khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 27/01/2014 - 09:49

Những ngày sương giăng…

Kỷ niệm trong trái tim mỗi người luôn là những giấc mơ có thật, dù quá khứ là hoa hồng hay nước mắt, sung sướng hay những dằn vặt thét gào. Nhưng bất kể thế nào chăng nữa, chỉ cần gắn với chữ Yêu thì kỷ niệm sẽ mãi mãi tồn tại, kể cả khi thân xác không còn, giống như tiếng dương cầm đã ngừng mà giai điệu êm ái còn ở lại.

Ký ức không ngủ quên còn là nỗi nhớ, da diết và khôn nguôi, như bếp than hồng chưa bao giờ tắt, về những cái tên, bóng hình, nụ cười đã cũ, như nốt nhạc trầm xao xuyến giữa cuộc đời bề bộn, khơi gợi những xúc cảm ngủ quên trong tâm hồn, mà đôi khi chỉ một lời nói, ánh nhìn, cái nắm tay, sự sẻ chia bé nhỏ… cũng làm ta nhớ mãi…

Kỷ niệm trong ta là một thời thơ ấu vui vầy bên mẹ cha và đám trẻ trường làng, những ngày trong sáng và vô tư lự. Cái ngày xưa khó khăn ấy chẳng của riêng ai, nhìn lên nhìn xuống, sang trái sang phải, đều cùng cảnh ngộ, đó là ấn tượng lớn nhất của thời kỳ tem phiếu. Tôi nhớ câu mẹ tôi thường nhắc nhở mà thời nay, chắc chẳng còn bà mẹ nào dạy con rằng “Nếu cơm trong nồi có hết thì chớ cạo cháy soàn soạt, vừa mất lịch sự mà người ta cho rằng mình đói…” Đói-có lẽ là một từ quá xa lạ với bọn trẻ bây giờ, nhất là với con nhà có điều kiện thì có lẽ không có trong từ điển hoặc chỉ hiểu theo nghĩa “khi dạ dày không có thức ăn” hoặc “có nhu cầu nạp/bổ sung năng lượng”.

Cái sự đói-trường diễn, đói đến vàng cả mắt, phải ăn độn khoai, sắn… là “cảm giác thường trực” của nhiều gia đình cùng khổ thời bao cấp, được ăn cơm trắng hàng ngày với những hộ nghèo đông con vẫn là giấc mơ xa xỉ. Ấy thế mà trong cái đói, cái khổ tưởng như cơ cực ấy, người ta vẫn đối với nhau hết sức hào sảng, bằng cả tấm chân tình, chia ngọt sẻ bùi từ mớ rau, con cá, manh quần, tấm áo... Nhưng mà dẫu có thiếu thốn nhiều hơn thế thì những đứa trẻ như chúng tôi vẫn vui vẻ sống cuộc sống sung sướng của mình, đơn giản vì đâu biết đến cao lương mỹ vị là gì.

Ngày ngày chúng tôi rủ nhau đi học, chiều chiều tranh thủ quét lá về đun, nghỉ cuối tuần lại bóc lạc thuê, dán giấy quấn thuốc lá kiếm thêm chút tiền phụ cha mẹ, hết việc lại nhận đan len, móc khăn…, vất vả vậy mà nhiều đứa vẫn là học sinh giỏi, giỏi theo kiểu được các bạn nể phục chứ không chỉ trên bảng điểm. Nhưng so với bọn trẻ thời nay thì tôi vẫn thấy mình… sướng hơn các em nhiều, bởi với trẻ con thì “học thì học, mà chơi thì chơi”, được vui chơi là nhu cầu không thể thiếu, này nhé từ nhảy lò cò, đánh chắt đánh chuyền, chơi ô ăn quan, búp bê đồ hàng đến hái hoa bắt bướm, chúng tôi tha hồ chạy nhảy khắp đường làng, cánh đồng và bất cứ nơi nào bàn chân bé nhỏ của chúng tôi có thể đặt tới mà người lớn không phải lo lắng chút nào về nguy cơ tai nạn giao thông hay bắt cóc, lạm dụng…

Đến bây giờ, đã vài chục năm qua đi mà tôi vẫn không khỏi ngẩn ngơ khi nhớ về những ngày xa cũ ấy, nhất là có dịp trở lại, bắt gặp khoảng không gian kỷ niệm, vài nếp nhà gần như không đổi, vẫn nằm đó lặng lẽ mặc rêu phong thời gian, rặng hoa bìm bìm tím cả tuổi thơ tôi…

