khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 24/01/2014 - 09:12

Làng mom sông

Lúc bé cứ ngỡ ngôi làng mom sông của mình là xứ sở của thơ, của cổ tích, truyền thuyết, ai cũng có thể xuất khẩu thành thơ. Lớn lên mới biết những người làm thơ như thế đâu đâu cũng có, nhiều vô kể. Hay là từ trong lấm láp, bình dị và cả những vô thường, bất định của con sóng, con nước mà họ khát khao làm thơ, vì thế mà thơ cũng có quy luật cung-cầu? Trong tập Tùy bút “Chén rượu gạn đáy vò” vừa xuất bản, nhà văn Đỗ Chu viết, nước ta có cả một tỉnh Cần Thơ cơ mà.

Thực ra làng tôi không có thơ, cả làng chẳng ai biết thế nào là niêm, luật, thì thơ phú cái nỗi gì, đó chỉ là vè. Cũng chả sao, miễn là cho vui vẻ, chẳng đá mèo quèo chó, chẳng kê kích ai, cốt để giãi bày, nhắc nhở, ngăn ngừa thói xấu-thế là đạt được cái chân, cái thiện rồi. Độ thế thì chưa thấy, nhưng cứu nhân thì có, chỉ bằng mấy câu vè mà Cún Trừu đã chặn đứng được cái tính lăng nhăng của thằng Kiền: Vợ Kiền vừa hiền vừa xinh/Sao Kiền còn muốn rập rình vợ Hiên. Cái tội tày giời như thế mà chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, chẳng vũ khí nóng, chẳng gây án mạng (thật là thánh vè). Vè như thế chắc chắn hơn chán vạn những tập thơ mà cha đẻ của nó như thợ đấu, thợ khoán, mỗi ngày phải đào, phải vật bằng được một đống đất thó… rồi cứ ngỡ là ngọc. Ông Bảo Sinh có mấy câu: Làm thơ, nuôi chó, chọi gà/Ba nghề chơi ấy làm ta bơ phờ.

 Bạn tôi thì bảo: Dù có làm gì mà biết quẳng cái danh, cái lợi đi thì mới nhẹ được. Ồ! nó nói thế, nghĩa là thế nào nhỉ, hay là nó ngộ! Thế thì làm gì còn ganh đua, phấn đấu, làm gì còn có người có chí ở trên đời này được! Chắc là nó hơi nhầm giữa tham vọng và cống hiến rồi! Đúng là ếch ngồi đáy giếng, cả đời chẳng ra khỏi mom sông, suốt ngày ngồi dưới gốc gạo ven làng xem sự vơi đầy của sông nước đâm ra lắm lý sự.

Thôi kệ, chẳng nghĩ ngợi nhiều mà làm gì, rồi lý sự lại đi vào vòng luẩn quẩn: Chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em tu hú, tu hú là chú bồ các, bồ các là bác chim ri… Chim ri là dì sáo sậu… Bài đồng dao này dường như có mật mã của cha ông, không chỉ để cho bọn mục đồng hát chơi cho vui mồm, vui miệng! Trên rừng có tới 36 thứ chim mà bài đồng dao chỉ chọn 5 thứ, tương ứng với ngũ hành?!

Bao nhiêu năm tháng phiêu bạt, ngỡ tưởng mình lớn lên, ngẫm lại thành ra “lớn xuống”. Ra đời cái gì cũng ngợp, ngợp đến rã rời, thật thẹn với câu hò lơ dân dã trong đám cưới thuở nào: Hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó hó lơ đây hò lờ! cả rạp tưng bừng hò lại: Hò lờ… Cái âm thanh cộng hưởng ấy là tinh thần cộng đồng trong trẻo, mạnh mẽ và bọc đùm! Làng xưa thật khỏe khoắn, rộng lòng, thanh nhã, chẳng ai hợm hĩnh, lố bịch. Tiễn người ra đi ai cũng có câu: Đi cho chân cứng, đá mềm. Lũ chúng tôi rời làng cũng có câu ấy. Cụ Khổng Tử (Nhiều tài liệu lại cho rằng là Lão Tử) trước khi chết, học trò hỏi về lẽ đời, cụ há miệng rồi hỏi, răng còn hay lưỡi còn, học trò thưa: Dạ! lưỡi còn. Khổng Tử nói: Phàm ở đời cứng mất, mềm còn. Như thế thì các cụ làng tôi đâm ra nông cạn thật! Khổ nỗi, làng tôi không địa linh, cũng chẳng nhân kiệt, bốn mùa dập dềnh bên sông, người xa làng cứ tìm cây gạo mà về, chữ Cụ Khổng xa làng tôi lắm. Một năm có hai đận là hệ trọng nhất, ấy là ngày ba, tháng tám giáp hạt và những lúc chị em vượt cạn, còn lại là những đêm trăng thanh, trai gái hai bên sông trêu chọc nhau bằng những câu hò. Tiếng cười dàn dạt trên sông cùng tiếng gõ mạn thuyền khua cá lanh canh, lanh canh.

