khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 24/01/2014 - 09:47

Xôn xao chuyện làng

Chuyện đời thật trớ trêu, làng tôi một cái làng nhỏ bé, hẻo lánh của một vùng quê xa trung tâm tỉnh mà lắm chuyện đến thế. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trời mà dân làng xôn xao, bàn tán bao sự kiện xảy ra, đến cả tôi cũng phải giật mình nghe những lời bàn tán như vậy.

Chuyện thứ nhất xảy ra vào đầu tháng, nhà anh Tinh đấu thầu được mấy sào ruộng trũng ở cánh đồng Rộc, anh đào ao để nuôi cá. Cánh thợ làm thuê đào được cái chum rất đẹp, anh Tinh bảo chắc hài cốt nhà ai chôn ở đây nên định tìm chỗ để an định cho người đã khuất. Cánh thợ thì bảo cứ mở ra xem sao, nếu đúng là hài cốt thì sẽ làm như anh Tinh nói. Nhưng khi mở ra thì không phải hài cốt mà đó là một chum tiền cổ, đủ các loại tiền kim loại đã bị hoen rỉ. Dân làng tôi đổ ra xem nhưng chẳng ai biết là tiền từ thời nào mà chỉ tập trung bàn tán là của nhà ai? Sao lại mang ra cánh đồng xa làng mà chôn?

Ông cụ Chỉ người cao tuổi nhất làng thì bảo tiền đấy là của nhà lão địa chủ Hoan, nhà lão nhiều ruộng, giầu nứt đố, đổ vách, lão vừa tham vừa keo kiệt, đối xử nhẫn tâm với những người làm thuê. Bao đời từ ông cha lão vơ vét của dân làng, cách mạng thành công, gia đình lão bỏ làng đi biệt, nay chẳng biết ở đâu.

Bà cụ Tý thì bảo chum tiền ấy là của nhà lão Trúc, một người chuyên đi kiện cáo lên quan trên. Hắn đã ăn cắp pho tượng quý bằng đồng đen của chùa làng mang bán lấy tiền hầu kiện. Có người phát hiện ra hắn sợ bị khám nhà nên mang tiền chôn đi. Rồi hắn chết đột tử nên không ai biết số tiền ấy đi đâu.

Người thì bảo tiền ấy là của cánh nhà Liễng, ngày xưa anh em nhà hắn cấu kết bè đảng với lũ cướp. Hắn dẫn cả bọn cướp về làng. Nghe đâu thằng đầu đảng bị làng bên đâm chết, hắn lên thay, hắn biển thủ tiền cướp được của cả lũ mang chôn đi để hưởng một mình. Do không sòng phẳng nên hắn bị bọn cướp đánh chết.

Ông An cán bộ về hưu thì bảo tiền đấy là của nhà ông Hòa, thời Pháp anh ông ta làm quan trên tỉnh, lắm tiền, nhiều của mang về gửi ông em. Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, ông em sợ liên lụy phải mang chôn đi. Cứ như vậy mỗi người một ý chẳng ai chịu ai.

Ông cán bộ thôn thì bảo, thôi các ông bà bàn làm gì nhiều cho mệt người, coi đây là những đồng tiền vô nghĩa của kẻ bất nghĩa. Nếu trước đây có số tiền này thì làng mình làm được bao đường gạch, bao nhiêu người khỏi chết đói, rồi làm được đình, xây được chùa khang trang, bây giờ những đồng tiền này chỉ là những thứ rác rưởi phải bỏ đi, không cẩn thận còn gây ô nhiễm, gây bệnh.

Chuyện chum tiền chưa nguôi thì lại một chuyện khác xảy ra để mọi người bàn tán. Ông  Hóa phải bán căn nhà trên phố để trả nợ đậy cho thằng con trai. Có người bảo thằng con trai ông dính vào hụi, họ, cho vay nặng lãi rồi bị nó bùng mất, có người lại cho rằng thằng con ông chơi đề đóm, chứng khoán bị vỡ nợ. Đám thanh niên thì bảo nó cờ bạc và cá độ bóng đá… Chẳng ai biết cụ thể thế nào, chỉ biết bọn đầu xanh, đầu đỏ đi xe máy rầm rầm đến làng vào nhà ông Hóa bất kể trưa hay tối, chúng dọa nạt, khua dao, mã tấu đến sợ. Bán căn nhà được vài tỷ mà vẫn chưa đủ để trả nợ nhưng từ hôm ấy cũng không thấy bọn chúng đến nữa, mà thằng con ông Hóa cũng biệt tăm chẳng biết ông gửi nó ở đâu. Ông làm cán bộ nên cũng kín tiếng lắm.

Chuyện cũ chưa qua, chuyện mới lại đến. Thằng Nông giỗ bố mà đến mấy chục xe ô tô lũ lượt về dự. Từ trước đến nay có thấy nó tổ chức giỗ bố to như thế này đâu. Nông đã ngoài 30 tuổi rồi nhưng người làng vẫn gọi là thằng lâu ngày cũng thành quen. Người thì bảo nó ăn nên làm ra nên bạn bè về mừng là phải. Thằng Nông vốn ít học, gia đình vất vả, nó theo cánh thợ đi làm thuê, làm thợ xây dựng, rồi nó là thợ đầu cánh vì khéo tay dần dần nó làm ông chủ, trúng vài gói thầu lớn trở nên giàu có, bây giờ lập công ty buôn bán cả bất động sản, nghe đâu nhiều cán bộ cũng phải nhờ vả nó. Nó bây giờ đi đâu, làm gì cũng lọt. Ông giáo Thuấn bảo có rất nhiều xe biển xanh. Mấy ông cán bộ hưu thì nói mình có việc lên gặp các ông ấy khó lắm, nay lại thấy về nhà thằng Nông đủ cả, sao mình không biết mà nhờ nó nhỉ. Ông giáo thì nói: mối quan hệ bây giờ tế nhị lắm, từ nay việc riêng, việc chung của các gia đình và của làng cứ nhờ anh Nông là xong hết.

Tôi đến thăm thày giáo dạy tôi từ thuở vỡ lòng, ông tâm sự: đất nước, quê hương đang từng ngày đổi mới, đời sống mỗi gia đình được nâng lên, song cũng còn nhiều chuyện dân băn khoăn. Nghe đâu bây giờ lại có cả “lợi ích nhóm”, không cẩn thận “lợi ích nhóm” mà xâm nhập vào làng xóm thì gay lắm.

Bao năm xa quê, ngày Tết về đi thăm bà con làng xóm tôi chỉ mong làng mình có nhiều chuyện vui, vui như ngày Tết.

Truyện ngắn của: Trường Sinh
Top