khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 27/01/2014 - 09:20

Giảm nghèo, yếu tố thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển

Giảm nghèo là chính sách lớn để phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi quốc gia, dân tộc. Việt Nam được đánh giá là nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất khi hơn 30 triệu người thoát nghèo trong 2 thập kỷ qua. Với Bắc Ninh đã có nhiều cách làm hay, nhiều giải pháp đột phá được thực hiện nên kết quả giảm nghèo rõ rệt, trở thành địa phương đi đầu cả nước.

Chúng tôi về Thiểm Xuyên, xã Thụy Hòa (Yên Phong), một trong những điểm sáng thoát nghèo của tỉnh. Từ khi có thêm nghề phụ, người dân nơi đây bận rộn hơn nhưng niềm vui cũng nhân lên gấp bội bởi có thêm thu nhập. Khắp các ngõ, xóm, từng nhóm tụm lại cùng làm nghề mây tre đan do Trung tâm dạy nghề của huyện đưa về thôn từ năm 2008. Lãnh đạo xã và cán bộ thôn cho biết: Sau nhiều biện pháp thực hiện giảm nghèo như hỗ trợ giáp hạt, trợ giúp các dịch vụ xã hội... vẫn chưa đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Điều cốt lõi là phải tạo cho người nghèo có được việc làm và thu nhập ổn định mới có thể giảm nghèo hiệu quả. Giờ đây, nghề mây tre đan đã được bà con đồng tình hưởng ứng.

Hiện cả thôn có khoảng 400 đến 500 người theo nghề, nhiều hộ thoát nghèo nhờ có thêm nghề mới. Bà Nguyễn Thị Trường, 65 tuổi, làm nghề mây tre đan được 4 năm tâm sự: “Năm 2009, gia đình tôi vẫn thuộc hộ nghèo vì chồng mất, một mình nuôi 3 con ăn học nên không biết phải xoay sở ra sao. Thật may, tôi đã được học và làm thêm nghề phụ này, đến nay cuộc sống gia đình đã thoát nghèo và có phần dư dả”. Niềm vui ấy còn bắt gặp trên nhiều gương mặt người nông dân thuần phác ở nơi đây.

Cùng với nghề mây tre đan ở Thụy Hòa, nghề trồng nấm tại thôn Long Khám, xã Việt Đoàn (Tiên Du) cũng bắt đầu cho người dân nơi đây hy vọng về một cuộc sống no đủ. Niềm vui không giấu nổi trên gương mặt khắc khổ của bà Nguyễn Thị Nụ, thôn Long Khám cả đời lam lũ vì “miếng cơm, manh áo” sau nhiều năm túng thiếu, nay đã thoát nghèo. Gian nhà ngang của gia đình bà được phủ trắng bởi những bịch nấm đang đâm ra tua tủa.

Bà phấn khởi: “Sau khi được tiếp thu kiến thức của nghề trồng nấm trên huyện, lại được hỗ trợ về giống, túi bóng, giàn treo và sẵn có rơm, rạ trong nhà, tôi mạnh dạn rủ chị cùng xóm làm nấm tại gia đình. Làm lần 1 thử nghiệm 3 tạ rơm được 285 bịch nấm sau 3 tháng cho thu hoạch. Ngoài có được thực phẩm sạch để ăn, bà con hàng xóm cũng sang đặt mua nên nấm ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Lần 2 tôi làm 5 tạ rơm được gần 500 bịch nấm, thu được tiền triệu. Chính nghề mới này đã giúp chúng tôi thoát nghèo”. Hiện nghề trồng nấm đang được nhân rộng không chỉ ở Long Khám mà ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh.

Xóa đói, giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiều chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo đã được chuyển hóa thành những việc làm, hành động cụ thể của mỗi cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Công tác giảm nghèo của tỉnh đang được triển khai thực hiện đồng bộ trên cả ba phương diện: Trợ giúp người nghèo tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng; giải quyết các chính sách trợ giúp xã hội cho người nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh mà vẫn bảo đảm yếu tố bền vững, giờ chỉ còn 3,2%.

Để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, hàng năm, tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, điều tra về hộ nghèo, hộ cận nghèo trong cộng đồng dân cư, từ đó có cơ sở phân loại, triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách. Huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, đóng góp từ cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để trợ giúp, cho vay vốn phát triển sản xuất đối với đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng xã hội cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của công tác xóa đói, giảm nghèo. Các ngành chức năng, các địa phương từ chỗ làm có khi chỉ để lấy thành tích, hoặc bản thân người dân muốn xin trở thành hộ nghèo để được trợ cấp thì nay, công tác giảm nghèo thực sự đã đi vào chiều sâu, hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng. Nhiều hộ nghèo cũng nỗ lực vươn lên thoát nghèo và coi đó là một vinh dự cho bản thân. Nhận thức về giải quyết đói, nghèo cũng không còn đơn thuần là thu nhập mà được nhìn nhận một cách đa chiều với những chính sách hỗ trợ mạnh về dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, về giáo dục, y tế, nhà ở cho người có thu nhập thấp...

Ngoài việc giúp người nghèo được tín chấp vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất và tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý thì trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm của tỉnh đã nhấn mạnh việc ưu tiên đặc biệt đến các đối tượng lao động nghèo. Điển hình là Quyết định số 57 của UBND tỉnh về hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con hộ nghèo đang theo học ở các bậc học từ Mầm non trở lên và hỗ trợ miễn giảm chi phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện nghèo và Đề án 1956 về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đến các đối tượng nghèo đã được triển khai mạnh mẽ và từng bước đi vào cuộc sống.

Ngay trong năm nay, nhiều chính sách trợ giúp, trợ cấp đã đến được với hộ nghèo. Toàn tỉnh đã tặng 15.901 suất quà, trị giá hơn 5,2 tỷ đồng cho đối tượng trợ xã hội, hộ nghèo, người cao tuổi, trong đó có 12.668 lượt hộ nghèo. Trợ giúp khó khăn và giáp hạt cho 1.161 hộ với kinh phí gần 600 triệu đồng; cấp 35.316 thẻ BHYT cho người nghèo, đạt 100%. Gần 30.000 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, gần 5.000 lượt người nghèo được đào tạo nghề miễn phí, hơn 3.000 lượt người nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và hơn 15.000 lượt con hộ nghèo đang theo học ở các bậc học được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Từ những tiền đề sẵn có, chắc chắn năm 2014, Bắc Ninh sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,5%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2%.

Hoài Lan - Minh Hường
Top