khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 24/01/2014 - 10:21

Về quê ăn Tết

Từ bến xe phố huyện, tôi đi bộ dọc bờ sông Đuống về làng. Ngày cuối chạp, người đi chợ tết tấp nập, gánh gồng nhẹ tênh, bưởi vàng cam đỏ, lá dong xanh, gạo nếp trắng ngần.

Trời se lạnh, trong suốt, lòng tôi náo nức. Năm ngoái còn là đứa trẻ trong làng, năm nay tôi đã là giáo sinh năm thứ nhất Trường Trung cấp Sư phạm, đi học xa nhà, về quê ăn tết. Ngày ấy năm 1958, trong kế hoạch 5 năm xây dựng miền Bắc, người ta mở các trường chuyên nghiệp, học sinh tốt nghiệp lớp 7 đã có thể thi vào.

Làng xưa muôn đời, lớn lên chỉ có nghề cày ruộng. Lần đầu tiên một thế hệ trẻ được đi học xa, ở ký túc xá, có học bổng, sau hai năm ra làm “cán bộ”. Lũ trẻ con quen chăn trâu cắt cỏ, lúc ấy biết gì về các ngành nghề mà chọn. Chỉ biết sư phạm là sau dạy học. Thế là cả lớp xin thi sư phạm. Có đứa nói sư phạm nhiều quá, sẽ thừa, thi khó đỗ. Cả lớp hoang mang, ghi bừa các ngành nghề khác, mà chẳng biết sau ra làm gì.

Riêng tôi, vẫn giữ nguyên nguyện vọng Sư phạm. Và thế là hôm nay, tôi, quần kaki, áo “sơ mi - véc” đồng màu, ngực đeo huy hiệu “Trung cấp Sư phạm Bắc Ninh” hãnh diện về làng, vừa đi vừa tưởng tượng giây phút gặp bố mẹ và các em...

Về đến đầu thôn, thú vị nhất là gặp luôn một bọn ở các trường khác cũng vừa về đến nơi. Reo hò, gọi tên nhau ríu rít chuyện trò. Bốn đứa, mỗi đứa một trường, bắt đầu giới thiệu ngành học của mình. Một con bé “chơi trèo” thi vào ngành phiên dịch Bộ Công nghiệp, nhận giấy nhập học muộn hơn so với các trường “dễ tính” khác, bị bố đánh cho một trận khóc chạy ngoài ngõ, giờ cười tươi:

- Nga văn thích lắm. Sau này tớ sẽ làm việc với các chuyên gia Liên Xô.

Tôi trông nó phổng phao, trắng trẻo. Ồ, lạ thật, mới biết một ít tiếng Nga, mà đã xinh đẹp khác hẳn.

- Trông các cậu cũng đều bảnh bao, cứ gì mình tớ - Nó nói - Cùng đến tuổi “dậy thì” mà, nhanh lắm.

- Tớ học ngành “vận tải ô tô”. Đường làng mình bé quá, sau này ô tô không về được - Một thằng khác nói. Còn thằng thứ ba thì bảo:

- Tớ học kỹ thuật điện. Không có điện thì không có công nghiệp phát triển.

Chỉ riêng Sư phạm của tôi thì ai cũng biết là dạy học, nên chẳng kể làm gì…

Khỏi phải nói tết năm nay, bố mẹ tôi vui như thế nào. Hàng xóm sang chơi, bố trịnh trọng giới thiệu:

- Cháu học Ban Khoa học Tự nhiên, bác ạ.

- Tức là môn gì?

- Toán, Lý, Hóa.

- À ra thế. Khoa học tự nhiên khác với môn khoa học xã hội là Văn, Sử, Địa.

Mẹ sai tôi đi đun nước. Bố ngăn lại, bắt thằng Cu Ty đun thay, không để “giáo sinh khoa học tự nhiên” vào bếp được. Nhưng tôi cứ đi đun. Đang đẩy rơm khói mù, thì thằng bạn cùng bàn xưa, giờ học Trung cấp Tài chính, vốn bông phèng hay đùa, chắp tay vái từ ngoài cửa bếp:

- Lạy thầy giáo ạ...

Cả hai cùng cười giòn.

