khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 27/01/2014 - 07:54

Suy ngẫm về con ngựa trong Truyện Kiều

Đại thi hào Nguyễn Du xuất thân từ một gia đình trâm anh thế phiệt có truyền thống văn võ song toàn, cha là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đã từng sung chức Tả tướng, cùng Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc cầm quân đi đánh chúa Nguyễn.

Lúc nhỏ đại thi hào có dung mạo khôi ngô tuấn tú nên đã được Việp quận công tặng một thanh bảo kiếm. Dòng máu thượng võ cùng với những quan điểm trung quân bảo thủ đã khiến Thi hào Nguyễn Du vào năm 1796 (31 tuổi) còn toan vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh. Như vậy ngay tới tuổi “tam thập nhi lập” Nguyễn Du vẫn còn thiên hướng theo đòi nghiệp võ, chính vì vậy đã có con mắt tinh đời để tích lũy những hiểu biết tinh thông sâu sắc về tập quán và động thái của loài ngựa. Điều đó đã giúp Thi hào sau này viết những câu thơ về ngựa rất tinh tường chính xác. Nhân ngày xuân Giáp Ngọ xin được góp thêm vài ý về thiên tài của Nguyễn Du khi viết về những câu thơ liên quan đến con ngựa trong Truyện Kiều.

I. Phản ánh chính xác xã hội Trung Quốc thời nhà Minh qua hình ảnh con ngựa.

Chuyện tình duyên giữa Kim Trọng và Thúy Kiều xảy ra trong đời Gia Tĩnh nhà Minh.

Trong cái ao tù phẳng lặng, nghẹt thở của sự độc quyền chuyên chế phong kiến ấy, các tầng lớp giàu có đua nhau ăn chơi hưởng lạc. Vì vậy ngày hội Thanh Minh đông đúc đến nỗi:

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm

Các chốn thanh lâu cũng được mở ra như nấm ở nơi đường sá đi lại dễ dàng, phục vụ cho bọn thống trị lắm tiền, nhiều của. Nên con người tài sắc như Đạm Tiên, lúc đương thời xuân sắc thì “Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh” đến khi lâm bệnh lại rơi vào cảnh “đã không kẻ đoái người hoài”, đến lúc gãy cành thiên hương lại càng bi đát hơn:

Buồng không lạnh ngắt như tờ

Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh

Cái “dấu xe ngựa” đó như vết mực mà ngòi bút lông của thiên tài đã đánh dấu, lưu lại thành cái sẹo hằn trên bộ mặt, cho hậu thế muôn đời biết rõ bản chất đểu giả của tầng lớp thống trị trong xã hội phong kiến.

Trong cái xã hội bất công đó, đến tên vô liêm sỉ như Mã Giám Sinh cũng có xe ngựa để đi mua người:

Mái ngoài, nghỉ đã giục liền ruổi xe

Nhưng một gia đình như họ Vương “Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung” lại không có xe ngựa cho các con đi chơi trong tết Thanh Minh, đành phải:

“Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”

 Và lúc đến hội thì cũng chỉ “bước lần theo ngọn tiểu khê”, và chính đi bộ như vậy nên mới lo lắng đoạn đường về:

Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa

Ngòi bút của Nguyễn Du thật nhất quán, một gia đình thường thường bậc trung như vậy, ngựa xe chẳng có, nên khi lâm vào cảnh phải:

Tính bài lót đó luồn đây,

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi

Thì đành phải để cho Thúy Kiều bán mình lấy tiền chuộc cha.

Thế là từ chỗ không có ngựa-qua tai biến-gia đình ông Vương đã thành có ngựa. Nhưng đó lại là cô con gái yêu Thúy Kiều đã trở thành một thứ đồ chơi: ngựa người cho kẻ người ngựa họ Mã và “bầy bướm lả ong lơi” giày vò.

Thật là:

Hóa nhi thật có nỡ lòng

Làm chi giày tía, vò hòng lắm nau.

II. Các kiểu cách cưỡi ngựa trong truyện Kiều.

Nhân vật đầu tiên cưỡi ngựa trong truyện Kiều là chàng Kim Trọng. Khi chàng đến hội Thanh Minh chính là chủ động tìm cơ hội gặp gỡ “Xuân lan, thu cúc”. Nhưng vì chưa kiếm được lý do, sợ đường đột quá sẽ hỏng việc, với tâm trạng “tiến thoái lưỡng nan” ấy, đành phó mặc cho chú ngựa tùy tiện hành tiến theo nhịp điệu không phải của trái tim đang thổn thức yêu đương mà lại là nhịp điệu của vó ngựa:

Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng

Với Thúy Kiều, con người “Thông minh vốn sẵn tính trời” khi “Trông chừng thấy một văn nhân” thì đã ghi lại hình ảnh ban đầu đầy ấn tượng:

Tuyết in sắc ngựa câu chồn,

Cỏ pha màu áo, nhuộm non da trời

Nguyễn Du đã tóm gọn thần thái của chàng Kim qua hình ảnh “ngựa câu chồn”. “Ngựa câu chồn” hay chính là tâm trạng “bồn chồn” của chàng trai non tơ 15 tuổi Kim Trọng đang “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Do vậy việc “khách đà xuống ngựa” hay “khách đà lên ngựa” sau này chỉ là hành động vô thức của con người đã “chập chờn cơn tỉnh cơn mê” mà thôi.

