khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ bẩy, 25/01/2014 - 14:21

Trảy hội mùa Xuân

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm bỏ lại đằng sau những lo toan, vất vả của một năm lao động miệt mài để trảy hội du xuân, tổ chức các hoạt động tế lễ tưởng nhớ các bậc hiền tài có công với quê hương, đất nước, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và tham gia các sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Lễ hội cũng là một trong những thế mạnh của du lịch Bắc Ninh hướng mọi người tìm về với mạch nguồn văn hóa tâm linh dân tộc.

Không biết tự bao giờ, lễ hội đã trở thành một trong những nét văn hoá đặc sắc của người Việt. Mỗi độ xuân về, mọi người lại đi trẩy hội để cầu mong những điều tốt lành, hướng lòng mình về với tổ tiên, cội nguồn. Dù là ở những ngôi chùa cổ kính thờ Phật, nơi đình làng thâm nghiêm thờ Thành hoàng hay đền đài thờ các vị Thần thánh... nhưng chỉ với ba nén hương thơm cũng đủ để mỗi người nói lên lời thành kính. Lễ hội chính là cầu nối giữa hiện tại với quá khứ, giữa những giá trị nhân văn với sự linh thiêng, vĩnh hằng.

Vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc từ lâu đã nức tiếng gần xa với hơn 400 lễ hội lớn nhỏ, tập trung chủ yếu vào ba tháng đầu xuân. Chẳng thế mà dân gian vẫn truyền tụng câu ca: “Mùng bốn đi hội kéo co/ Mùng năm hội Ó chẳng cho nhau về/ Mùng sáu đi hội Bồ Đề/ Mùng bẩy trở về đi hội Đống Cao…”. Có những lễ hội mà danh tiếng đã vươn xa khắp mọi miền như: Hội Dâu, hội Lim, hội đền Bà Chúa Kho, hội Phật Tích, hội Đền Đô, hội Thập Đình... Không quản ngại xa xôi, về Bắc Ninh trảy hội du xuân, nghe câu Quan họ nồng đượm nghĩa tình và cầu chúc những điều may mắn đã trở thành thói quen của nhiều người mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lễ hội vùng Kinh Bắc thường gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của cư dân nông nghiệp như hội rước Phật Tứ pháp của 3 xã: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn thuộc vùng Dâu-Luy Lâu (huyện Thuận Thành) ghi nhớ bà Man Nương có công chống hạn, đồng thời phản ánh ước nguyện về một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Lễ hội còn thể hiện mối quan hệ khăng khít với các nét văn hoá đặc sắc.

Ví dụ như hội Lim và hội ở 49 làng Quan họ là dịp để người dân trao đổi tâm tình, gửi gắm những ước mơ, khát vọng sau một năm lao động miệt mài. Lễ hội còn là sự tri ân những vị anh hùng, những người có công lao với quê hương đất nước như: Hội Thập Đình (vùng Gia Bình) ca ngợi công đức của Doãn Công và Đào Nương - hai vợ chồng là hai tướng của Hai Bà Trưng chống giặc phương Bắc; hội Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) ghi nhớ công ơn của các Vua nhà Lý; Hội đền Vua Bà (làng Viêm Xá, thành phố Bắc Ninh) tưởng nhớ người có công sáng tạo ra sinh hoạt văn hóa Quan họ; hội đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) ghi nhớ công ơn người phụ nữ làng Quả Cảm đã có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, giúp triều đình trông coi kho lương trong cuộc kháng chiến chống Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt… Đó cũng là tiềm năng lớn để Bắc Ninh phát triển du lịch tâm linh.

Lễ hội là một hoạt động văn hóa tâm linh vì thế du lịch lễ hội cũng không thể tách rời không gian của nó. Bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá thì các tour du lịch lễ hội cũng đang được thiết kế gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các di sản phi vật thể tại địa phương.

Các khu di tích lịch sử văn hóa có giá trị đặc biệt như Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, khu di tích Đền Đô, Văn Miếu, chùa Dâu, chùa Dạm, đền thờ Lê Văn Thịnh… đang được đầu tư kinh phí để bảo tồn, tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn hơn, xứng với tầm vóc và phục vụ tốt cho phát triển du lịch. Dịch vụ tại các điểm lễ hội cũng được quy hoạch, chấn chỉnh bảo đảm an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, gạt bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, những biến tướng phản cảm… tạo ra những ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến thăm Bắc Ninh.

Sự khác biệt của du lịch Bắc Ninh là không tựa vào đô thị hiện đại với các giá trị vật chất để phát triển nhanh, mà phải dựa vào giá trị văn hoá phi vật thể, trong đó có văn hóa tâm linh để phát triển bền vững. Vì thế mỗi lễ hội phải trở thành một cầu nối văn hóa đưa Bắc Ninh đến gần hơn với du khách gần xa, để mỗi người đều cảm nhận được tấm lòng nhiệt tình, mến khách cũng như tạo ra một thương hiệu du lịch mang bản sắc riêng của vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Lễ hội truyền thống cùng những nét đẹp văn hóa, tâm linh vẫn luôn đồng hành cùng sự phát triển đất nước. Khai thác lễ hội, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn là cách để thế hệ hôm nay tưởng nhớ về quá khứ, gìn giữ những di sản quý báu mà cha ông để lại, góp phần dựng xây quê hương phồn thịnh. Đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội, người Bắc Ninh lại mở rộng vòng tay đón bạn bè đến chơi rồi lại bịn rịn “Người ơi, người ở đừng về”…

Thương Huyền
Top