khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 24/01/2014 - 09:42

Chợ làng và người làng đi chợ

Làng tôi ruộng ít người đông. Những buổi nông nhàn cả làng chạy chợ. Thuở tóc để trái đào, tôi được bà, được mẹ, được chị cho đi chợ trông gánh, rồi thế nào cũng được ăn quà. Mùa hè bún riêu. Mùa đông bánh dầy, cháo thịt.

Nếu lấy chợ làng tôi làm tâm điểm, mở một khẩu độ com pa mười lăm, hai mươi cây số (khoảng 5 giờ đi bộ) thì có rất nhiều chợ và làng nghề thủ công nằm vào vòng tròn ấy. Xa là chợ Nội Doi, chợ Đáp Cầu, chợ Thổ Hà, Phù Lãng, chợ Giầu (Phù Lưu), chợ Nhớn, chợ Chờ… Trung bình là chợ Và, chợ Chì, chợ Nôm, chợ Cẩm Giàng, chợ Ghênh, chợ Bần Yên Nhân, chợ Keo, chợ Sủi… Gần là chợ Thứa, chợ Ngụ, chợ Vạn Ty, Vạn Tải (còn gọi là chợ Tẩy), chợ Dâu. Gần nữa là chợ Núi (Đông Cứu - Thiên Thai), chợ Chẹm, chợ Bưởi Nồi, Bưởi Cuốc, chợ Hồ, chợ Giữa (Đại Mão) và chợ Lãng Ngâm (chợ Lãng Ngâm ngày nay không họp nữa)…

Nhất cận thị, nhị cận giang. Được mùa buôn vải buôn vóc. Mất mùa buôn thóc buôn gạo. Đặc sản vùng miền nào thoát được ra chợ? Mùa hè cá sông. Mùa đông cá ao. Chim ngói mùa thu. Chim cu mùa hè. Trăm người bán vạn người mua. Làng Bưởi Cuốc làm nông cụ cày bừa cuốc thuổng. Làng Bưởi Nồi làm mâm, nồi, đỉnh thờ, bát hương đồng vàng chóe. Làng Bát Tràng làm lộc bình, chậu hoa, bát đĩa. Làng Vó đúc khóa đuôi chuột, khóa quả chuông, sau này còn đúc cả vành bánh xe đạp, xe bò bằng xác máy bay Mỹ. Làng Đạo Sử (Thứa) vặn thừng, chão tre, đan võng đay. Làng Tỏi, sát bến Ngăm, cách làng tôi chỉ vài cây số, đan dó, đan bị (túi xách tay), dệt chiếu gon, chiếu dạm, chiếu buồm. Loại cói xấu, già, hơi đen người ta đập cho dập bẹp rồi đan các sợi chéo nhau để cho trẻ em nằm đạp không bị xô rách. Gọi là chiếu buồm vì đan khổ lớn để làm cánh buồm chạy đò dọc. Làng Phù Đổng có nghề rèn, vẫn sang chợ làng tôi. Các ông phó rào gánh hai ống bễ to như cột nhà để thổi than hồng, đe, búa, than, kẹp lỉnh kỉnh. Làng Đình Bảng sơn mài mĩ nghệ. Làng Đồng Tỉnh vào chợ nhuộm các màu rực rỡ cho tơ lụa như bao, yếm, áo dài và màu đen thứ mặc của phụ nữ. Thợ nhuộm vãn chợ còn vào trọ làng tôi để ngày dưng đi nhuộm rong. Gần Như Quỳnh có làng Nghĩa Trai sao tẩm các loại thuốc nam thuốc bắc, làm long nhãn và hạt sen. Chợ Bần trên giời dưới tương ngọt ngon nức tiếng. Nem Báng (Đình Bảng) và tương Bần như hai vế trắc bằng của đôi câu đối. Mí đồ đồ thịt chó chấm tương, trẻ con hay hát câu đồng dao ấy. Thổ Hà, Phù Lãng làm tiểu sành, chum vò, vại chĩnh và cả nồi niêu đất. Niêu đất bây giờ quý hiếm, chỉ dành cho các đại gia và Việt kiều vào ôn nghèo nhớ khổ, thưởng thức cơm niêu cá bống ở khách sạn 5 sao. Làng Ngăm (liền lũy tre làng tôi) đan nón, dệt sồi, dệt đũi. Làng Đại Mão (cùng tổng) dệt vải khổ hẹp và dệt màn. Đồng nát thì về Cầu Nôm. Làng Nôm mua gom đồng nát về tái chế. Làng Hồ làm tranh, làm vàng mã. Làng Ngụ lọc bột cát căn để làm bánh cao cấp. Làng Đìa làm bỏng đàng, bỏng bộp, kẹo lạc, kẹo vừng. Làng Gủ uốn tre trúc làm ống xì đồng bắn chim bắn cá, làm quạt giấy, quạt thóc, sơn thúng và mâm cật nứa đan vẽ vân tản quang dầu bóng lọng, đóng trường kỷ hun khói đẹp như một tác phẩm mỹ nghệ. Ngày nay còn làm mành trúc, in tranh Đông Hồ tứ bình, tứ quý. Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình/ Chị cũng xinh mà em cũng xinh. Làng Gủ cũng như làng Lam Cầu còn làm tráp chữ nhật, sơn then của các cụ ông và quả sơn cơi trầu sơn son thiếp vàng của các bà các chị.

