khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 27/01/2014 - 08:04

Ước nguyện về quê của hai nhà khoa học trẻ

Hẹn gặp phóng viên vào những ngày thi cuối kỳ đang căng thẳng, hai chàng trai trẻ - hai nhà khoa học vừa đạt giải thưởng đặc biệt của cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc” lần thứ chín (năm 2012-2013) có chút dè dặt. Nhưng đến lúc dẫn chúng tôi vào phòng thực hành của khoa Cơ - Điện tử, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Nguyễn Duy Huynh và Đặng Đình Nam bỗng tỏ ra rất hào hứng khi giới thiệu về công trình được bắt nguồn ý tưởng từ chính xóm làng của mình ở vùng quê Yên Phong đang đổi mới.

 Phòng thực hành của trường Đại học là nơi thường trực của hai sinh viên mê nghiên cứu.

 

Niềm say mê từ… làng

Trong căn phòng ngổn ngang những máy móc, ốc vít, dụng cụ thực hành, Huynh-chàng trai nhỏ bé có dáng dấp của học sinh cấp hai nhiệt tình thuyết minh cho chúng tôi về đứa con cưng “Mô hình xe nâng hàng chuyên dụng trong phân xưởng”. Với đề tài này, Nam và Huynh đã vượt qua 451 đề tài khác để đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc” lần thứ chín.

Chưa từng quen nhau cho đến trước khi vào trường Đại học, cơ duyên đã khiến Nam (xã Văn Môn) và Huynh (xã Dũng Liệt) cùng quê huyện Yên Phong được ngồi chung một lớp. Năm thứ nhất, mặc dù chưa học chuyên ngành nhưng các giảng viên của khoa Cơ - Điện tử đã khuyến khích mọi sinh viên tích cực thực hành và nghiên cứu. Từ những buổi lân la làm quen với các thiết bị, cả Nam và Huynh đã phát hiện ra mình có chung ý tưởng. Sinh ra ở làng Văn Môn - một đại bản doanh của nghề tái chế phế liệu, Nam đã nhiều lần tự hỏi về một phương pháp cho những chiếc xe nâng cũ mà người dân sử dụng để di chuyển hàng hóa trong điều kiện đường làng nhỏ hẹp. Còn Huynh đã có cả một tuổi thơ gắn bó với những dụng cụ cơ khí khi quanh quẩn phụ bố sửa chữa xe công nông hay xe tải. Sau này mỗi lần từ Hà Nội về qua khu công nghiệp Yên Phong, nhìn những xe hàng to, cồng kềnh loay hoay quay đầu và phải đi vòng tốn diện tích, chàng trai này cũng xuất hiện ý muốn cải tiến nó.

Sau khi được thầy Mai Trọng Dũng-một thầy giáo trẻ và đam mê khoa học giới thiệu về chiếc bánh xe Mecanum - một dạng của bánh xe đa hướng (Omni wheels), cả hai như được khai sáng để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Nhờ thiết kế đặc biệt bởi những con lăn nhỏ với trục được lắp nghiêng một góc 45o so với trục quay chính, chiếc bánh xe kỳ diệu này có thể thỏa mãn được nguyện vọng của hai chàng trai khi gắn vào xe nâng hàng để thực hiện các chuyển động cơ bản tiến, lùi, chuyển động xoay tròn dễ dàng trong một không gian rất nhỏ, đặc biệt là khả năng di chuyển ngang khi cần thiết. Vậy là, cả hai quyết định hy sinh kỳ nghỉ hè đầu tiên của đời sinh viên ở lại trường miệt mài nghiên cứu. Nhớ lại thời gian đó, Huynh cười cho biết: “Gia đình em còn lên tận Hà Nội kiểm tra vì sợ hai đứa ở lại chơi bời. Nhưng rồi bố mẹ chúng em lại là những người ủng hộ lớn nhất”. Thật vậy, sau khi biết được ý tưởng của hai cậu con trai, bố mẹ Nam và Huynh đều đồng tình giúp đỡ chi phí để có thể đặt mua thiết bị hoàn thiện mô hình.

Trong suốt 3 tháng trời thường trực tại phòng thực hành, Nam và Huynh đã trải qua nhiều lần thất bại, nhiều lần bất đồng ý kiến. Vậy là đành phải thử lắp ráp, thiết kế lại theo ý tưởng của từng người một. Trong đó, tốn công nhất là ở việc ráp nối các mạch điện sao cho có thể điều khiển bánh xe xoay theo đúng hướng mong muốn. Vì vậy, cả hai đã có một thời gian phải “góp gạo thổi cơm chung” để tập trung trí tuệ cho công trình này. Cuối cùng, sau “n” lần thất bại, mô hình cũng được hoàn thành. “Em vẫn nhớ vào một buổi chiều mưa, khoảnh khắc chiếc xe đi được như ý, chúng em đã òa lên sung sướng” - Nam rạng ngời chia sẻ cảm xúc. 

Lời hẹn cống hiến cho quê hương

Nói về giải thưởng này, hai chàng sinh viên khiêm tốn cho rằng mình có một chút may mắn, vì nhiều mô hình của các bạn tham gia cũng khá hay như sản phẩm máy tính hóa học hay phần mềm IKID để quản lý học sinh sử dụng máy tính. Còn theo ý kiến đánh giá của Ban Giám khảo trong đêm trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc thì mô hình này được đánh giá cao ở khả năng ứng dụng thực tiễn. Bởi tại một số nước tiên tiến trên thế giới, cơ cấu bánh xe Mecanum đã được sử dụng và đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên ở Việt Nam, áp dụng bánh xe này trên các xe nâng hàng là khá mới mẻ. Vì vậy, hiện nay, ngoài giờ lên lớp, cả Nam và Huynh đang tập trung hoàn thiện mô hình và cải tiến một số chi tiết để ứng dụng trên xe lăn cho người khuyết tật. Huynh thành thật bày tỏ: “Thay vì đi chơi, thời gian rảnh là chúng em lại lên phòng thực hành để nghiên cứu, nó như một niềm vui ưa thích và thậm chí là say mê. Chúng em may mắn đã có môi trường để rèn luyện, vì theo em nghĩ việc sáng tạo khoa học không đơn thuần là phát minh một sớm một chiều mà còn là cả quá trình tìm tòi, thử nghiệm”. 

Khi hỏi về dự định tương lai, cả Nam và Huynh nhất loạt đều bày tỏ mong muốn được… về quê. Không một chút do dự, Nam cho biết: “Công nghiệp Bắc Ninh hiện nay rất phát triển, đòi hỏi chất lượng khoa học công nghệ ngày càng cao và là môi trường hấp dẫn cho những người trẻ. Ngay từ lúc bước chân vào Đại học chúng em đã có suy nghĩ sẽ về quê làm việc, vì thế, trong những năm học còn lại, chúng em sẽ cố gắng nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức để sau này có nhiều ứng dụng cống hiến cho quê hương”.

Hy vọng, giải thưởng đầu tiên với mô hình sáng tạo này sẽ là bước đệm cho những phát minh tiếp theo của hai nhà khoa học trẻ. Và hy vọng những phát minh đó sẽ ngày càng hoàn thiện hơn để có một ngày, quê nhà Kinh Bắc được hưởng thụ những sản phẩm trí tuệ từ một lớp thế hệ trẻ giàu đam mê và nghị lực. 

Huyền Thương
Top