- Bố tớ bảo ở làng Thượng bên sông - Nó nói - Vẫn gọi thầy giáo là “quan giáo”. Họ coi trọng ghê lắm...

“Quan giáo tương lai” tuy vậy trong túi chả có một đồng - Mẹ cho con hai hào để đi cắt tóc. Hình như tóc con hơi dài - Tôi bảo.

Mẹ sung sướng cởi bao sồi cho hẳn một đồng - Cầm lấy đi con, con giai mẹ lớn lắm rồi, trông khác hẳn... Thế học bổng con được mỗi tháng bao nhiêu?

- Được 22 đồng, đóng tiền ăn hết 18 đồng.

- Tháng sau bán lợn, mẹ may cho con chiếc quần kaki mới nhé.

- Thôi mẹ ạ. Đã may thì phải may cho cả thằng Cu Ty, không nó tỵ...

- Thằng Ty ở nhà chăn trâu cắt cỏ đi đâu mà cần quần đẹp. Con giai mẹ sắp làm thầy giáo rồi cơ mà.

Nhớ những đêm ba mươi xưa, bên nồi bánh chưng lửa bập bùng, mẹ thường ngồi đính khuy áo tết cho tôi, vớt ra chiếc bánh chưng nhỏ xíu mà mẹ gói riêng, cho thằng con trai háu ăn, ăn trước ...

Thế mà năm nay tôi đã là giáo sinh sư phạm...

Sáng mồng một tết, bố mẹ dậy làm cỗ từ rất sớm. Mọi năm tôi thường phải dậy theo để giữ chân giữ cánh cho bố cắt tiết gà. Nhưng năm nay thằng Cu Ty “kính trọng anh”, bảo từ tối qua:

- Anh cứ ngủ, để em làm cho.

Bữa cỗ đầu năm, đĩa thịt gà có miếng đầu gà chẻ đôi, phần mỏ trên và phần mỏ dưới. Cỗ đình làng xưa, đầu gà phải chia nhỏ cho các cụ Thượng. Được ăn đầu gà là sang trọng lắm. Mọi năm, bố tôi ăn phần mỏ trên, mẹ ăn phần mỏ dưới (mẹ bảo ngon chả thấy đâu, cho trẻ con ăn hóc vì lắm xương). Nhưng năm nay mẹ trịnh trọng dành phần mỏ dưới đầu gà cho tôi. Thằng Cu Ty nhìn, mắt ánh lên chòng chọc, cảm nhận được sự “lên cấp vượt bậc” của tôi...

Chiều mùng một, ba mẹ con sang bà ngoại ở làng bên. Bà “chưa theo kịp tình hình”, vẫn gọi tôi là Cu Ty lớn. Nhưng còn cậu, mọi năm gọi tôi là mày, thì năm nay gọi bằng Anh hẳn hoi. Cậu là giáo viên cấp 1, nói chuyện toàn về chủ đề giáo dục...

Hết ba ngày tết, tôi và thằng bạn thân nhất díu vào nhau nói chuyện văn chương. Ngày lớp 7, tôi và nó thay phiên nhau giữ “ngôi” nhất nhì môn Văn, và chức Tổng biên tập báo tường. Nó  học ngành Bảo tàng. Thằng lạ lắm, bé tí đã rất hoài cổ, thích mái đình, tượng phật, đến nhà ai thấy có tiền đồng cổ là xin, làm bộ sưu tập. Nó làm thơ lục bát hay lắm. Tôi thì khác, tôi cũng biết làm thơ, nhưng kiểu thơ mới “hiện đại”.

Thằng bạn năm nay có sự kiện động trời. Nó có thơ đăng báo tỉnh số tết. Bài lục bát mượt mà say đắm, miêu tả cảnh tết làng quê.

Tôi cầm tờ báo, bài thơ như tỏa ánh hào quang. Niềm cảm phục trong tôi dâng lên, xen lẫn ghen tỵ. Niềm hứng khởi viết thơ đăng báo tết hằng năm của tôi sau này chính là bắt đầu từ cảm giác lạ kỳ trước hào quang của bài thơ tả cảnh tết làng quê ngày ấy...

Tản văn của Nguyễn Phan Hách
Top