Cả vùng Kinh Bắc xưa, chỉ có chợ Giầu (Phù Lưu) bán trâu. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/Trong ba việc ấy thực là khó thay. Tậu trâu khó số một. Phiền hà lắm. Nhà ai cần, phải nhờ lão nông tri điền dạn dày kinh nghiệm. Mua trâu phải bới lông tìm vết, xem kỹ có quý tướng không. Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, tai lá mít… Đùi trường, ức rộng, háng to/Cổ cò, mũi nhỏ (nếu mũi to thì trâu yếu, hay thở dốc), đuôi thò nụ thông (nếu đuôi dài, cày đồng chiêm chỉ tổ vẩy bùn vào mặt tá điền). Dưới trên bốn khoáy mượt lông/Tiền cao hậu thấp, vai vồng vừa khỏe vừa nhanh. Mua được trâu vừa ý, mềm giá, chủ và thợ vào quán cầy tơ bảy món rồi hể hả rong ruổi ra về, thỉnh thoảng phải dừng lại mỏi mồm trả lời cho khách đi đường hiếu kỳ bình phẩm.

Làng tôi tuy không có nghề thủ công nào nổi tiếng, ngoài các bà bán quà vặt, nhưng lại có chợ to nhất bờ nam sông Đuống. Hàng chục cái cầu (quán), cột đá to đùng, các vì kèo và xà lim xẻ hộp vuông lợp ngói vững chãi, bốn mặt để trống cho thoáng, phân lô định dẫy hàng dọc hàng ngang, tùy sản phẩm mà bày bán. Tại sao chợ to? Vì các làng có nhiều đặc sản đều châu tuần quanh vùng không xa lắm. Dân lại đông, xóm làng trù mật, sức mua cũng dồi dào đồng tiền bát gạo. Còn một lý do nữa, tế nhị lắm. Ấy là làng tôi xa huyện lỵ. Nhà Đoan (bắt rượu lậu) và lính lệ ngại về quấy nhiễu, ăn quà quịt và ghẹo gái! Cậu cai buông áo em ra/Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa…

Chợ Chằm một tháng sáu phiên/Muốn đi chơi chợ mà tiên có khồng. Ấy là nói vui. Chợ họp ngày 4, ngày 9, 14, 18, 24, 28. Có phiên mồng chín nhưng lại không có phiên 19, 29. Tại sao thế? Bà tôi bảo đấy là phiên mồng 4 để sắm tết Đoan Ngọ, ngày mai mồng 5 tháng 5. Phiên mồng chín để ngày mai tết mồng mười tháng mười. Phiên 14 để ngày mai tết Vu Lan, báo hiếu ông bà cha mẹ hoặc rằm tháng tám tết Trung Thu cho con trẻ đi mua tiến sĩ, phỗng, kỳ lân, sư tử, đèn ông sao, đèn kéo quân Voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh, từ làng tranh Đông Hồ mang xuống. Có năm tháng chạp thiếu, sắm tết phiên 28 là vừa.

 Phi thương bất hoạt. Người xưa bảo thế. Khi đời sống cộng đồng dân cư được cải thiện thì chợ làng được mở ra. Mỗi chợ một đặc sản. Người nhà quê đi chợ không đồng đều mua sắm. Có khi chỉ là phở ngó. Ngắm, nhìn, xem là chính. Bao nhiêu cái khôn ngoan tài đảm, tháo vát có chỗ để thể hiện mình. Trai khôn kén vợ chợ đông là thế. Dẫu rằng có lúc tán hươu tán vượn, buôn dưa lê: Đi chợ thì hay ăn quà/Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm. Chị em lại đấm vào lưng nhau mà cười ngất. Cho dù con người có lên đến Sao Hỏa, hay Mặt Trăng, siêu thị mọc lên hiện đại thì cái tiện lợi của chợ làng và người làng đi chợ có lẽ còn sức hấp dẫn dài lâu cùng lịch sử và văn hóa.

      Mão Điền, xuân Giáp Ngọ – 2014

Nguyễn Văn Chương
Top