khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 07/02/2014 - 09:01

Mùa nối mùa

Cuối năm Quý Tỵ 2013, Thái Khoát, một cây bút thơ có tiếng ở vùng Yên Phong đã cho trình làng tập thơ thứ hai: Mùa nối Mùa. Và thật là đáng mừng! Thơ anh đã phổng phao hẳn lên, xinh đẹp hơn, mặn mà hơn và sâu sắc hơn so với tập thơ đầu.

Vẫn là Thái Khoát của làng quê Yên Phong với những từ trường thơ quen thuộc nhưng hơi thở của cuộc sống mới đã ùa vào thơ anh. Tay nghề thơ của anh cũng được nâng lên rõ rệt. Và điều tôi thích hơn cả là thơ anh đã lấp lánh những vẻ đẹp của cái mới và lạ. Những yếu tố sống còn để có một gương mặt thơ riêng biệt. Trong điệp trùng đội ngũ những người làm thơ “mờ mờ nhân ảnh” hiện nay.

Thực ra cái mới trong thơ Thái Khoát đã xuất hiện trong tập: Tiếng ve đầu mùa với bài: Đường Ô. Đây là một bài thơ khá hay nhờ tác giả đã phát hiện ra con đường từ khu tập thể công nhân đến khu công nghiệp được phủ kín bởi bạt ngàn ô che, cả khi trời mưa lẫn khi trời nắng. Và anh đặt tên cho nó là Đường Ô. Một con đường chỉ có thể có khi công nghiệp hóa về làng. Khi hơi thở của nhịp sống hiện đại ùa vào nông thôn Việt Nam.

Một bài thơ mới và lạ từ đề tài, thi tứ đến phong cách thể hiện: “Những chiếc ô che đầu những cô gái trẻ măng/Bắt nắng dịu/Bắt gió ngừng/ Bắt mưa rơi nhẹ hạt/Nhấp nhô/Nhấp nhô/Trùng trùng/Điệp điệp/ Sóng ở đâu mà nổi giữa đồng bằng…”.

Thật là thú vị khi yếu tố mới và lạ tiếp tục được duy trì và phát triển trong Mùa Nối Mùa. Nó tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt của thơ Thái Khoát. Đó là các bài: Chim chào mào ăn khế, Có một cái chuông điện, Cây gậy phân luồng giao thông, Hội chim, Cổ tích cầu ao, Dự án treo, Câu cá, Hoa gạo… Tỷ lệ thành công ở mỗi bài có khác nhau nhưng rõ ràng tạo nên được sự ám ảnh đối với bạn đọc.

Chim chào mào ăn khế là thi phẩm đã chạm đến ngưỡng của thơ hay. Đề tài không mới: một lũ chim chào mào từ đâu kéo đến thi nhau ăn lấy ăn để trên vòm khế trĩu quả. Chúng vừa ăn vừa cãi nhau, kêu choét choét, làm khế rụng đầy gốc. No chán rồi lại vô tư vỗ cánh bay đi:

Để lại tiếng choét choét khê nồng

Và tôi

Bên gốc khế phí hoài bao nhiêu quả…

 Thông điệp của bài thơ làm chúng ta nhói lòng. Thấy căm giận bọn chào mào ăn bám và phá hoại. Thấy thương cho người làm vườn có làm mà chẳng có ăn. Nhà thơ muốn cảnh báo về sự bất công vẫn còn đang hiện hữu…

Bài thơ Hoa Gạo có cái mới ở hình tượng thơ: “Những bông hoa gạ/ Thi nhau chạy tiếp sức/ Châm vào đài lửa/ Để bùng lên mùa hè…”. Trong thơ Việt Nam tôi chưa thấy ai ví von hoa gạo như các vận động viên chạy tiếp sức. Lại nữa, nhà thơ nêu thêm một lý do để hoa gạo đỏ cháy hết mình:

Hoa gạo nhắc một thời trai trẻ

Đã từng cháy hết mình trong rét Nàng Bân…

Một bài thơ khác rất đáng chú ý là: Có một cái chuông điện với tứ thơ rất lạ, gợi mở những liên tưởng vừa xa vừa sâu. Nhà ở thành phố bây giờ đều lắp chuông điện, vừa văn minh vừa tiện lợi. Thái Khoát nhìn nó như một con mắt dán vào tường. Nhiệm vụ của nó là thay chó trông nhà. Nó sủa bính boong khi có người tới. Ví von thật lạ. Nhưng chưa hết:

Bính boong

Ô sin mở cửa

Khách quen vồn vã

Khách lạ dửng dưng…

Có phải vì thế mà chuyện không hay đã xảy ra: “Bỗng một hôm tiếng chuông mất thanh/Ông bà chủ lên xe bịt bùng chạy gấp/Bỏ lại núm chuông con mắt /Chẳng khách  vào ra…/ Từ chuyện cái chuông điện đến chuyện ngôi nhà. Từ ngôi nhà đến ông bà chủ. Từ cách đón khách vào nhà đến hình ảnh chiếc xe bịt bùng chạy gấp… Thơ lạ vì nó gợi mở vô vàn những phỏng đoán. Bài thơ giống như một đoạn phim không lời thoại nhưng lại rất đa thanh trong lòng bạn đọc. 

Một điểm mạnh nữa của thơ Thái Khoát là sự bề thế, ngồn ngộn vốn sống trong những bài thơ tự do. Đó là các bài: Hội Chim, Đêm Sa Pa, Thị xã tương lai, Cổ tích cầu ao, Quê ngoại, Trước mùa gặt, Niềm vui ngày mùa… Thành công hơn cả là bài Hội Chim. Một bài thơ văn xuôi vô cùng thú vị. Tác giả vừa khoe được vốn sống của mình vừa gợi mở cho bạn đọc những liên tưởng xa xăm về kết nối cộng đồng và khát vọng tự do. 

Với hai tập thơ đã xuất bản, trong đó có khá nhiều bài mới lạ và ấn tượng, nhiều câu thơ hay, Thái Khoát đã trở thành một tác giả thơ được nhiều người yêu mến. Tuy nhiên, thơ hiện đại cần có sự hàm súc rất cao, sự đa nghĩa đa chiều vừa hợp lý vừa phi lý  trong một từ trường thơ vừa thực vừa ảo. Và thơ lại phải gắn liền với sự đắm say. Không có sự đắm say, không làm xao xuyến trái tim người thì thơ dù sâu sắc đến đâu cũng mới chỉ là hay một nửa…

Mới lạ và… hay! là cái đích hướng tới của thơ, không chỉ của riêng Thái Khoát.

Nguyễn Anh Thuấn
Top