khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 22/01/2014 - 10:46

Xây dựng đời sống văn hóa ở Quế Võ

Cùng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn được huyện Quế Võ quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương ổn định và phát triển bền vững.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, năm 2013, Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa Quế Võ triển khai rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, phê duyệt quy ước văn hóa khu dân cư, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, gắn với phát huy vai trò tự quản của nhân dân trong việc giữ gìn trật tự an ninh, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống. Hoạt động lễ hội được tổ chức theo đúng quy chế của Bộ Văn hóa-TT&DL, 100% các thôn, làng đều thành lập Ban tổ chức lễ hội, đảm bảo triển khai các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, nhiều trò chơi dân gian truyền thống đã được khôi phục.

Việc bảo vệ và tu bổ các di tích lịch sử văn hoá được quan tâm. Toàn huyện có 36 di tích được công nhận Di tích lịch sử văn hóa. Trong năm UBND huyện triển khai trùng tu, tôn tạo 1 di tích với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa và nguồn hỗ trợ của tỉnh 500 triệu đồng. Các di tích lịch sử văn hóa được công nhận đều có Ban quản lý nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tân gia, mừng thọ có nhiều chuyển biến tích cực, theo tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết số 20, 22/2011 của HĐND tỉnh; gắn tiêu chuẩn thực hiện nếp sống văn minh vào việc bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa. Trong năm, toàn huyện có 1.686 đám cưới, hầu hết đều được tổ chức gọn nhẹ tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế từng gia đình và đảm bảo tuân thủ qui ước của địa phương. Đối với việc tang, 100% các đám tang đều thực hiện nghiêm túc qui ước của địa phương, trong năm đã có 71 trường hợp người chết thực hiện điện táng, hỏa táng, tăng 6 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012, tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ 265.783.500 đồng.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền và triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Các hộ dân ngày càng có ý thức hơn trong việc đăng ký và thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Các thành viên trong gia đình đều có ý thức giữ gìn nền nếp gia phong, tuân thủ pháp luật, đoàn kết thôn xóm, nỗ lực trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, số hộ đăng ký và đạt danh hiệu gia đình văn hóa tăng từ 29.627 gia đình năm 2012 lên 31.594/36.625 gia đình năm 2013.

Trong quá trình triển khai, các tiêu chí công nhận danh hiệu văn hóa được Ban chỉ đạo huyện Quế Võ xây dựng vừa đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật, vừa sát với yêu cầu thực tiễn địa phương. Việc đánh giá, bình xét công nhận danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa được triển khai nghiêm túc, dân chủ, căn cứ trên kết quả thực hiện các tiêu chí thực tế tại cơ sở, do đó đảm bảo được sự công bằng, nghiêm túc, chính xác, tạo niềm tin, phấn khởi trong cán bộ đảng viên và nhân dân.

Phong trào xây dựng làng văn hóa còn được lồng ghép hiệu quả với phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các phong trào đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Người dân tích cực hiến đất, ngày công lao động để làm đường nông thôn, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm. Chất lượng các tiêu chí đạt được ngày càng cao và bền vững. Năm 2013, toàn huyện có 56/111 làng, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, tăng 13 làng, khu phố so với năm 2012. Trong đó có 17 làng đạt danh hiệu làng văn hoá 3 năm liền, giai đoạn (2011-2013).

Để nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Ban chỉ đạo huyện Quế Võ xác định còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, lãnh đạo của các ngành, các địa phương, quán triệt phát triển kinh tế phải đi cùng với phát triển văn hóa, văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội, để từ đó có kế hoạch chỉ đạo và đầu tư cho văn hóa. Mỗi người dân phải thấy giá trị văn hóa trong cuộc sống của chính mình và gia đình mình; “... làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng trên địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực và quan hệ con người” theo tinh thần Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thực tế, các hoạt động văn hóa chỉ có hiệu quả thiết thực khi xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. UBND huyện Quế Võ luôn xác định, khi nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân ngày càng cao thì cần thiết phải nâng cấp cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá, đảm bảo các thiết chế văn hóa đáp ứng tốt yêu cầu là nơi sinh hoạt, học tập, tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao bổ ích, để người dân có thể thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần một cách thiết thực, trọn vẹn.

Thành Trung
Top