khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 27/01/2014 - 07:47

Một thoáng và một thời

Ông Thính và ông Cựu là bạn vong niên, về hưu từ thời bao cấp nay đã ở tuổi gần bát thập, được cái vẫn tráng kiện như thanh niên. Hai ông có điểm chung là đông con đều đã trưởng thành và giàu có, họ vẫn thường qua lại nhà nhau mỗi khi có dịp, để hàn huyên chia sẻ chuyện đời.

Hôm ấy, ông Cựu qua nhà ông Thính cũng tiện khoe cái xe máy điện loại xịn nhất của Nhật do thằng con trai là Việt kiều mới về thăm quê mua tặng.

Vừa vào đến phòng khách, ông Cựu đã trầm trồ “Ông lại mới thay bộ bàn ghế à, đẹp và lạ quá, sang quá”. Ông Thính đỡ lời giọng vừa phấn chấn vừa buồn buồn: “Cũng được mấy tháng rồi ông ạ, cái bộ “quốc triện” dạo trước đẹp quá, tôi rất ưng nó gọn gàng phù hợp với cái phòng này hơn, nhưng thằng Thắng nó không thích lại đi đặt bộ Cửu Long (chín con rồng) này gần năm mới xong, nghe đâu tận mấy trăm triệu.Tiền nó, nó mua, nó bán mình can sao được. Thôi thì phải theo, con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy”. Ông Cựu phụ họa: “Bây giờ lớp trẻ năng động lắm, thằng cả nhà tôi chuyên đóng hàng ở Lạng Sơn, thay ô tô như thay áo. Cái xe Camry đi được mấy tháng nó đã đổi cái xe của Mỹ những mấy tỷ, hầm hố lắm, nó bảo tuy tốn xăng nhưng đi loại ấy mới tương xứng với đối tác làm ăn”.

Ông Thính lấy trong tủ  ra mấy hộp cà phê, và chỉ vào hộp cà phê chồn giới thiệu “Loại này nghe đâu mấy triệu một hộp, ông thích dùng loại nào?”. Ông Cựu lắc đầu quầy quậy “Tôi không quen cái đằng này, cứ làm ấm chè Thái là nhất”.

Dưới ánh đèn chùm rực rỡ, đôi bạn già lọt thỏm giữa cả đàn rồng bằng gỗ mun được chạm trổ khá tinh xảo, con cuộn, con chầu. Ông Cựu đùa: “Giá có thêm con hổ nữa thì”… Vừa thưởng thức cái vị chè sao kiểu cổ truyền bằng tay dậy hương nưng nức, ngầy ngậy, vừa say sưa kể cho nhau nhiều chuyện từ thời nảo thời nào còn lưu trong tâm trí. Ông Thính giọng đầy phấn khích: “Đấy ông xem, chỗ mình đang ngồi đây, ngày xưa là khu vườn nhà tôi bỏ hoang chỉ để chó cào, gà bới. Hơn chục năm bộ đội, vào sinh ra tử, bị thương ở Quảng Trị được trên cho chuyển ngành về làm anh bưu tá, lúc nghỉ hưu chẳng có tiền để sửa cái nhà cũ dột nát, thế mà bây giờ thằng con tí tuổi đã xây được ngôi biệt thự, hơn cả quan lớn ngày xưa”. Ông Cựu cũng chẳng kém cạnh: “Tôi có thằng cháu bên ngoại buôn lông gà lông vịt, gặp thời cũng thành đại gia, ngỗn nghện lên xe xuống thang máy, đất có thể mở cả trang trại chưa hết. Có hôm, nó mời tôi sang xem mấy cây cảnh toàn là sung, si kiểu dáng khòng khoèo, xù xì gớm ghiếc, một bức tượng người nằm ngửa cổ, miệng há hoác đặt dưới gốc cây sung chưa ra quả. Nó khoe đã có khách trả triệu đô qua điện thoại vẫn chưa bán. Tôi nghĩ bụng, cho làm củi cũng không đáng, đúng là thời buổi chẳng biết đâu mà lần!”. Tôi là trưởng phòng lương thực huyện, từng tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên. Mấy chục năm công tác, khi nghỉ hưu được cấp mảnh đất trên thị trấn, nhường luôn cho ông bạn khó khăn hơn. Bây giờ con cái vẫn thỉnh thoảng chê bố “dại”. Tôi  bảo: “mỗi thời mỗi khác”. Ông Thính bỗng trầm ngâm “Ở đời đúng là không ai học hết chữ ngờ, gần cả đời túng thiếu cuối đời lại thừa tiền tiêu, lương hưu chỉ để đi đám cưới, đám ma thỉnh thoảng chúng nó còn cho thêm.

