văn phòng Dự án Khí sinh học tỉnh phấn đấu xây dựng thêm 550 hầm khí Biogas. Để đạt được mục tiêu này, Văn phòng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tập huấn, hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm cho kỹ thuật viên, thợ xây và các hộ tiếp nhận công trình; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; xây dựng kế hoạch tập huấn chi tiết về xây dựng, vận hành, sử dụng các công trình khí sinh học cho các hộ tiếp nhận công trình; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân…

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn
Top