khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 31/12/2013 - 09:18

Văn hóa giao thông học đường

Hiện cả nước có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên, chiếm gần 30% dân số toàn quốc (chưa kể đến đội ngũ thanh niên không theo học tiếp cấp THPT và các đối tượng lao động khác là thanh niên). Đây là nhóm đối tượng chiếm khoảng một nửa số người tham gia giao thông hàng ngày trên đường. Đây cũng là thế hệ có tính chất quyết định đối với kỷ cương giao thông của cả nước trong tương lai gần. Song sự đầu tư, giáo dục pháp luật về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông, hướng dẫn giao thông, tổ chức và tạo điều kiện đi lại thuận tiện học sinh, sinh viên là chưa tương xứng.

Học sinh đi dàn hàng ngang trên các tuyến phố tại thành phố Bắc Ninh vi phạm Luật Giao thông.
 
 
Một hiện trạng nhức nhối về văn hóa giao thông hiện nay là: Những thói quen tùy tiện, thích thể hiện mình của học sinh, sinh viên, bất chấp Luật giao thông dẫn đến phổ biến vi phạm những Quy tắc giao thông, đi sai phần đường, làn đường, lạng lách đánh võng, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, đi xe đạp vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang chiếm hết phần đường của các phương tiện khác, sử dụng điện thoại khi đang lưu thông trên đường,… Hậu quả là đã gây ra hàng loạt những vụ TNGT nghiêm trọng làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản và tổn thất về tinh thần mà không gì có thể bù đắp được.

Điều đó được chứng minh bằng những con số đáng sợ. Hàng năm cả nước trung bình có 11.000 người chết vì TNGT, trong đó lứa tuổi thanh, thiếu niên là 4.000. Và cứ đến mỗi mùa thi, ngày tựu trường có hàng chục thầy, cô giáo, hàng chục những học sinh, những tân sinh viên tương lai trong cả nước không bao giờ được đến trường nữa hoặc bị thương tật suốt đời vì TNGT.

Tại Bắc Ninh không ít các em học sinh, sinh viên tuổi đời còn rất trẻ với biết bao ước mơ, hoài bão chưa thực hiện đã phải bỏ dở bởi TNGT như em Nguyễn Văn Cường sinh năm 1994, em Nguyễn Huy Đạt sinh năm 1995, em Vũ Thị Thoa sinh năm 1993 ở Lương Tài, hay em Trần Đức Linh ở Vệ An thành phố Bắc Ninh vừa tốt nghiệp Đại học đang công tác tại công ty may (Đình Trám-Bắc Giang), cháu Doãn Huy Hoàn sinh năm 2002 ở Phú Cường-Lương Tài... đều tử vong vì TNGT. Gần đây là trường hợp của em Nghiêm Thị Luyện, sinh năm 1995, lớp 12 trường THPT Yên Phong 1 bị TNGT tại ngã tư Chờ đã lấy mất đôi chân, khiến cuộc sống hiện tại của em vô cùng khó khăn.

Trên đây chỉ là số ít minh chứng cho thảm họa TNGT liên quan đến học đường. Năm 2013 mặc dù Sở GD-ĐT đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo triển khai về việc tăng cường giáo dục pháp luật về TTATGT trong nhà trường, có nhiều giải pháp, nhiều mô hình và các biện pháp tuyên truyền, giáo dục: Tổ chức diễn đàn, tọa đàm chuyên đề về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, về nguyên nhân gây ra TNGT, ký cam kết về bảo đảm TTATGT giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, mô hình cổng trường TTATGT,… Một số trường THPT như Quế Võ, Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh số 2,… đã có những hình thức xử lý đối với các em học sinh vi phạm Luật Giao thông...

Tuy nhiên hiện nay tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường, học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, học sinh đi xe đạp dàn hàng ngang trên đường cản trở giao thông, vượt đèn đỏ,… vẫn còn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác bảo đảm TTATGT nói chung đã được các trường học quan tâm song chưa thường xuyên, liên tục, mới chỉ tập trung vào tháng cao điểm, hay theo chuyên đề, vì vậy hiệu quả chưa cao.

Qua công tác kiểm tra của Ban ATGT tỉnh năm 2013 tại một số phòng giáo dục cho thấy: Công tác triển khai thực hiện, bảo đảm TTATGT trong nhà trường còn rất chung chung, sơ sài chưa có kế hoạch cụ thể. Một số phòng giáo dục có quyết định kiện toàn Ban ATGT nhưng không phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt là số ít cán bộ phòng giáo dục, một số trường còn cho rằng: Chỉ chịu trách nhiệm về các em học sinh khi đang ở trường còn trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà thì không có trách nhiệm. Đây là quan niệm sai lầm bởi đối với các em học sinh, sinh viên, TNGT chỉ xảy ra trên đường đi học chứ ở trong trường làm sao có TNGT?. Qua đây cho thấy, công tác kiểm tra đôn đốc thực hiện bảo đảm TTATGT trong các  nhà trường chưa được quan tâm thường xuyên.

Trật tự ATGT, văn hóa giao thông học đường thực sự đi vào nền nếp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các em thấy rõ được hậu quả của TNGT là thảm họa khôn lường, là tổn thất lớn không có gì bù đắp được; Việc xử lý học sinh vi phạm phải mang tính tích cực, đủ sức răn đe, nhưng không ảnh hưởng đến kết quả học tập, phải làm cho các bậc phụ huynh thấy được vi phạm của con em mình là có một phần lỗi của mình và chính nó có liên quan trực tiếp đến mạng sống của con em mình đang bị đe dọa hàng ngày trên đường đến trường bởi TNGT. Từ đó cùng có trách nhiệm với nhà trường, với thầy cô giáo chủ nhiệm trong việc giáo dục các em tránh được hiểm họa là TNGT. Một ý thức giao thông triệu triệu nụ cười hạnh phúc. Văn hóa giao thông là an toàn cho bạn, là cuộc sống của tôi.

Hoài Lan - Nguyễn Ngọc Thái
Top