Ông Cựu lại có dịp hòa cùng dàn nhạc. “Thằng út nhà tôi làm ăn bên Tiệp cũng  thỉnh thoảng gửi vài ngàn Euro để bố tiêu vặt. Cái đận nó đi xuất khẩu lao động, rồi ở lại nước họ luôn, nhập quốc tịch rồi. Hồi Đông Âu tan rã, sống chết chả biết thế nào, bị thất nghiệp sống cầu bơ cầu bất xứ người, mấy năm phải đi bán thuốc lá rong, cũng may có người cưu mang nên thoát nạn lấy một cô mắt xanh, mũi lõ, có con rồi, nhưng ở nhà chỉ biết mặt qua ảnh”. Ông Thính tỏ ra tâm đắc: “Hậu sinh khả úy, con hơn cha nhà có phúc.Tôi chả bao giờ tưởng tượng được thằng Thắng nhà tôi được như ngày hôm nay. Có dạo nó sang nhượng, xào xáo đất cát kiếm mỗi ngày bằng cả đời công tác của mình. Thằng con lớn đang học phổ thông, nó gửi đi du học tận bên Úc, thỉnh thoảng điện cho ông nói chuyện, chốc chốc lại chêm câu tiếng Anh. Ông chả hiểu gì cứ ừ bừa, nó bật cười, ngộ ra phết. Chả bù cho lúc nó còn nhỏ, có hôm chưa kịp mua gạo sổ phải sang ông vay tạm về nấu cháo nhưng không kịp, mấy anh em nhịn đói đi học, giữa giờ thằng  Thắng bị lả bạn phải cõng về, ngày mới học xong đại học ngành xây dựng, đi làm hợp đồng, đói như tù…”

Tiếng giày cồm cộp trên gác xuống cắt ngang câu chuyện, hình như dừng lại ở chiếu nghỉ. Ông Thính ngước lên  phía cầu thang, một nửa cái mặt chõ xuống cất giọng xoe xóe nửa trống, nửa mái  “Các ông ơi! Xin các ông tắt hộ cái “băng” cũ ấy đi cho nó nhẹ đầu, ôn nghèo kể khổ có ra tiền không!!? gót giày rút lên gác vẫn cố văng lại mấy câu: “chả phải ôn… rách việc!...”. Hai ông già mặt ngây như phỗng. Ông Thính hết nhìn ông Cựu lại nhìn lên phía cầu thang miệng lẩm bẩm “Thằng mất dạy”. Như cái cây bất ngờ bị giội nước sôi cùng rũ xuống, ông Cựu nhìn ông Thính vẻ mặt cảm thông: “Tôi xin phép qua chợ mua mấy cuộn băng dính về có việc”. Ông Thính loay hoay mãi mới mở được cánh cổng, nói nhỏ vào tai ông Cựu “Dạo này buôn bán đất cát gặp khó, vợ chồng nó đang trục trặc, cãi nhau ỏm tỏi, con vợ dắt đứa cháu gái thuê nhà ở chỗ khác mấy tháng rồi, ông thông cảm!”. Ông Cựu lên xe. Ông Thính dặn với: “Ông đi cẩn thận, chậm thôi, bây giờ nhiều người phóng quá nhanh, nguy hiểm lắm”.

Ít ngày sau, ông Cựu sang ông Thính mời cưới đứa cháu nội. Chị phụ nữ phốp pháp còn khá trẻ từ trong nhà bước ra mở cổng miệng đon đả “Cụ cần gặp nhà cháu ạ” Ông Cựu vẻ ngờ ngợ phân vân: “Không! Cho tôi hỏi cụ Thính có nhà không?”. Chị chủ nở nụ cười tươi rói: “Nhà cháu mới mua lại căn nhà này, cụ Thính chuyển đi đâu, cháu cũng không rõ, mời cụ vào xơi nước đã”. Ông Cựu sững người tháo chiếc kính ra lau “Chết thật, thế mà tôi không biết, vừa mới hôm nọ còn…” Chiếc xe máy điện lại cõng ông bạn già lò dò bước một trên con phố vừa quen vừa lạ.

Truyện ngắn của: Vũ Thành
Top