khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 27/01/2014 - 09:28

Người Công giáo với Tết cổ truyền

Về Lương Tài những ngày cận Tết, người dân nơi đây đang tất bật chuẩn bị chào đón một cái Tết cổ truyền dân tộc với không khí phấn khởi, tưng bừng. Sự hòa hợp giữa đức tin và những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã thể hiện lối sống “Tốt đời đẹp đạo” của mỗi người theo đạo Thiên Chúa.

Ông Nguyễn Đình Quân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trung Chính, cũng là một người Công giáo cho biết: “Tết cổ truyền hiện nay đã dần được hòa nhập vào đời sống giáo dân với các nghi thức có nhiều nét tương đồng như bên lương. Trừ ngày Tết ông Công, ông Táo, người Công giáo không làm lễ, những tục lệ như thờ cúng tổ tiên và sinh hoạt trong ba ngày Tết không khác nhiều. Mấy năm trở lại đây, người Công giáo cũng đã bày biện bàn thờ ngày Tết một cách đầy đặn”.

Ở giáo xứ toàn tòng Lai Tê, xã Trung Chính, dịp cuối năm, các nghĩa trang giáo xứ luôn luôn có đông đảo giáo dân đến viếng, quét vôi, dọn cỏ, trồng hoa, thắp hương và hơn hết là dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Nhà thờ được trang hoàng để đón Tết, bánh chưng, đào quất được trưng trong gia đình những người theo Đạo.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, một người dân thôn Lai Tê, trong ngày giao thừa, thay vì làm mâm cơm cúng tổ tiên, mọi người tập trung ở nhà thờ để làm lễ cầu nguyện. Giao thừa với người Công giáo là giây phút thiêng liêng, thường các xứ đạo tổ chức Lễ khoảng từ 21 đến 22 giờ tối để giáo dân đọc kinh, tạ ơn, chúc tụng Chúa, chúc xuân Cha xứ, cộng đồng. Những ngày tết sau đó hòa chung niềm vui của cả dân tộc, người Công Giáo đến thăm nhau, mừng tuổi nhau với lời cầu chúc một năm mới an bình, hạnh phúc. Nhiều xứ đạo, các đoàn thể rủ nhau đi chúc tuổi quý cha, quý chức trong xứ và anh chị em hội viên.

Tại Tử Nê - một trong những xứ đạo lớn nhất của tỉnh, Tết Nguyên đán là dịp để con cháu bày tỏ lòng thờ kính với tổ tiên biểu hiện rõ nhất ở những nghi thức diễn ra trong hai ngày: ngày cuối năm và ngày mồng 2 Tết.

Vào ngày 30 Tết, trong những gia đình tộc trưởng bàn thờ tổ tiên đã được lau chùi sạch sẽ, trang hoàng đẹp đẽ, bày biện thêm nhiều hoa tươi. Buổi tối, mọi người trong tộc đều tập trung về nhà ông tộc trưởng, sau đó, người tộc trưởng đốt hương và vái lạy trước bàn thờ tổ tiên trong sự chứng kiến của toàn thể chi tộc. Sau khi thắp hương, nến, điện trên bàn thờ tổ tiên, buổi cầu nguyện cho tổ tiên bắt đầu diễn ra. Kinh cầu nguyện cho tổ tiên thường là những kinh trong sách bổn và 50 kinh kính mừng với ý chỉ cho tổ tiên. Sau khoảng 1 giờ, việc đọc kinh cầu nguyện kết thúc, mọi người tâm niệm trong mình những tâm tình về công ơn của tổ tiên, ông bà. Đây là dịp con cháu hỏi han người cao tuổi về người quá cố.

Vào đầu năm mới, ngày 2 Tết, con cháu lại tập trung ở nhà ông tộc trưởng lần nữa để chúc tết lẫn nhau và chủ yếu là để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Sau đó các gia đình Công giáo trong làng thường kết thành từng đoàn, toán đến các nhà có người chết trong năm để cầu nguyện cho người quá cố hay đi đọc kinh chúc tết mọi gia đình đồng đạo khác. Đây là một tập tục tốt đẹp của làng giáo Tử Nê mà không phải ở làng Công giáo nào cũng thực hiện được.

Được biết hiện nay, toàn huyện Lương Tài có 8 thôn Công giáo với trên 6 nghìn nhân khẩu. Kinh tế những năm qua đã có bước phát triển khá, cuộc sống của người công giáo ngày càng được nâng cao, tuy nhiên, hiện còn khoảng 100 hộ công giáo nghèo. Cận Tết, nhiều tổ chức đoàn thể đã đến thăm hỏi động viên các chức sắc, linh mục, họ đạo và tặng quà cho 100% hộ nghèo. Hàng năm công tác khuyến học, tặng học bổng cho con em các hộ nghèo có thành tích xuất sắc, trong đó có nhiều con em công giáo. Đặc biệt tổ chức ký cam kết xây dựng đơn vị khu dân cư phòng chống tội phạm ở một số thôn Công giáo đem lại hiệu quả thiết thực.        

Một mùa xuân nữa lại về, cả dân tộc ta lại nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết”, cùng nhau chung sức thi đua học tập, rèn luyện, lao động cống hiến vì một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Huyền Thương-Xuân Me
Top