Tại điểm cầu Bắc Ninh, các đồng chí: Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn-Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nhân Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 tại điểm cầu Bắc Ninh.
Năm 2013, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng và thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra.
Tuy nhiên nền kinh tế cả nước vẫn còn một số hạn chế: Một số chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 chưa đạt; Kinh tế vĩ mô phục hồi nhưng chưa vững chắc; Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng triển khai chậm; Tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao; Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI; Đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động mất việc làm, người dân bị thu hồi đất ở, đất sản xuất còn nhiều khó khăn...
Cùng với sự phát triển chung của cả nước, năm 2013, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2013 ước 14.939 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp ước 180.931 tỷ đồng, tăng 61,1% so với năm 2012. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước 2.569,6 tỷ đồng (giá 1994) đạt 95,5% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước 30.803 tỷ đồng, tăng 17,9%. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 23 tỷ USD, xuất siêu gần 2 tỷ USD. Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 11.533 tỷ đồng, đạt 100,4% dự toán và bằng 122,1% so với năm 2012. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh, nhiều dự án quy mô lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất thiết bị điện thoại di động Nokia, Công ty TNHH Fujikin Việt Nam, Sữa đậu nành Vinasoy, Nhà máy 2-Tập đoàn Samsung... Các công trình, dự án trọng điểm được triển khai theo đúng lộ trình kế hoạch, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả rõ nét; an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội của lãnh đạo các địa phương và giải đáp của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 của cả nước nói chung, các Bộ, ngành, địa phương nói riêng. Đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng, nặng nề trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là các giải pháp nhằm cụ thể hóa, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Rà soát tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh, giải quyết nợ xấu, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, phấn đấu đạt tăng trưởng 5,8%. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế, quán triệt hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư để phát triển. Tập trung đàm phán 6 hiệp định thương mại: TTP… Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá (cải cách thể chế, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực) chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế: (đầu tư công, ngân hàng nhà nước; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa; tái cơ cấu nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, tăng cường liên kết hợp tác sản xuất; tiếp tục tập trung đảm bảo an sinh xã hội), đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đối với lĩnh vực môi trường, các địa phương không để phát sinh doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường mới, không cấp giấy phép cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh Phòng, chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm. Hoàn thiện thể chế, công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Trong lĩnh vực Quốc phòng an ninh, đối ngoại, tập trung giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh hội nhập nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Thủ tướng cũng chỉ đạo đối với dịp Tết Nguyên đán sắp tới cần chủ động cân đối hàng hóa thiết yếu, không để tăng giá, có phương án bảo đảm an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, an ninh trật tự.
Trên cơ sở các ý kiến của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến về cơ chế chính sách chung đưa vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ; Các Bộ, ngành theo chức trách nhiệm vụ tiếp thu, xử lý các kiến nghị cụ thể của từng địa phương, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trên tinh thần cùng nhau triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu năm 2014. Khi có nghị quyết của chính phủ, các địa phương cần rà soát bổ sung chủ trương của địa phương cho phù hợp với chủ trương đồng bộ, toàn diện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014.