khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 10/02/2014 - 08:24

Câu chèo ngày xuân

Làng Định Mỗ là tên chữ của làng Mỏ huyện Gia Bình. Làng quê Việt nép mình bên chân núi Thiên Thai huyền thoại.

Bao đời nay dân làng cần mẫn làm ruộng đánh cá mà tồn tại và phát triển. Trầm lặng như núi Thiên Thai. Bình an như nước sông Thiên Đức chảy dài thời gian. Bên trong lũy tre xanh thanh bình ấy, người nông dân làng Mỏ vẫn biết cách tự làm vui cuộc sống của mình bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa, nhịp đàn nhịp phách. Làm vui để vượt qua những lúc cơ hàn khó khăn, những buổi đói giáp hạt tháng ba ngày tám.

Đời sống tinh thần xa xưa của người Định Mỗ còn thể hiện tập trung, đậm nét là tín ngưỡng thờ phật và thờ thành hoàng làng. Đình, chùa được xây dựng liền kề nhau ở khu đất đẹp hướng về núi Thiên Thai. Thành hoàng làng là đức thánh An Dương Vương, hoàng đế nước Âu Lạc. Xung quanh đức thánh làng là biết bao huyền sử: chuyện Thục Phán đánh Hùng Duệ Vương và được truyền ngôi, chuyện An Dương Vương xây thành Ốc, chuyện nỏ thần, chuyện tình Mị Châu-Trọng Thủy…

Thời hiện đại người Định Mỗ còn nhớ và kể lại những ngày tháng theo Đảng đánh Pháp đuổi Nhật. Những người cao tuổi còn nhớ chuyện dân làng vác đòn gánh, cầm gậy cầm liềm kéo lên huyện lị cướp chính quyền. Sức dân lúc ấy như nước vỡ bờ đè bẹp mọi thế lực thù địch. Rồi sau đó là những ngày kháng chiến gian khổ ác liệt. Trận chống càn năm 1951 vào làng tiêu diệt gần trăm tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị, làm nức lòng nhân dân.

Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, dân làng dồn sức người sức của cho chiến trường. Người ở lại hậu phương làm việc bằng hai dưới làn bom đạn của hàng đàn Con Ma, Thần Sấm lúc ần lúc hiện gầm rú đe dọa. Vậy mà tinh thần lạc quan lại dâng đầy. Phong trào tiếng hát át tiếng bom vang vang trên đồng cạn dưới đồng sâu hay trên những công trường thủy lợi. Đội văn nghệ thôn Định Mỗ luôn là nòng cốt của đoàn kịch xã Xuân Lai.

Dưới ánh đèn măng sông chói lóa, đoàn kịch xã dàn dựng cả vở lớn biểu diễn phục vụ nhân dân sản xuất, phục vụ công trường và cả giao lưu phục vụ các địa phương khác. Công sá chỉ là bát cháo gà bồi dưỡng cho cả đêm diễn mà vẫn vui như tết. Cho đến khi đất nước thanh bình, cơ chế mới không còn đất diễn nữa thì những hạt nhân đàn hát Định Mỗ lại quây quần sinh hoạt với nhau trong Câu lạc bộ Văn nghệ thôn. Câu lạc bộ đông đến hơn 30 người, già có, trẻ có. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm ba người: Nguyễn Văn Ái, Trịnh Thị Ngoạn, Lê Thị Tuyên. Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn, vừa duy trì tổ chức, vừa truyền dạy ca hát, vừa tập diễn tiết mục.

Từ vài năm nay, Câu lạc bộ đã đủ sức dàn dựng diễn vở lớn như các vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính và Lưu Bình-Dương Lễ. Các hoạt động sinh hoạt chính trị lớn hay mừng xuân mới Câu lạc bộ đều góp phần phục vụ các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Các thành viên Câu lạc bộ mỗi người mỗi hoàn cảnh, người chân lấm tay bùn làm ruộng, người làm nghề cơ khí, mộ nề dân dụng, người làm giáo viên mầm non, người già chỉ trông nom cháu nhỏ… nhưng tất cả đều chung niềm yêu ca hát, cứ được hát phục vụ dân làng là vui như thời tiếng hát át tiếng bom năm xưa vậy. Gặp nhau dăm ba người là bảo nhau tập vài điệu múa, mấy câu ca. Có người múa chính thì có người đứng ngoài hát phụ họa và nhắc vở. Có người hát chính thì cũng có người hát phụ họa theo. Sai thì lại cười vui như tết để cùng bảo nhau chỉnh sửa lại. Múa hát tự nhiên như cơm ăn nước uống vậy.

Bà Trịnh Thị Ngoạn hồi trẻ may mắn được học qua lớp chèo sơ cấp do huyện Gia Lương tổ chức. Hơn trăm làn điệu chèo hát nhuần nhuyễn thì lao ngay vào phục vụ nhân dân sản xuất. Vừa lao động trực tiếp vừa hát, đọc tin cho cơ quan văn hóa thông tin của huyện. Rồi trở thành hạt nhân đội văn nghệ thôn và đoàn kịch của xã với các vai chính trong các kịch ngắn và vở lớn như “Cuộc đời chị Dậu”, “Triệu Tử Long”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình -Dương Lễ”… Hiện nay bà còn là người truyền dạy chính các làn điệu chèo cho lóp trẻ mới tham gia vào Câu lạc bộ.

Bạn diễn sát cánh còn phải kể đến các bà các chị Trịnh Thị Dung, Nguyễn Thị Sự, Nguyễn Thị Cẩn, Nguyễn Thị Thức, Trịnh Thị Tư…

Cô giáo mầm non Đinh Thị Hải là hạt nhân chủ lực, biết múa hát, biết đạo diễn và biết cả biên đạo múa. Nhờ những lớp múa tự biên mà đội văn nghệ có thêm nhiều tiết mục hấp dẫn, phong phú ấy. Một số điệu múa yêu thích của đội là “Đủng đỉnh yếm đào”, “Cây trúc xinh”, các màn múa phụ họa hát quan họ, hát dân ca…

Dàn diễn viên trẻ tham gia ngày một đông như Trịnh Xuân Lễ, Phạm Minh Thắng, Nguyễn Thị Thúy, Trịnh Văn Thông…

Điều đặc biệt là Câu lạc bộ văn nghệ Định Mỗ có dàn nhạc bề thế, từng tham gia cùng đoàn kịch của xã nhiều năm trước, gồm nhị níu Trịnh Xuân Bạn, Trịnh Quang Triệu, sáo Trịnh Xuân Thắng, trống Trịnh Văn Soạn, ghi ta Trịnh Đình Sở, Oocgan Trịnh Xuân Thắng mới bổ sung.

Câu lạc bộ đã giành nhiều kết quả cao khi tham gia hội diễn hàng huyện và tỉnh như Giải hội thi làng văn hóa cấp tỉnh có giải nhì tập thể, giải nhất nhì cá nhân, Giải hội thi hòa giải viên giỏi nhất huyện, nhì tỉnh…

Với diễn xuất chuyên nghiệp, các hạt nhân văn nghệ làng đâu chỉ còn là tự làm vui cuộc sống của mình nữa. Tiếng lòng cất lên, lời ca bay lên, điệu múa chuyển mình. Câu ca giúp mọi người vượt sóng gian lao đi đến bờ hạnh phúc, ấm no.

Phạm Thuận Thành
Top