khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 24/01/2014 - 08:48

Một tài danh xứ Bắc rạng rỡ trí tuệ Việt Nam

Tiếp nối truyền thống khoa bảng họ Đàm làng Me (nay là thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), mới 7 tuổi là “Thần đồng” toán học rồi trở thành Giáo sư đại học tổng hợp Chicago, Giáo sư Đàm Thanh Sơn đã góp phần làm rạng rỡ trí tuệ Việt Nam, vẻ vang truyền thống khoa bảng trên miền đất nghìn năm văn hiến!

Chủ tịch nước Trần Đức Lương (đứng giữa) tiếp một số nhà vật lý Việt Nam dự Gặp gỡ Việt Nam năm 2004.

Trong ảnh, từ trái sang phải (hàng trước): Trần Minh Tâm, Trịnh Xuân Thuận, Phạm Quang Hưng, Nguyễn Văn Hiệu. (hàng sau): Đàm Thanh Sơn, Trần Thanh Vân.

 

 

Sinh năm Kỷ Dậu-1969, trong một gia đình trí thức cao cấp, bố là Giáo sư (GS) dược học Đàm Trung Bảo, mẹ là Phó giáo sư sinh hoá Nguyễn Thị Hảo. Họ Đàm Thận làng Me là một dòng tộc khoa bảng. Trải qua 21 thế hệ từ các triều đại Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, đời nào cũng có người đỗ đạt trong khoa cử. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, họ Đàm có những gương mặt xuất sắc đóng góp nhiều công trạng cho đất nước như: GS Đàm Trung Đồn (chú ruột Đàm Thanh Sơn) một trong những người có công lớn trong việc nghiên cứu cải tiến tên lửa SAM-2, chống nhiễu B52, rà phá bom mìn ở vịnh Bắc Bộ; GS, Tiến sĩ hóa dược Đàm Trung Bảo; GS, Tiến sĩ kinh tế Đàm Hiếu Nhuệ; Đàm Hiếu Chí (là con GS Đàm Trung Đồn), đoạt giải 3 kỳ thi Tin học quốc tế lần thứ 3, năm 1991, tại Hy Lạp.

Từ những năm tháng đầu tiên của tuổi học trò, sống và học tập trong thời bao cấp, nhiều khó khăn, thiếu thốn do đất nước vừa trải qua chiến tranh, nhưng Đàm Thanh Sơn đã sớm nổi tiếng là “Thần đồng toán học”,  năm học lớp 2 (hệ phổ thông 10 năm) tại Trường cấp I-II Bà Triệu (Hà Nội) cậu bé Sơn đã giải được khá nhiều bài toán khó của lớp 10, được Sở Giáo dục-Đào tạo đặc cách riêng về môn Toán, cho Sơn học lên năm cuối cấp hai, khi lên cấp III, Sơn được tuyển vào học lớp chuyên Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1984 , khi mới 15 tuổi Đàm Thanh Sơn đạt Huy chương Vàng (với số điểm tuyệt đối 42 / 42 điểm) cuộc thi Toán quốc tế tại Tiệp Khắc. Nhận ra tài năng siêu việt của Đàm Thanh Sơn,  GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, - một nhà lãnh đạo giáo dục hết lòng yêu quý tài năng - chọn gửi sang học Vật lý tại Đại học tổng hợp Lomonosov (Moscow, Liên Xô cũ), trường đại học danh tiếng nhất hệ thống xã hội chủ nghĩa thời ấy. Năm 22 tuổi (1991) Đàm Thanh Sơn tốt nghiệp xuất sắc, bốn năm sau (1995) anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, nhận Bằng Tiến sĩ vật lý hạng ưu tú, dưới sự hướng dẫn của GS Valery Rubakov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Moskva.      

Yêu mến và kỳ vọng vào tài năng của Đàm Thanh Sơn, GS Rubakov khuyên anh nên sang Mỹ, nơi có điều kiện tốt hơn vì lúc đó nước Nga dưới thời Boris Yeltsin đang khủng hoảng dữ dội. Đây là bước ngoặt lịch sử, mở ra con đường tiến thân cho khoa học của anh. Từ 1995 đến 1999 anh là nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Mỹ, từ 1999 đến 2002 được mời làm GS Vật lý tại Đại học Colombia, Đại học Washington. Là thành viên Quỹ Nghiên cứu Alfred P. Sloan và là học giả của Hội Vật lý Mỹ, Đàm Thanh Sơn cũng từng nhận giải thưởng cho Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc của Cơ quan Năng lượng Mỹ. Ông vào làm việc trong nhóm nghiên cứu của GS Lý Chính Đạo và GS Dương Chấn Ninh (đều là người Mỹ gốc Hoa) được giải thưởng Nobel năm 1957, do khám phá hiện tượng không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu.

 Nhưng rồi, Đàm Thanh Sơn cảm thấy cần tìm cho mình một con đường riêng. Vì vậy, ông cùng với hai nhà bác học P. K. Kovtun và A. O. Starinets tạo thành nhóm KSS, đi con đường của riêng mình.

