khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 24/01/2014 - 10:33

Cúc hoa còn hẹn Tết xuân

Lâu lắm rồi tôi mới được gặp lại Cúc vạn thọ. Mừng như thấy mặt “cố nhân”. Dịp Tết Trùng dương năm Quý Tỵ (2013), tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), khóm Cúc vạn thọ chênh vênh bên sườn núi đá tượng hình đầu Rồng trên dải sơn lâm Yên Tử đã nở “nụ cười vàng” chào đón hàng vạn Phật tử đến dự Lễ hội hoa Cúc đầu tiên được khôi phục sau gần 800 năm do nhà sư Thích Trúc Thái Minh - một người Kinh Bắc khởi xướng. Hơn 80 loài Cúc long lanh rực rỡ các sắc màu từ các miền đất nước đã trải khắp các khuôn viên chùa khiến ai cũng thích chụp hình. Riêng mình cứ rưng rưng xao xuyến với khóm Cúc vạn thọ. Nhớ lại, những năm 70, 80 của thế kỷ XX, Cúc vạn thọ dạt dào ngõ nọ xóm kia, các búp hoa miên man tung tỏa hết mình, vươn sắc từ những ngày cuối năm đến cuối giêng hai, ngời óng lên thứ vàng mười của trời đất.

 Hồi ấy, Tết Nguyên Đán năm nào cũng vậy, như một luật lệ bất thành văn, các gia đình đều bày bình hoa Cúc vạn thọ - biểu tượng cho sự bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền lên bàn thờ gia tiên ngầm cầu mong phú quý, sống vui sống khỏe. Còn nhà sang hơn thì kén những bông Cúc đại đóa lộng lẫy khoe những cánh cong yểu điệu, duyên dáng...

Người Kinh Bắc cũng như các dân tộc Á Đông xưa yêu hoa Cúc bởi nó có những đặc tính phi phàm: “Diệp bất ly thân, hoa bất lạc địa”. Lá dẫu héo vẫn bám chặt vào cành không chịu chia lìa, hoa dẫu tàn héo mà vẫn không chịu rơi xuống đất như các loài hoa khác. Thời tiết càng khắc nghiệt lạnh giá thì hoa Cúc càng phô bày vẻ đẹp đằm thắm thủy chung như an ủi, khích lệ nhân thế: đừng bao giờ tuyệt vọng,  hãy vui vẻ, kiên cường ngay cả trong nghịch cảnh khốn khó nhất. Loài hoa được lựa chọn làm biểu tượng cho ngọn lửa, ánh sáng mặt trời, khí dương vũ trụ này đã được  sử dụng nhiều trong đề án trang trí, điêu khắc thời Lý - Trần và các thế kỷ sau. Hoa Cúc được cách điệu muôn hình muôn vẻ với các kiểu thức: Cúc hoa, Cúc dây, Cúc leo... rất sinh động trên phù điêu đá, trên gạch ngói và các bộ phận kiến trúc cùng hoành phi, câu đối. Bát ,đĩa, bình gốm sứ cũng điểm xuyết nét vẽ hoa Cúc như một dấu ấn quyền quý.

Vẻ đẹp hoa Cúc gợi nhã hứng cho các nhà thơ cổ điển. Họ lấy đó làm đề tài  ngâm vịnh để gửi gắm cái tình, cái chí của mình đối với Đời và Đạo.

Huyền Quang, Thái Thuận, hai nhà thơ Kinh Bắc “vang bóng nhiều thời” trong những áng thơ về hoa Cúc.

Cũng vì say mê hoa Cúc qua thơ người đồng hương, đồng đạo là Thiền sư Huyền Quang (Lý Đạo Tái) - vị sư tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một môn phái Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa tâm linh của người Việt thời Trần mà ở thập niên đầu thế kỷ XXI này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh quyết tâm xây dựng chùa Ba Vàng thành đại danh lam và “thiên đường của hoa Cúc”. Từ lan can, riềm mái, cánh cửa, bậc thềm... nhà sư đều cho gỗ đá  “bừng nở” hoa Cúc. Ông cho biết: toàn bộ không gian xung quanh chùa sẽ trồng các loại Cúc. Từ năm Quý Tỵ 2013 trở đi, hàng năm chùa Ba Vàng mở Lễ hội hoa Cúc nhằm duy trì nét văn hóa dân tộc đồng thời coi đó là sự tri ân Thiền sư - Thi sĩ Huyền Quang.

Kể ra, Thiền sư - Thi sĩ Huyền Quang rất xứng đáng với sự hâm mộ mà người đời dành cho ngài.

