khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ bẩy, 25/01/2014 - 13:51

Nặng lòng với quê hương

Đến đầu làng Mỹ Xuyên, xã Mỹ Hương (Lương Tài), ai cũng phải ngoái nhìn khu nhà xưởng với những bao tải trấu vàng xếp ngay ngắn thành khối như những ngôi nhà cao tầng… Để rồi từ đây, phế phẩm nông nghiệp mà nhiều nông dân mất không ít công sức đốt bỏ lại trở thành hàng tấn than củi được Giám đốc trẻ Nguyễn Hữu Dũng đưa về làm giàu cho vùng đất trũng.

Thành phẩm củi trấu được ép từ trấu và mùn cưa.

 

Vừa thoăn thoắt dồn trấu vào bao, anh Dũng hào hứng kể cho chúng tôi về ý tưởng đầu tư vào máy ép củi trấu. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, anh ở Hà Nội làm vài năm để tích lũy kinh nghiệm. Nung nấu ý chí làm giàu, anh đã quyết định nghỉ việc và xin gia đình cho vào miền Nam để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Chịu khó mày mò tìm hiểu, anh nhận thấy một số địa phương ở miền Đông Nam bộ đã sử dụng máy ép trấu, mùn cưa thành củi trấu (xuất phát và du nhập từ củi ép mùn cưa của Nhật Bản) có thể thay thế cho than đá, dầu DO, FO, than củi… phục vụ sản xuất công nghiệp như đốt lò hơi công nghiệp, lò sấy, lò nhuộm vải, chế biến nông sản, thực phẩm rất hiệu quả và phù hợp với quê mình.

Bên cạnh đó, có một thực trạng là sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhiều khu dân cư, đô thị lại hứng chịu cảnh khói bụi bay mù mịt từ những cánh đồng do người dân đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và lãng phí nguồn năng lượng lớn. Do đó, khi trở về anh quyết định thành lập xưởng sản xuất củi trấu.

Mặc dù khá bất ngờ song vì đã quá hiểu tính cách và tin tưởng vào quyết định của cậu con trai lớn, bố mẹ anh đã đem vốn liếng dành dụm cả đời giúp anh mở xưởng. Đồng thời bố anh còn đứng ra làm quản lý trong khi anh liên tục di chuyển để giao dịch với khách hàng từ Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội. Tháng 8 năm 2012, sau một năm hoạt động, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Gia Nguyễn do anh Dũng làm Giám đốc được thành lập.

Trải qua những khó khăn ban đầu khi tiếp cận thị trường, than củi của công ty đã bắt đầu được ưa chuộng vì dễ bén lửa, mùi tỏa ra dễ chịu, duy trì sự cháy lâu, sử dụng dạng than củi trấu có thể giúp doanh nghiệp giảm 30-40% chi phí nguyên liệu đốt.

Hiện nay, xưởng đã có 2 chiếc máy ép củi trấu với công suất đạt 3000 tấn/năm, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ mô hình này, những điểm xát thóc gạo trong vùng trước đây, trấu thường bỏ không, nay được thu gom, tận dụng và giúp nông dân có thêm một khoản thu nhập.

 

Sau thời gian nghiên cứu và sử dụng, anh Dũng đã tự chế tạo ra chiếc máy ép củi trấu thứ hai có nhiều cải tiến hơn.

 

 Dẫn chúng tôi thăm nhà xưởng, anh Dũng giới thiệu về một chiếc máy ép củi trấu còn khá mới. Đây là chiếc máy do chính anh Dũng nghiên cứu và ráp nối, với nhiều cải tiến. Anh cho biết: “Tôi tâm niệm, chỉ mua 1 chiếc máy duy nhất và sẽ tự lắp ráp những chiếc sau này. Trải qua thời gian thực nghiệm sử dụng và nghiên cứu, tôi đã bớt một số chi tiết máy, để tạo ra chiếc máy ép củi trấu thứ hai dễ dùng hơn và nhanh hơn”.

Theo anh, tuổi trẻ cần phải không ngừng học tập, tìm tỏi những cái mới để thử nghiệm và bắt đầu từ chính môi trường xung quanh mình. Vì thế, mặc dù công việc kinh doanh khá bận rộn, nhưng tối nào về anh Dũng cũng nghiên cứu, đọc tài liệu đến 1-2 giờ đêm.

Nói về những dự định cho tương tai, Anh Dũng tâm sự, thời gian tới anh sẽ sắp xếp thời gian giao công ty lại cho gia đình, tiếp tục đi du học vài năm để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế. Để không chỉ có mô hình củi trấu này, mà sẽ mang về nhiều cách làm giàu khác nữa cho người dân thôn quê đỡ khổ”.

Xuân Me - Huyền Thương
Top