Làng tôi đấy, khoan nhặt quanh năm, giêng, hai thì bừng bừng dầy dậy. Trống hội thình thình gọi mời các đô vật, tay chải xóm dưới, làng trên. Cờ ngũ sắc tung bay, chờ chính ngọ tung hoa phát lộc. Trong đình, chủ tế trang nghiêm, hào sảng kể công trạng thần tích dựng làng, lập ấp. Dưới sông, ngai, ỷ linh thiêng rước nước cầu mưa cho nhân khang, vật thịnh. Nam, phụ, lão ấu nghiêm cẩn, hân hoan, rạng ngời nét mặt. Chị hai, anh ba đu chao lệch trời, mắt tựa dao cau, nụ cười lấp lóa.

Trước tết thằng Chều đi Đồng Kỵ rước đôi câu đối, hoành phi về nhà thờ có rẽ qua khoe: Cháu thấy người nhà cụ nghè Tuân có bức đại tự có mấy chữ Thư hương viễn, thấy bảo mấy chữ này hay lắm, cháu làm theo treo cho oách.

Đang trò chuyện thì ai đó gọi điện cho nó, chẳng biết họ nói gì chỉ thấy Chều nói: Cả nhà, ba người chết, vợ bốn mươi, chồng bốn hai, con mười hai, ghi tất, cả bóng, lộn…

Xin lỗi ông, bây giờ mà không có món này thì cả ngày ngáp vặt, đề tý, lô tý cho nó hưng phấn, lại có cái hy vọng, mà cũng được cái tình cảm. Làng trên, xóm dưới ai đột tử, tai nạn, chết đuối, bao nhiêu tuổi… là biết ngay. Hôm con chó cái nhà Năm  mất họ cũng đua nhau đánh con 21 nhưng móm cả. Con chó này cách đây 21 năm bị nước cuốn ở đâu về, Năm đi soi ếch nó theo về tận nhà và ở luôn từ đận ấy đến hôm nó bị bọn nghiện tóm đi. Nhà Năm Hào nghèo nhất xóm, vì thế thằng chồng bảo, kiếp sau nó sẽ lấy đứa nào tên là Tỷ hay Triệu gì đó cho đỡ khổ, chứ cả đời quay quắt mãi cũng chỉ có năm hào thì nhục lắm. Đúng là chó không chê chủ nghèo, duyên nợ gì đó mà nó lại chọn nhà Năm Hào. Hình như nó cũng biết phận, nó đẻ đều như vắt chanh. Nhà chẳng có gì ăn, nó đi quanh xóm, nhà nào có cỗ là vào, ăn căng tròn bụng rồi về nhà mửa ra cho đàn con ăn. Bây giờ nó bỏ lại đàn con còn chưa mở mắt, vợ chồng Năm Hào thương chó mẹ và đàn chó con, suốt ngày sụt sùi. Ai hỏi làm sao mắt mũi đỏ đòng đọc thế, chẳng dám nói là thương chó, đến người bị nạn họ còn tranh nhau hôi của nữa là.

Nghe Chều nói chuyện làng, tôi lại ngậm ngùi thương nhớ ước nguyện không thành của ông cụ Lãm. Năm ấy cũng vào dịp này, ông sang nhà tôi chơi, đọc cho tôi nghe câu thơ của Đồng Đức Bốn: Bao nhiêu là thứ bùa mê/Cũng không bằng được nhà quê của mình. Rồi ông hào hứng kể về dự định của mình: Tết này tôi sẽ theo câu thơ của Đồng Đức Bốn về quê, sẽ về triền sông xưa và hét thật to như những ngày thơ bé, giang rộng đôi tay để gió sông, gió đồng thốc mạnh vào tấm thân trơ lỳ này, cho bong tróc những ám muội, hoen gỉ, lấm láp. Tôi sẽ tha thẩn bên vạt cải vàng ngoài bãi mà hít hà lộc cỏ, nhụy hoa. Cải làng mình không bao giờ về trời, người làng chỉ tỉa những lá cải đồng trinh muối dưa ăn tết, rồi để cải trổ hoa. Như thế con gái thủy thần còn có nơi để mà dạo chơi ông nhỉ!

Thạch Thảo
Top