Đầu năm 2005, nhóm KSS công bố một công trình mới về một mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều trên tạp chí vật lý đỉnh cao thế giới Physical Review Letters. Khám phá này ngay lập tức gây tiếng vang trong giới bác học chuyên sâu. Các tạp chí thông tin khoa học có ảnh hưởng rộng như New Scientist (tháng 4/2005), Physics Today (tháng 5-2005) đều có bài viết về công trình này, một phát minh lý thuyết quan trọng, một sự kiện hiếm thấy. Tính từ năm 1994 đến năm 2008, Đàm Thanh Sơn là tác giả và đồng tác giả của 92 bài báo, bản báo cáo, trong đó có tới 14 bài trên Physical Review Letters và nhiều công trình trên các tạp chí uy tín khác của Hội Vật lý Hoa kỳ.

Tri thức đỉnh cao Toán - Lý của Đàm Thanh Sơn được các nhà khoa học kỳ cựu, lừng danh của châu Âu, châu Mỹ đánh giá rất cao. GS Emil Martinec - Giám đốc Viện Enrico Fermi nhận xét: “Đàm Thanh Sơn là một trong số rất ít nhà vật lý lý thuyết đứng đầu thế hệ anh, là tinh hoa hiếm thấy; công trình của anh có tầm ảnh hưởng rộng lớn bậc nhất”. GS Phạm Xuân Yêm, nhà Vật lý lý thuyết nổi tiếng ở Đại học Paris 6 coi thành tựu của GS Đàm Thanh Sơn và hai tiến sĩ cộng sự là điều “kỳ diệu”. “Một thành tựu lớn, mang tính đột phá trong Vật lý học”.

Giới khoa học Vật lý Việt Nam cho rằng thành công của GS Đàm Thanh Sơn và cộng sự là kết quả của sự kết hợp tài tình các phương pháp tính toán phức tạp trong lý thuyết trường lượng tử hiện đại. Thành công của anh chứng tỏ người Việt Nam chẳng những đủ sức thấu hiểu kho tàng tri thức rộng lớn và cao siêu của vật lý học hiện đại, mà còn có thể khám phá những cái mới đột phá, làm giàu thêm cho ngành khoa học ấy.

Với tài năng và danh tiếng của ông, ngày 8-8-2012, Đàm Thanh Sơn được bổ nhiệm làm GS Đại học tổng hợp tại trường Đại học Chicago, một vinh dự cao hơn GS thông thường. GS đại học có thể coi là vị trí học giả cao nhất ở trường Đại học Chicago. Họ được chọn từ các viện nghiên cứu bên ngoài khi đã có tiếng tăm trên toàn thế giới và có khả năng ảnh hưởng rộng rãi. Đàm Thanh Sơn là người thứ 19 giữ chức Giáo sư Đại học trong lịch sử của trường và là thành viên thứ bảy trong số những người còn đang hoạt động tại trường.           

Đại học Chicago là một trung tâm khoa học nổi tiếng thế giới, có truyền thống lâu đời về Vật lý, nơi Enrico Fermi (người Italy, được tặng giải Nobel năm 1938) và Subrahmanian Chandrasekhar (người Ấn Độ, được tặng Giải Nobel năm 1983 ) đã từng làm việc. Tại trường này, GS Ngô Bảo Châu, đã được mời làm GS Toán học từ năm 2010.

Tháng 7-2013, Quỹ Simons (*) vừa vinh danh 13 nhà toán học, vật lý và công nghệ, trong đó có  GS Ngô Bảo Châu và GS Đàm Thanh Sơn của Việt Nam. Quỹ Simons nhận định GS Đàm Thanh Sơn là một trong những nhà vật lý lý thuyết hiếm có. Ông đã có những nghiên cứu quan trọng trong các lĩnh vực như động lực học lượng tử, lý thuyết vật lý hạt nhân, vật lý chất rắn và vật lý nguyên tử. Nghiên cứu của ông đã có tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực con trong ngành vật lý học.

Các nhà khoa học được nhận giải Simons Investigators sẽ được cấp nguồn tài trợ hàng năm lên tới 100.000 USD, kéo dài trong 5 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm tiếp theo, nhằm hỗ trợ các nhà khoa học xuất sắc làm việc hiệu quả nhất, tạo điều kiện để họ tiến hành những nghiên cứu lâu dài về những vấn đề cơ bản. Quỹ còn trao 10.000 USD tài trợ cho tổ chức nghiên cứu nơi các nhà khoa học đang làm việc và công tác.

 

(*)- Quỹ Simons do 2 nhà khoa học Kim và Marilyn Simons thành lập năm 1994, có nhiệm vụ tìm kiếm các nhà khoa học có thành tựu lớn và thúc đẩy họ thực hiện các nghiên cứu mới trong toán học và các ngành khoa học cơ bản.

* Nguồn tư liệu: - Lịch sử văn hóa dòng họ Đàm Thận ở Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh từ thế kỷ XV đến nay. 

- Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh. Bảo tàng Bắc Ninh xuất bản năm 2002.

Hồng Minh
Top