khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ bẩy, 25/01/2014 - 14:35

Khát vọng ngày xuân

Những đợt gió bắc lắng dần nhường chỗ cho mưa xuân. Cái hanh hao vắt đến kiệt nước trên cơ thể muôn loài cũng qua rồi. Mưa rơi. Cây cối hồi sức hút mặn mòi của đất. Những chồi non cựa mình bật ra những lộc non màu nâu nhạt mỡ màng. Chẳng mấy chốc màu xanh mượt mà rung rinh trên cành đón nắng ấm mùa xuân.

Tôi thong thả dạo trên đường làng. Con đường chưa được thẳng, phẳng phiu như mong muốn. Rồi đây, đường làng sẽ mở rộng, thẳng hơn. Tất cả được kiến thiết bằng bê tông, cốt sắt. Những dãy nhà cao tầng bên đường khiến cho ta có cảm giác bắt gặp phố giữa làng. Chợ họp đông vui. Người bán, người mua đi lại cười nói vui vẻ. Hàng quán bày bán sạch sẽ, tươm tất.

Trước mặt tôi là khu trung tâm văn hóa của làng. Ngôi đình trang nghiêm, cổ kính dẫu nguyên vật liệu đều bằng xi măng, sắt thép. Đôi rồng chầu mặt nguyệt. Đao đình cong vút thẳng chín tầng mây. Đình làng ngày xưa bằng gỗ lim. Cột to hai, ba người ôm mới xuể. Tiêu thổ kháng chiến hồi chín năm đánh Pháp, đình không còn nữa. Tiếc thì tiếc thật nhưng ta đòi được độc lập tự do. Nơi đây thờ vị thiên thần đã có công “Khai sơ, sáng thủy”, “ Hộ quốc an dân”. Công trình văn hóa tín ngưỡng mở mang theo lòng người. Những bức hoành phi, câu đối, đỉnh đại... do các dòng họ, gia đình, tuổi đồng niên cung tiến góp cho nội đình khang trang, tố hảo.

Lớp mẫu giáo dành cho các độ tuổi ba, bốn, năm nằm cạnh đường làng. Trong tương lai, nhà văn hóa mọc lên có đầy đủ hồ bơi, sân bóng đá. Tất cả đã đưa vào quy hoạch chỉ còn đợi cấp trên phê duyệt. Tôi nhìn ra cánh đồng làng. Màu xanh non của các loại rau phơi mình dưới trời xuân. Con đường ra khu nội đồng chạy dài như sợi chỉ đặt. Nghe đâu làng sẽ đổ bê tông đảm bảo hai chiều xe đi lại. Mương xương cá dẫn, thoát nước như mạch máu trên cơ thể con người. Những thửa ruộng quen thuộc từng in bàn chân con người của quê hương tôi. Lòng tôi bồi hồi nhớ lại...

 Làng tôi xưa chỉ có mấy ngôi nhà đáng giá. Gỗ lim Thanh Hóa đen loáng chắc nịch. Vài ngôi nhà làm bằng xoan lại thấp bé, hẹp gian. Phần đông nhà tre, vách đất. Người dân nghèo phải đi làm thuê, làm mướn quanh năm. Ngày mùa, đàn ông đi nhổ mạ trăm. Đàn bà, con gái đi cấy mướn. Tháng ba, ngày tám người làng bên thuê đánh bùn lên bờ, gánh đất đổ vườn. Nhà chủ đãi bữa cơm, vài chén rượu chuếnh choáng. Tám, chín giờ tối, ông lão mới ngất ngưởng ra về, vừa đi vừa hát mấy điệu tuồng cổ. Bây giờ khác xa rồi. Bữa ăn đã tươm tất hơn. Người người đều nhận thấy mình trẻ ra. Già tăng tuổi thọ.   

Tôi mơ màng nhớ tới những ngày lễ hội đầu xuân. Những cô thiếu nữ mớ ba, mớ bảy màu sắc lượt là với hoa lí, hoa hiên. Nhạc nổi lên điệu lưu thủy hành vân. Nhịp bước theo kiệu rước. Quanh gốc đu làng đủ cả nam thanh, nữ tú quần là, áo lượt lòng phơi phới theo những cánh đu bay. Cờ tướng, sới vật, chọi gà thu hút người xem. Ai cũng muốn nhìn tận mắt những đô vật, kiện tướng tên tuổi nổi tiếng quanh vùng. Đừng bao giờ làm mất đi những gì ta đã có. Tôi tự hỏi mình. Chỗ đang đứng đây đâu là nơi lưu giữ dòng lịch sử quê hương? Đâu chút hồn xưa tỏa nắng buổi thiếu thời? Những nơi nào hò hẹn trốn tìm nhau...

Tôi thấy mình mắc nợ với quê hương nhiều lắm. Món nợ hầu như suốt đời không trả được. Tôi chỉ biết tìm vào khát vọng. Khát vọng cho mùa xuân tràn ngập trên đất này. Tôi mong khát vọng thấm vào huyết quản của mỗi người để chung tay xây dựng. Mọi người hãy biết sống vì nhau. Hãy đẩy lùi xa những hủ tục nặng nề, những tệ nạn xã hội hàng ngày, hàng giờ đang có nguy cơ xâm hại tới hạnh phúc mỗi gia đình, chạnh lòng nghĩ tới những người tha hương, biệt xứ vì bát cơm manh áo hàng ngày. Chắc giờ này họ cũng đang nhớ tới những người thân của mình. Quê hương, đất nước vẫn âm vang tiếng gọi trong tâm hồn của họ.

Tự nhiên, tôi nhớ tới câu thơ của Trần Đăng Khoa làm khi mới tám, chín tuổi:

Mái tranh ơi hỡi mái tranh

Trải bao mưa nắng mà thành quê hương

Tôi như muốn ôm vào lòng tất cả. Tôi muốn mở hồn ra để đón những rung động của đời thường. Mùi thơm của bánh chưng chín tới tỏa ra từ đâu đây. Tiếng máy xay giò xé vào không khí. Người đi lại tấp nập mua sắm những thứ cần thiết cho ngày tết cổ truyền. Những cô gái nâng những bó hoa tươi trên tay nở nụ cười tươi tắn. Gần hai mươi tiếng đồng hồ nữa, Giao thừa tới. Cả quê hương hòa chung cùng đất nước đón một năm mới đầy hứng khởi. Tôi như hòa vào niềm vui của mọi người, mọi nhà để nâng lên thành khát vọng. Khát vọng mùa xuân. 

Nguyễn Khắc Đàm
Top