khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ bẩy, 25/01/2014 - 13:57

Nói chuyện cũ

“Mẹ ơi, như thế nào là cái sàng, cái giần, cái nia…?”. Chị giật mình nghe con hỏi về những thứ rất đỗi thân quen trong cuộc sống. Con gái bảo: “Thân quen với mẹ thôi, chứ con có nhìn thấy nó bao giờ đâu”.

Nghĩ lại, mới thấy con đúng. Từ ngày con ra đời trong nhà mình đã không có những vật dụng đó. Nhà ông bà và các bác ở quê cũng không còn xay, giã, giần, sàng… nên nhiều đồ dùng và các công việc gắn bó với nhà nông bao nhiêu đời nay bỗng chốc biến vào dĩ vãng.

Ngày bé, bố mẹ chị tuy không làm nông nghiệp, nhưng do sinh sống ở làng quê nên mọi việc đồng áng chị tương đối thạo. Mỗi buổi đi học về chị thường sang nhà bác giúp mấy anh, chị rút rơm cho trâu ăn. Bác chị là người khéo làm nên cây rơm được đánh tròn đều, chặt chẽ. Việc rút rơm cũng phải chú ý rút đều từng vòng, để cây rơm nhỏ dần mà không bị vẹo lệch, sụp đổ. Thỉnh thoảng vào buổi tối, mấy chị em lại xúm vào giúp bác xay thóc, giã gạo. Từ hạt thóc để thành được hạt gạo trắng tinh phải qua khá nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự công phu cẩn thận.

Thế mới có chuyện mẹ chồng để chiếc kim khâu vào cối để thử nàng dâu mới. Nếu con tìm thấy kim là đồng nghĩa với việc nàng dâu đã cẩn thận quét sạch cối trước khi cho thóc vào xay. Công việc vất vả nhưng mà vui bởi có thóc để xay đồng nghĩa với ấm no, đủ đầy. Nhiều nhà nghèo quá, mới qua vụ gặt vài bữa đã phải ăn đong, chiếc cối nằm buồn đến vài tháng chờ vụ mùa mới để được cất lên tiếng quay ù ù no ấm.

Cùng với sự biến mất của các công đoạn xay, giã, giần, sàng… nhiều nghề truyền thống cũng biến mất. Như nghề đan cối, đóng cối chẳng hạn. Trước kia ở làng có ông làm nghề đóng cối xay thóc rất được dân làng nể trọng, thường gọi là ông Phó cối. Nhà nào đến hạn thay cối mới đều phải đặt lịch từ trước. Đến hẹn thì tất bật chuẩn bị cơm nước như đãi khách quý.

Chiếc cối xay vỏ đan bằng tre, hai mặt cối là đất thó nện chặt, nêm răng cối bằng các mảnh gỗ. Trông bình dị vậy mà phải rất công phu và khéo léo để hạt thóc đưa vào xay vừa đủ độ truột vỏ trấu, đồng thời không lỏi, không vỡ nát mới đạt chuẩn. Cối xay đóng mới dùng được vài năm tùy thuộc vào mỗi nhà. Ấy thế mà ông Phó cối vẫn có việc đều cả năm nhờ bao quát cả một vùng trong ngoài huyện.

Còn nhiều nghề và đồ vật gia dụng gắn với nền văn minh lúa nước mấy nghìn năm mà thời thơ ấu của chị còn rất thân thuộc, nay dần biến mất. Như cái liềm, cái néo, cái nùi rơm… Và biết bao cách gọi, cách nói ví von như “Uống nước dõng cày; mặt lưỡi cày; già néo đứt dây; trăng lưỡi liềm…” cũng trở nên xa lạ với lớp trẻ. Chị nghĩ sự thay đổi là tất yếu khi nông nghiệp, nông thôn thực hiện điện khí hóa, cơ giới hóa. Vì thế những người làm công tác sưu tầm văn hóa dân gian cần sớm quan tâm lưu giữ để thế hệ trẻ có điều kiện tìm hiểu về nông nghiệp của ngay thời ông bà, cha mẹ chúng.

Trọng Linh
Top