khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 07/02/2014 - 08:56

Khắc phục tiêu cực, phản cảm trong lễ hội

Đất trời sang Xuân, miền Quan họ lại tưng bừng đón mùa xuân mới với nhiều lễ hội truyền thống. Cơ bản các lễ hội truyền thống vẫn giữ nghi thức truyền đời. Công tác quản lý, tổ chức và kiểm tra lễ hội luôn chặt chẽ, nền nếp, nhưng vẫn còn những tiêu cực và vẫn là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"...

Nghi lễ rước kiệu - nét đẹp ở hội làng Ném Thượng (thành phố Bắc Ninh).

 
 
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, mỗi năm Bắc Ninh có khoảng 549 lễ hội lớn nhỏ diễn ra ở tất cả các mùa nhưng tập trung dày đặc nhất vào mùa xuân, trong đó một số lễ hội lớn luôn thu hút đông đảo du khách thập phương tiêu biểu như: Hội Lim, hội đền Bà Chúa Kho, hội chùa Phật Tích, hội Đồng Kỵ, lễ hội lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, hội đền Đô, hội làng Viêm Xá, hội chùa Dâu, hội chùa Bút Tháp…

Ghi nhận qua các mùa lễ hội gần đây cho thấy việc tổ chức lễ hội ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của các cấp, các ngành cũng như chính quyền và nhân dân các địa phương về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội được nâng lên rõ rệt; tiêu cực trong lễ hội dần được đẩy lùi… Nghi thức phần lễ và các hoạt động phần hội được duy trì tổ chức phù hợp với bản sắc, phong tục của từng địa phương.

Nổi bật là sự chuyển biến tích cực ở lễ hội làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) với việc thay đổi nghi thức "chém lợn" giữa sân đình chuyển sang "giết mổ lợn" ở một khu vực riêng, bảo đảm tính nhân văn và nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội trong nước, quốc tế.

Kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao, chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát đột xuất trước, trong lễ hội được các ngành chức năng phối hợp thực hiện chặt chẽ, liên tục. Đặc biệt là sự đổi mới trong công tác tham mưu tuyên truyền, quảng bá về lễ hội ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn.
 

Lễ hội đẹp nhờ ý thức người dân.

Việc tổ chức họp báo trước mùa lễ hội năm 2013 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đã tạo điều kiện để các cơ quan truyền thông đại chúng hiểu đầy đủ, đúng đắn về giá trị và bản sắc văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, qua đó nhìn nhận đánh giá chính xác các hiện tượng nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội.

Dù vậy, những hiện tượng tiêu cực, phản cảm trong lễ hội chưa có cách nào chấm dứt triệt để. Cứ bước vào mùa lễ hội là công tác vệ sinh môi trường được đề cập đến như một tất yếu. Dịch vụ ăn theo lễ hội: Đổi tiền lẻ, gửi xe, ăn uống tự ý đẩy giá cao cũng là tồn tại nhức nhối lặp đi lặp lại hết mùa lễ hội này sang mùa lễ hội khác. Hoạt động cờ bạc trá hình, trò chơi có thưởng, trộm cắp, móc túi lợi dụng lúc đông hội vẫn ngang nhiên hoạt động. Tại một số "điểm nóng" như đền Bà Chúa Kho thì tình trạng chèo kéo, khấn thuê, hành khất, chặt chém, ép giá vẫn khá phổ biến; cảnh phản cảm hóa sớ, đốt vàng mã nhiều, gài rắc tiền lẻ tùy tiện, chuyện hòm công đức thật giả tràn lan làm nhếch nhác diện mạo, mất sự tôn nghiêm ở những nơi thờ tự hành lễ linh thiêng.

Đó là những loại "sạn" nhặt mãi vẫn chưa có cách nào xóa tận gốc. Nguyên nhân của những "tiêu cực tái sinh" là tổng hợp của vô số lý do, bởi quá tải, thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết, vô ý thức, vụ lợi… Thế nên, tồn tại trong lễ hội là căn bệnh nan y khó chữa, cứ đến mùa lại phát mà chẳng biết đến bao giờ mới có thuốc đặc trị.

Mùa lễ hội Xuân Giáp Ngọ đã cận kề song những giải pháp khắc phục tiêu cực lễ hội cũng chỉ xoay quanh việc tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi, ý thức của người dân theo hướng tích cực… Thiết nghĩ, mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người dân cần nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh để mùa lễ hội không còn tiêu cực.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top