khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 13/01/2014 - 15:08

Huy Cờ-Tác giả nặng lòng với quê hương Kinh Bắc

Là tác giả kịch bản sân khấu, Huy Cờ được nhiều người biết đến qua gần chục tác phẩm viết về đề tài lịch sử đã được nhiều đoàn chuyên nghiệp trong nước dàn dựng. Có những tác phẩm đã đi vào chuẩn mực như: “Người con gái Kinh Bắc” được Hội đồng nghệ thuật quốc gia xếp vào vở có tính kinh điển. Hay vở “Trạng” nổi tiếng một thời trên diễn đàn văn học nghệ thuật bởi nhiều đoàn dàn dựng, nó đã đứng vững trên nhiều thể loại như chèo, tuong, cải lương, ca kịch v.v…

Càng ngạc nhiên hơn khi Huy Cờ bước vào lĩnh vực văn xuôi. Đến nay ông đã có trên 30 tác phẩm, chủ yếu là tiểu thuyết lịch sử. “Nữ tướng vùng Kinh Bắc” Nxb Quân đội, ấn hành năm 1988 từng gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc tìm đến ông, chính họ không ngờ rằng, một người như “lão nông” giản dị, thuần phác mà lại uyên thâm như vậy.

Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Kinh Bắc, đất và người Kinh Bắc, lịch sử-văn hóa quê hương như ngấm vào máu thịt ông-Đó là nguồn phù sa, là mạch nguồn trong trẻo, thiêng liêng thôi thúc ông cầm bút. Những năm gần đây cứ hai năm ông lại cho ra đời từ một đến hai tiểu thuyết, năm 1990 “Vợ Ba Đề Thám”, năm 1995 “Hai phi một chúa”, “Danh nhân Kinh Bắc”, rồi đến “Hoàng Hoa Thám”, “Chủ soái Cai Vàng” v.v…

Ở vào tuổi “thất thập” ông vẫn đau đáu với quê hương. Sau “Vợ Ba Đề Thám”, “Hoàng Hoa Thám” và “Chủ soái Cai Vàng” ông mong muốn tái hiện trên những trang viết của mình một tác phẩm “điện ảnh” về cuộc khởi nghĩa Yên Thế và vùng Kinh Bắc bất khuất, kiên cường chống thực dân Pháp giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nung nấu 10 năm và đến nay, đúng dịp kỷ niệm 130 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-2014) ông cho ra mắt bạn đọc bộ tiểu thuyết lịch sử “Rừng thiêng Yên Thế” gồm 4 tập:

Tập 1: Hoàng Đình Kinh (Tướng tài lưỡng quốc)

Tập 2: Đề Nắm (Một thời oanh liệt)

Tập 3: Bá Phức (Nửa đời oanh liệt)

Tập 4: Hoàng Hoa Thám (Hùm Thiêng Yên Thế).

Hơn một ngàn trang viết điển hình và khái quát hóa về suốt cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đòi hỏi lượng tư liệu khổng lồ, chính xác về mặt lịch sử, ông đã từng lăn lộn ở Thư viện Quốc gia, Cục Lưu trữ Trung ương, Thư viện khoa học xã hội nhiều năm và được sự giúp đỡ tận tình của các cá nhân  và cơ quan, của các giáo sư, các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương, không những thế ông còn đi điền dã, khảo cứu ở các thôn, bản, sưu tầm những chuyện kể, những giai thoại, thơ ca, hò vè… về những con người làm nên lịch sử để cho mỗi trang viết thêm sống động.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin và UBND huyện Yên Thế, Bắc Giang, bộ tiểu thuyết “Rừng thiêng Yên Thế” đã ra đời đúng dịp ông 70 tuổi, lại đúng thời điểm kỷ niệm 130 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế là nguồn động viên lớn đối với ông, một người suốt cả cuộc đời nặng lòng với quê hương Kinh Bắc.

Ông cho rằng bộ tiểu thuyết này là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời sáng tác của ông với vùng quê mà ông đã sinh ra và lớn lên. Ông mong muốn những trang viết máu thịt, khiêm tốn của mình sẽ góp một phần nhỏ giúp người đời hiểu biết thêm về vùng quê văn hiến-anh hùng rất đỗi tự hào-Vùng quê Kinh Bắc.

Ngô Văn Trụ
Top