Kỷ niệm là những ngày đầu mùa sương, khi tôi đang ở những ngày trung học, nhà cách trường 4-5 cây số nên cô bạn thân thường rủ đi học sớm. Sương giăng mung lung khắp nẻo, cả thị trấn chìm trong sương, có khi đứa trước đứa sau mà chẳng nhìn thấy mặt, cứ gọi nhau ời ời vì sợ. Sau đó chúng tôi nghĩ ra cách, lái một tay, còn tay kia nắm chặt nhau, may mà hồi đó xe cộ không như bây giờ, đến nơi thì tóc, môi và má đứa nào cũng ướt nhèm, giống như mấy cây kem vậy, chúng tôi cười giòn, đứa nọ xoa vào tay đứa kia để truyền hơi ấm. Có hôm vào tiết học rồi mà sương chưa tan, vẫn bảng lảng trên những cành lá, ngọn cây, lớp Văn nên nhiều tâm hồn lãng đãng cứ chăm chú nhìn ra cửa sổ, nơi phía sau sân trường với những rặng phi lao bình thường ngợp nắng, nhưng vào tiết sương thì trầm mặc lạ lùng, cây cối dường như đứng yên càng tạo một cảm giác mơ màng, huyền ảo, đến nỗi cô giáo phải đập mạnh cái thước lên bàn vài bận mới tập trung được.

Ngày sương, nắng muộn và trong veo, thủng buổi trưa, tan học rồi mà tôi và nhỏ bạn thân vẫn rình rang như còn sớm lắm, đạp xe bên nhau đến cuối con đường mà lòng chẳng muốn về. Có những chiều không phải học thêm, hai đứa dối cha mẹ đến nhà nhau chơi, học thì ít mà ăn thì nhiều, hết trèo cây hái ổi, đào khoai lại đến tập bơi, chán rồi lại khoác vai, nắm tay nhau đi bộ đến những nơi mình thích, có khi chúng tôi cứ đi dọc đường tàu đến vài tiếng, mỏi lại nghỉ chân bên hàng cây xanh ven đường, chẳng có đích nào đến cả, chiều muộn lại quay về.

Hồi ấy nhiều khi chúng tôi cứ tự hỏi nhau “sao tụi mình hâm thế nhỉ”, phải, chúng tôi đã đi không biết bao nhiêu giờ, qua bao nhiêu con đường, cười bao nhiêu nụ cười, bao cái xiết chặt tay… mà không lý giải nổi, nhưng giờ tôi đã hiểu, đó chính là tình bạn chân thành và nhu cầu chia sẻ của tình bạn. Bên nhau suốt những năm tháng thiếu thời, chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn mà sau này, dù có gặp gỡ bao người bạn mới,  vẫn không thể nào quên được. Đôi khi trong những email, câu hỏi kỷ niệm của bạn bất chợt ùa về, như nỗi nhớ thường trực trong tim, khiến tôi đọc hay trả lời thư mà rớm lệ, thấy thời gian mấy mươi năm như ngày hôm qua…

Kỷ niệm xếp dưới đáy va li còn là tình cảm học trò đầu tiên tuổi mới lớn, về một người bạn khác giới hiền lành và nhu mì, học giỏi mà nhút nhát, mỗi khi đi qua đám con gái thì hai tai cứ đỏ lựng lên. Nếu như các cô gái thời nay thường bị chinh phục bởi vẻ ngoài điển trai hay ga lăng thời thượng, phong cách sành điệu, lãng tử của những cậu ấm thì con gái chúng tôi thời ấy lại “coi khinh” những yếu tố này, nếu nó không đi kèm với điều kiện ở chàng trai là phải học thật giỏi, mà thường học giỏi thì là người có phẩm chất cần cù, chịu khó đáng quý.

Tôi đã thương thầm người bạn ấy suốt những năm tháng thanh niên ưu tú ấy, và tôi biết người đó cũng dành một góc không nhỏ trong trái tim cho mình. Nhưng thật lạ là năm tháng cứ trôi đi, cây bàng trước sân nhà đã bao mùa thay lá, qua bao mùa nắng, mùa mưa, chúng tôi vẫn gặp gỡ mỗi dịp nghỉ hè, lễ tết, sinh nhật…, đôi mắt nhìn nhau chan chứa bao điều mà chẳng ai dám thốt một lời. Chỉ có nỗi nhớ, nỗi nhớ cào xé lớn dần theo tháng năm…, và ranh giới tình bạn mãi mãi là bức tường bằng thơ mà mỗi khi nhớ về, tôi và người ấy vẫn luôn dành cho nhau những cảm tình trân trọng, thiêng liêng nhất. Cô bạn tôi bông đùa nó đã trở thành mối tình câm, đẹp, lặng lẽ, thánh thiện… như trong tiểu thuyết, chỉ có điều những nhân vật trong đó đã bước ra ngoài đời thực, sống cuộc sống hiện thực đáng sống của mình…

Thế đấy, bất cứ điều gì trở thành nguồn cơn nỗi nhớ đều có thể được coi là kỷ niệm. Chiều nay ngang qua trường cũ, nắng vẫn vàng đầy sân, lớp học xưa, mảnh sân xưa, tường vôi xưa, chỉ bạn bè, thầy cô, những gương mặt dấu yêu một thuở đã xa, lại nhớ da diết những ngày sương giăng đi học với câu thơ một thuở của Nguyễn Nhật Ánh: “Ai về qua chỗ người thương/Đứng giùm tôi trước cổng trường ngày xưa/Ướt giùm tôi chút trời mưa/Để cho trên tóc hương vừa bay đi…” 

Ngọc Duyệt
Top