Chỉ với 6 bài đề vịnh hoa cúc, Huyền Quang đã ghi một dấu son bất hủ: lần đầu tiên trong văn học trung đại xuất hiện một chùm thơ tiêu biểu cho thể loại đề vịnh. Ông đã mở ra dòng thơ ngôn chí bày tỏ triết lý, thẩm mỹ mang sắc thái Phật - Lão - Nho.

 Ông tâm đắc hoa Cúc đến mức đã không ngần ngại bộc bạch  rằng: “Thi biều thực vị cúc hoa mang.” (Bầu thơ thực vì bông cúc mà trở nên bận rộn).

 Cúc trong thơ Huyền Quang thể hiện cốt cách cao quý, khí phách bất khuất của  bậc thiện trí thức:

Xuân lai hoàng bạch các phương phi 

Ái diễm lân hương diệc tự thì 

Biến giới phồn hoa toàn truỵ địa

Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly

(Xuân đến muôn hoa nở trắng vàng

Được người yêu sắc lại say hương

Đến khi tất thảy đều rụng hết

Giậu Đông riêng Cúc vẫn huy hoàng)

   Với Huyền Quang, hoa Cúc là sứ giả của tạo hóa huyền nhiệm đánh thức trong lòng người ẩn dật  khái niệm về thời gian, về sự vận động của vạn hữu thiên nhiên:

 Vong thân, vong thế dĩ đô vong

Tọa cửa tiên nhiên nhất tháp lương

Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật

Cúc hoa khai xứ nhất trùng dương

(Quên thân quên thế thảy đều quên

Thiền tọa giờ lâu lạnh thấm giường

Trong núi năm tàn không có lịch

Thấy hoa Cúc nở tiết trùng dương)

Hoa Cúc và tâm hồn Thiền sư - thi nhân đã hòa hợp thăng hoa thành một thực thể trinh trong, sáng láng của trạng thái “đốn ngộ”:

Hoa tại trung đình nhân tại lâu

Phần hương độc toạ tự vong ưu

Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh

Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu

 (Người ở trên lầu, hoa dưới sân

Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông

Hồn nhiên người với hoa vô biệt

Một đóa hoa vàng chợt nở tung)

Hoa Cúc của Huyền Quang đã trở thành Hoa Đạo. Còn hoa Cúc trong “Lữ Đường Thi tập” của Tiến sĩ Thái Thuận - Phó nguyên súy Tao Đàn “Nhị thập bát tú” thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) chính là “hóa thân” của tác giả. Theo nhận định của nhà nghiên cứu văn học Quách Tấn: “Thơ Thái Thuận buồn mà tươi đẹp, tươi đẹp nhưng thật buồn, thật buồn song không chán nản”.

Tâm thế ấy đã được minh chứng trong 2 bài “Cúc hoa”,  “Thu dạ tức sự”,:

Lãnh liệt thu thâm độc nại sương

Nhiễu tùng khai biến bạn ly quang

(Lạnh ngắt sương thu đứng một mình

Bên rào nở thắm ánh thiều minh)

Quan Nghè Thái Thuận thành thực giãi bày tâm tư khi ngắm cảnh nhưng từ trong sâu thẳm, giữa ông và hoa Cúc có cơ duyên đồng điệu, chan hòa:

... “Lạc lạc hoàng hoa phiếm tửu bôi”

(thấy hoa cúc vàng nở vui, hãy cùng nâng chén cạn ly)

 ...Chúng diễm ưng tàm khuy vãn tiết

Nhất sanh ná khẳn phụ trùng dương

Nhàn trung nga khởi Đào Bành Trạch

Tọa đới du nhiên thú vị trường

(Tiết muộn hoa tươi cười nhạo báng

Trùng dương cảnh đợi sống chung tình

Thảnh thơi chợt nhớ ông Bành Trạch

Nhàn nhã ung dung đối bóng mình)

Ngắm hoa âu cũng là soi rọi lại mình sao cho gìn giữ được cốt cách thanh bạch, thư thái như nhà nho Đào Tiềm. Hoa Cúc đối với Thái Thuận là một hình ảnh đáng ái trọng đề cao phẩm hạnh làm Người trong cuộc sống nhiều hệ lụy.

  Giữa thế giới Cúc hơn vạn loài, mỗi loài mỗi vẻ, chúng ta sẽ chọn sắc màu nào: vàng (hoàng), trắng (bạch), tím (tử) và hồng hay những thứ tạp sắc đan xen nhiều màu trên một bông hoa?

Ngày Tết trong nhà có những đóa Cúc “ngự” bình gốm sứ cổ , hẳn mọi người  cảm giác không khí thơm tươi và rạng rỡ ánh Xuân hơn...    

Trương Thị Kim Dung
Top