Ban Giám khảo chúc mừng các tác giả đạt giải cuộc thi thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chính Hoàng Hanh và Ban Chủ nhiệm CLB Thơ người cao tuổi xã An Thịnh cũng không ngờ rằng cuộc thi lại được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong xã, sự hưởng ứng của đông đảo những người yêu thơ và nhân dân. Cũng vì một lẽ giản đơn, cuộc thi đáp ứng được lòng mong mỏi của nhiều người dân xã An Thịnh có dịp gửi gắm lòng mình vào những vần thơ gan ruột kính dâng lên Đại tướng. Ban Tổ chức đã nhận được 205 bài thơ từ 93 tác giả, trong đó có tác giả đã ngoài 80, có tác giả đang độ tuổi trẻ.
Thể thơ được các tác giả lựa chọn khá đa dạng như: Lục bát 5 chữ, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, tự do. Mỗi bài, câu và vần thơ theo những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng khuynh hướng chủ đạo là bày tỏ tình cảm tiếc thương trước sự ra đi và ngợi ca phẩm chất, công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tình cảm và suy nghĩ ấy được gửi gắm vào những câu thơ dung dị, mộc mạc, đầy chân tình, xúc động, tiếng nói từ cõi lòng sâu thẳm của nhân dân.
Đau đớn trước sự ra đi của Đại tướng, cụ Đỗ Danh Hoạn, 82 tuổi có 2 câu thơ xúc động:
Khói nhang như cuộn tim đau
Cỏ cây như thể lặng sầu cùng dân.
Nữ tác giả Nguyễn Thị Tập nức nở trong lời thơ:
Nghe tin Bác Giáp đi xa
Lòng con đau đớn nhạt nhòa lệ rơi
“Cuộn tim đau”, “lặng sầu”, “đau đớn”, “lặng thầm nước mắt”, “nhạt nhòa lệ rơi”… những từ ngữ biểu cảm như được chắt lọc từ tâm can, thể hiện nỗi đau khi mất đi người ruột thịt. Điều đó càng khẳng định Đại tướng mãi mãi là của nhân dân, của lòng dân, vô cùng thân thiết, như ý của tác giả Nguyễn Đình Liệt gửi gắm:
Nhân dân, già trẻ nơi nơi
Kính thương Đại tướng như người thân yêu
Tiễn Bác về nơi an nghỉ vĩnh hằng tại Đảo Yến, Quảng Bình, tác giả Phạm Thị Hường có lời thơ đón ý:
Bác ngự trên ngọn núi Rồng
Nhìn ra Đảo Yến biển Đông sáng ngời
Bác như nhắn nhủ mọi người
Giữ đất, giữ biển muôn đời về sau
Cựu chiến binh Phạm Hữu Châu trước cây đa Tân Trào có 2 câu thơ ấn tượng:
Đa bao nhiêu lá trên cành
Cũng không ghi hết công danh của Người
Lấy ý từ mật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”, tác giả Phạm Hữu Châu có câu thơ như tái hiện khí thế hào hùng của quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975:
Trường Sơn xẻ dọc đại ngàn
Thần tốc-thần tốc lệnh vang chiến trường
Tác giả Nguyễn Thị Phần cảm nhận:
Bác Văn-Bức tượng thành đồng
Tạc vào thế kỷ sáng trong muôn đời
Thơ đã làm nên điều kỳ diệu để giãi bày nỗi lòng, giải tỏa các cung bậc cảm xúc trong tâm hồn.
Điều khá đặc biệt và bất ngờ là giải cao nhất của cuộc thi thuộc về tác giả trẻ Nguyễn Xuân Linh. Anh sinh năm 1972, đang làm nghề thợ xây. Thời gian rỗi không có nhiều nhưng vì yêu thơ và xuất phát từ lòng mến mộ, kính trọng Đại tướng, anh đóng góp 4 bài thơ khá sâu sắc, bày tỏ sự tiếc thương Đại tướng là vô hạn:
Người đi để lại tiếc thương
Trăm miền nhỏ lệ, muôn phương sụt sùi
Ca ngợi công, đức của Đại tướng sẽ lưu danh muôn thuở:
Người dĩ công vi thượng
Cho đất nước đẹp hơn
…
Người song toàn văn võ
Trí-Dũng-Tín-Liêm-Trung
…
Nhẫn-Đức-Nhân toàn vẹn
Vẫn tu dưỡng không ngừng.
…
Danh tiếng muôn thời đại
Xứng tôn bậc thánh hiền
Nhà thơ Bạch Liên, hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi tâm sự: “Cuộc thi trước hết mang tính phong trào, một số bài chưa thực sự rõ nét về cấu tứ, cách gieo vần, ngắt nhịp… nhưng thi chỉ là một cái cớ, cốt lõi là mọi người làm thơ để tỏ lòng tiếc thương, tri ân, thấy được công lao trời biển của Đại tướng. Từ đó muốn nhắn nhủ con, cháu học tập tấm gương sáng về nhân phẩm, đạo lý làm người của Đại tướng. Việc xếp hạng giải không quan trọng mà phần thưởng cao quý nhất là giá trị tinh thần, là hương thơ và nén tâm nhang của lòng dân kính dâng lên Đại tướng”.