Người thứ hai xuất hiện với ngựa chính là gã Mã Giám Sinh. Tuy có cái vỏ là Giám Sinh với “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nhưng cái phong cách điều khiển xe ngựa vẫn rõ ra là một tên vô lại:

Vó câu khấp khểnh, bánh xe ghập ghềnh

Báo hiệu bản chất “đột ao lồi lõm” như “mạt cưa mướp đắng” sau này.

Hoặc hiện hình như tên lưu manh vừa ăn cắp xong một báu vật liền trốn chạy cho mau:

Đùng đùng gió giục mây vần

Một xe trong cõi hồng trần như bay

Vậy tác giả xếp hắn vào loại cùng họ với ngựa (họ Mã) quả là chí lý.

Còn anh chàng đội lốt hào hoa phong nhã “hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng” nhưng rõ ràng là một tay lừa đảo chuyên nghiệp trong cả những việc liên quan đến con ngựa. Y khoe “rằng ta có ngựa truy phong” nhưng con ngựa chạy mau như đuổi theo gió ấy đâu có được y sử dụng đúng khả năng mà chỉ cho đi từ từ:

Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn

Đến khi cần phát huy khả năng chạy nhanh thì lại là chỉ để cho y lủi trốn:

Sở Khanh đã trẽ dây cương lối nào

Hình ảnh cuối cùng của tên họ Sở ấy đọng lại trong tâm trí độc giả cũng là sự rút chạy trong la ó:

“Dơ tuồng nghỉ mới kiếm đường tháo lui”

Anh chàng “miệng hùm gan sứa” Thúc Sinh vốn quen thói bốc giời, chỉ tài làm thơ phú tán tỉnh phụ nữ, nên cung cách cưỡi ngựa cũng thật đơn điệu:

“Người lên ngựa kẻ chia bào” và sau cả đoạn đường dài “Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi” thì dáng điệu cưỡi ngựa của anh chàng họ Thúc về với vợ cả Hoạn Thư cũng thật tẻ lạnh, nhạt nhẽo:

“Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên”

Chỉ khi được Hoạn Thư thả lỏng cho về Lâm Truy với Thúy Kiều thì chàng Thúc mới có sinh khí để phóng ngựa:

“Vó câu thẳng ruổi nước non quê người”

Vốn là dòng dõi dũng tướng, nên Nguyễn Du tỏ ra rất đồng cảm với hình ảnh đấng anh hào, quen thói vẫy vùng của Từ Hải:

Đội trời đạp đất ở đời,

Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông

Do vậy, hình ảnh trượng phu họ Từ thật kiêu hùng trên lưng ngựa:

“Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng giong”

Đến khi sau khoảng thời gian xa cách “Chầy chăng là một năm sau”, quan quân đã đi đón Thúy Kiều về, thì việc Từ Hải cưỡi ngựa ra đón Thúy Kiều lại thân thiết và trang trọng làm sao:

“Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài”

Đau xót nhất là sự liên quan của Thúy Kiều với con ngựa. Lúc còn ở với cha mẹ, không có xe ngựa thì cuộc đời còn thanh thản vô tư. Khi được bước lên xe hoa: “Một xe trong cõi hồng trần như bay” thì cũng là bước vào cuộc đời lưu lạc, gian truân trong chốn lầu xanh. Đến lúc được một mình một ngựa “Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn” thì lại là lúc bị mắc lừa thảm hại của Sở Khanh. Cuối cùng lại lâm vào cảnh “Dẩy ngay lên ngựa tức thì” thì chả khác nào cái xác không hồn trong tay bọn ác quỷ Khuyển Ưng, bắt đưa về chốn địa ngục nhà Hoạn Thư. Có lẽ Thúy Kiều khắc kỵ với ngựa và chỉ hợp với kiệu hoa, vì chỉ ngồi lên kiệu hoa thì Kiều mới có những niềm vui sum họp, như sum họp với Từ Hải:

“Trúc tơ nổi trước kiệu vàng kéo sau”

Hoặc sum họp với Kim Trọng:

“Kiệu hoa giục rước tức thì,

Vương ông dạy rước cùng về một nơi”

Nhân ngày xuân Giáp Ngọ, đọc lại Truyện Kiều ta càng thấy Thi hào Nguyễn Du không chỉ thiên tài khi tả tình, tả cảnh mà Người còn rất tinh tế và sâu sắc khi tả các hoạt động của con ngựa, nó gắn liền với hầu hết các nhân vật chính trong truyện. Nhưng với mỗi người qua cách điều khiển ngựa, bản chất của nhân vật càng hiện ra rõ rệt, trung thực và chính xác vô cùng.

Do vậy ngay từ thời Minh Mệnh, khi đánh giá về Truyện Kiều, Tiên Phong Mộng Liên đường chủ nhân đã viết:

“Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có được cái bút lực ấy”.

Nguyễn Khắc Bảo
Top