Nghệ nhân Lê Huy Cần sinh năm 1948 trong gia đình có 5 người con, nhà nghèo, học hết lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay) ông thôi học và xin làm ở Xí nghiệp Cơ khí xe đạp Thành Bắc, thị xã Bắc Ninh (cũ). Năm 1993, ông nghỉ công tác, về hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương và khởi xướng thành lập CLB Quan họ tỉnh (năm 1998) với vai trò chủ nhiệm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm Văn hóa Quan họ tỉnh (do bà Nguyễn Thị Minh Đoàn làm Giám đốc). Không quản ngại khó khăn, vất vả, ông đến nhiều làng như Hòa Đình, Yên Mẫn, Niềm Xá, Vệ An, Đặng Xá, Đại Lâm… để giúp họ xây dựng phong trào hát Quan họ. Từ cái nôi này, nhiều liền anh liền chị đã giành giải cao trong các kỳ thi hát Quan họ của tỉnh Bắc Ninh.
Tình yêu Quan họ như mạch nguồn chảy trong tâm hồn, để rồi đến một ngày đã trở thành duyên nghiệp với ông. 16 tuổi, cậu thiếu niên Cần bắt đầu tham gia hoạt động Quan họ quần chúng và trở thành một “liền anh” thực thụ với giọng ca căng mẩy, nuột nà. Ở đâu, ông cũng dồn hết tâm huyết để làm tốt nhiệm vụ của mình. Ông thường xuyên được Đài Tiếng nói Việt Nam mời sang thu thanh nhiều bài Quan họ để phát cho thính giả cả nước nghe.
“Tiếng lành đồn xa”, năm 2001, nghệ nhân Lê Huy Cần được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam mời sang giúp Trung tâm Bảo tồn phát triển văn hóa Bắc Bộ. Tại đây, ông được giao làm chủ nhiệm CLB Dân gian với chức năng, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các loại hình dân ca trong đó có dân ca Quan họ. CLB lúc đó khoảng hơn 10 hội viên, qua 1 năm hoạt động, số hội viên ngày càng đông. Ấy cũng là lúc ông nhận ra rằng, Hà Nội là trái tim của cả nước, nếu có thể bảo tồn, quảng bá loại hình dân ca Quan họ ở mảnh đất nghìn năm văn hiến này thì tốt biết bao? Đó là cách tốt nhất để đưa Quan họ vươn xa.
Nghĩ vậy, ông đã ở lại Thủ đô với đôi bàn tay trắng để thực hiện ước mơ của mình. 12 năm gắn bó trên đất Hà Thành, điều làm ông thấy vui và hạnh phúc nhất chính là không chỉ có hội viên các CLB mới đam mê Quan họ mà người dân nơi đây cũng rất yêu thích loại hình dân ca này. Mỗi ngày đến các CLB, ông thấy mình như trẻ lại. Với 16 CLB Quan họ mà ông đang truyền dạy như: CLB Trúc xinh (thị trấn Cầu Diễn), CLB Khúc hát dân ca (huyện Từ Liêm), CLB Dân ca Tây Hồ (quận Tây Hồ)…, trong đó có 2 CLB ông làm chủ nhiệm (CLB Dân gian thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và CLB Cổ truyền thuộc Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô), số lượng hội viên đều khá đông (lớp ít nhất 40 người, nhiều nhất 90 hội viên).
Điều đặc biệt là các CLB đều đa dạng về lứa tuổi, từ 18 đến 80 (cá biệt có cụ đã 90 tuổi). Họ đều chung một tình yêu và niềm đam mê dân ca Quan họ. Có lẽ, đó chính là nguồn động viên lớn nhất giúp ông không kể nắng mưa, giá rét, với chiếc xe máy cũ kỹ và cây đàn tứ trên vai, ngày nào cũng rong ruổi từ 20 đến 50 cây số đến các CLB. Ở tuổi 65, phải là người có tâm, yêu nghề lắm mới hết mình như vậy.
Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, nghệ nhân Lê Huy Cần đã đạt được một số thành tích đáng nể do Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ) trao tặng như: Huy chương Vàng Hội thi tiếng hát dân ca toàn quốc lần thứ Nhất (năm 1979), Huy chương Bạc Liên hoan ca khúc chính trị toàn quốc (năm 1983), cùng các giải: Giải Nhất (năm 1998) và Giải Nhì (năm 1996) tại cuộc thi hát đối Quan họ tỉnh Bắc Ninh. Ông xứng đáng được đồng nghiệp yêu quý, nể phục, trìu mến gọi “thỏi vàng 10” của Quan họ Kinh Bắc. Ông Lê Duy Thu, nguyên Trưởng Đoàn Quan họ tỉnh chia sẻ: “Lê Huy Cần không chỉ là người có niềm đam mê lớn đối với dân ca Quan họ, mà còn có sự hiểu biết tương đối sâu sắc, tường tận về nguồn gốc Quan họ. Ông có công sưu tầm, học tập các làn điệu dân ca Quan họ cổ từ nghệ nhân lớp trước, góp công không nhỏ đưa Quan họ vươn xa, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…”.