Trang trại tổng hợp rộng 22ha của anh Vũ Văn Sơn, xã Thái Bảo (Gia Bình) đang gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận trang trại.
Nhìn từ thực tế, ý nghĩa lớn nhất của chủ trương này đối với các trang trại là ở chính sách tín dụng vì theo Nghị định 41 của Chính phủ “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” thì đối tượng là chủ trang trại được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản mức tối đa 500 triệu đồng. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, số vốn trên hết sức quan trọng để các trang trại duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất.
Xét theo tiêu chí mới, báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Ninh cho thấy toàn tỉnh có 119 trang trại đủ điều kiện được cấp chứng nhận trang trại. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 17 trang trại đã làm hồ sơ và được cấp Giấy chứng nhận, ở hai địa phương là huyện Gia Bình và thành phố Bắc Ninh.
Theo ông Bùi Thế Sẫm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Gia Bình, nhận thức của người dân về giá trị của chứng nhận trang trại còn rất hạn chế, có nhiều chủ trang trại thậm chí còn không biết đến chứng nhận này, dẫn tới việc họ không mặn mà làm thủ tục xin cấp. Tuy nhiên, khi trao đổi với các chủ trang trại chúng tôi được biết họ đã rất vất vả để mở rộng quy mô sản xuất nhằm đạt được tiêu chí kinh tế trang trại mới, nhưng giá trị của Giấy chứng nhận này lại không được như trông đợi.
Trước đây, các chủ trang trại vẫn tin tưởng rằng, chứng nhận trang trại sẽ là tấm “vé thông hành” để giao dịch với ngân hàng, nhưng khi thẩm định hồ sơ vay vốn, các ngân hàng lại có cách nhìn riêng của họ. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp bấp bênh như hiện nay, để đảm bảo an toàn tín dụng, các ngân hàng thường thỏa thuận với các trang trại vay có thế chấp tài sản. Còn theo hình thức tín chấp, các trang trại chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng. Như vậy, mặc dù đã có chứng nhận trang trại nhưng người dân chỉ có thể vay ngân hàng với mức thấp.
Trang trại của ông Trần Văn Chuyển, thôn Hữu Ái, xã Giang Sơn (Gia Bình) là một trong số ít các trang trại đạt được tiêu chí mới.
Cùng với việc không đem lại lợi ích thiết thực, Chứng nhận trang trại đồng thời không phải là thủ tục bắt buộc trong khi một số chủ trang trại vẫn còn tâm lý phát triển kinh tế manh mún nên tỏ ra khá thờ ơ với việc đăng ký cấp giấy chứng nhận. Thêm vào đó, nhiều nông dân còn e ngại trước các thủ tục, hồ sơ cấp, đổi Giấy chứng nhận trang trại mà theo họ là khá phức tạp.
Anh Vũ Văn Sơn, chủ trang trại có diện tích lớn nhất huyện Gia Bình đã vất vả 1 năm nay mà chưa xin được giấy chứng nhận chỉ vì thiếu hộ khẩu. Anh kể: “Tôi quê ở xã Thái Bảo, nhưng đi làm ăn kinh tế và thường trú tại
Theo ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Làm vườn Bắc Ninh, phong trào Câu lạc bộ trang trại những năm gần đây phát triển khá mạnh nhưng nhiều trang trại sản xuất còn tự phát, khả năng tiếp cận với những chính sách ưu đãi vẫn rất thấp. Chẳng hạn, ngoài chính sách về trang trại chung của nhà nước, UBND tỉnh ban hành Quyết định 30/2012/QĐ-UBND về Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó nêu rõ, đối với các trang trại có quy mô từ 2ha trở lên sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu chăn nuôi tập trung, gồm đường giao thông, đường điện và kinh phí xây dựng hệ thống xử lý môi trường. Song thực tế một số trang trại quy mô lớn vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định lưới điện để sản xuất, chứ chưa nói gì đến việc đuợc đầu tư xây dựng ngoài hàng rào. Có lẽ vì thế phần nhiều chủ trang trại hiện nay vẫn không có ý định xin cấp chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới.
Những năm qua phát triển kinh tế trang trại đã tác động tích cực đến việc sản xuất hàng hoá nông sản, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo. Vì thế, việc ban hành tiêu chí trang trại mới nhận được sự đồng tình của nhiều cấp, ngành.
Nhận định về sự thay đổi này, ông Nguyễn Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Bắc Ninh cho rằng, chủ trương về kinh tế trang trại mới sẽ góp phần mở rộng quy mô và giá trị sản xuất trang trại lên mức cao, tạo sự chuyển biến tích cực trong cách làm kinh tế trang trại so với trước đây. Bởi trước năm 2011, toàn tỉnh có gần 2.000 trang trại và phần nhiều trong số này có quy mô không khác kinh tế hộ là mấy. Đến nay, số trang trại đạt các tiêu chí mới được xác định là 119 trang trại, với tổng giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp bán ra gần 300 tỉ đồng.
Theo quy định của Nhà nước, khi được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, ngoài chính sách tín dụng, các chủ trang trại còn được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, lao động, khoa học công nghệ, bảo hộ đầu tư... từ đó tạo động lực cho người sản xuất nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, liên kết và hình thành mô hình sản xuất khép kín. Hơn thế, khi quy mô trang trại lớn hơn, chủ trang trại phải thay đổi nhận thức tự nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất để đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường. Vì vậy, việc cấp Giấy chứng nhận trang trại đối với các trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, để người dân hiểu rõ hơn về giá trị của Giấy chứng nhận trang trại, các ngành chức năng cần có định hướng cụ thể và phù hợp khi triển khai chính sách tại cơ sở. Đặc biệt là tạo điều kiện, áp dụng đúng những lợi ích mà người làm trang trại được hưởng từ chính sách để họ thấy rõ sự ưu đãi, góp phần đưa loại hình kinh tế trang trại trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực cho các vùng nông thôn.