khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 13/02/2014 - 09:06

Sức sống nghệ thuật Tuồng cổ

Cùng với dân ca quan họ, Bắc Ninh cũng là một trong những “chốn tổ” hình thành và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống. Tuồng trở thành viên ngọc quý kết tinh văn hoá Kinh Bắc-Bắc Ninh và trở thành một trong những di sản văn hoá đặc sắc của quê hương Kinh Bắc, góp phần làm phong phú thêm cho nền nghệ thuật Tuồng Việt Nam. Trong đó, không thể không nhắc đến những đóng góp của nghệ thuật Tuồng ở Từ Sơn với những thời kỳ phát triển rực rỡ.

Không ai biết nghệ thuật Tuồng ở Bắc Ninh nói chung, Từ Sơn nói riêng ra đời từ bao giờ, nhưng theo gia phả thờ Tổ ở các đoàn Tuồng hiện có như đoàn Tuồng Đồng Kỵ, Tuồng Tam Lư thì Tuồng ra đời cách đây khoảng trên dưới 300 năm. Dưới chế độ phong kiến, hoạt động Tuồng chủ yếu tập trung ở các gánh hát Tuồng hoặc phường Tuồng với mục đích chính là để mưu sinh như là một nghề. Họ đi hát tất cả các nơi theo lời mời hoặc bán vé, không những ở Bắc Ninh mà ở cả các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Thái, Hà Nội.

Từ xa xưa Tuồng Từ Sơn vẫn được các vùng bạn tôn là Tuồng thầy. Nơi đây có các bậc nghệ nhân tiền bối nổi tiếng Bắc - Trung - Nam như: Kép Ba Tuyên, Kép Ba Tốn-Bạch Trà, Đào Cả Tề, Cụ Thông, Cụ Giáp, cụ Cả Hiền… Thế hệ nối tiếp như Cụ Tư Út, cụ Hạch Thịnh, cụ Vạn, nghệ nhân Đắc Nhã, NSƯT Đắc Hán… và ngày nay đã có các thế hệ trẻ tiếp nối duy trì, bảo tồn dòng văn hoá truyền thống quý báu ấy như NSƯT Bích Tần, NSƯT Xuân Tú, NSƯT Thanh Vân…

Thời kỳ sau CMT8 (giai đoạn 1956-1986) là thời kỳ hưng thịnh và phát triển rực rỡ của nghệ thuật Tuồng. Ở Từ Sơn hầu như xã nào cũng có đội Tuồng, có xã có đến 4 đội. Tiêu biểu lúc đó phải kể đến đội Tuồng Đồng Kỵ 1, Đồng Kỵ 2, đội Tuồng Sặt (xã Đồng Quang), Tam Lư, Viềng, Sậy, Cẩm Giang (Đồng Nguyên), Tuồng Đình Bảng, Tiến Bào, Phù Khê Đông, Nghĩa Lập (Phù Khê), Me, Kim Bảng, Mai Động (Hương Mạc), Đa Hội, Trịnh Xá, Trịnh Nguyễn (Châu Khê), Phúc Tinh (Tam Sơn), Tiêu Long, Hồi Quan (Tương Giang)… Các đội Tuồng lần lượt ra đời từ sự quan tâm chăm lo của các cấp chính quyền và nhu cầu về phong trào hưởng ứng xem Tuồng của quần chúng.

Được nuôi dưỡng, trưởng thành và phát triển, có nhiều nơi HTX còn chấm công điểm cho anh em tập luyện, cấp ruộng canh tác cho đội văn nghệ cày cấy xây dựng quỹ… Đêm đêm tiếng Tuồng rộn rã làng quê. Tuồng  diễn vào các ngày hội làng, ngày lễ của địa phương đất nước. Ngày 2-9, ngày bầu cử, ngày hội tòng quân, ngày hội xuống đồng, ngày mừng cơm mới mùa màng bội thu… đều diễn Tuồng. Có những vở diễn đi, diễn lại, khán giả thuộc lòng ấy mà khi diễn vẫn đông người xem.

Với trang bị thô sơ, phục trang, đạo cụ tự sắm, mấy chiếc đèn măng-sông, vài chiếc đèn bão, hoàn toàn hát bộ vậy mà người diễn, người xem đều say mê. Ở thời điểm này nghệ thuật Tuồng thực sự lôi cuốn và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Qua thời gian phát triển rực rỡ, từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước Tuồng dần dần chìm lắng. Nhiều đội Tuồng không còn hoạt động được nữa hoặc có thì cũng chỉ mang tính chất giữ níu. Phần vì do sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật điện ảnh, băng đĩa, tivi, ca nhạc, phần vì các thế hệ đi trước tuổi cao sức yếu, các cụ mất dần tạo khoảng trống trong các đội Tuồng… Đây không phải là thực trạng riêng ở Từ Sơn mà ở các địa phương khác cũng vậy, thậm chí có những nơi hiện nay trắng Tuồng.

Từ chỗ có 30 đội Tuồng hoạt động sôi nổi, đến nay số đội còn hoạt động và gìn giữ được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các đội mạnh và hoạt động đều vẫn là Tuồng Đồng Kỵ 1, 2, Tuồng Tiến Bào, Đa Hội, Tam Lư… Những năm 90 là thời đại của kinh tế thị trường, đời sống của nhân dân được tăng lên rõ rệt. Tỉnh Bắc Ninh được tái lập, ngành văn hoá thông tin được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm nên hoạt động văn hoá có nhiều khởi sắc. Trong đó có sự trỗi dậy của Tuồng. Đoàn Tuồng Tam Lư làm một điển hình.

Tuồng Tam Lư được hình thành trên vùng đất thuần nông, nhân dân có thêm nghề phụ là mộc, nề. Đây cũng là vùng đất có truyền thống hiếu học nên từng có thời nổi danh là đất “Vua Giả”. Tuồng ở Tam Lư có từ thế kỷ 18 với các bậc tiền bối lỗi lạc nổi danh trong vùng và trong cả giới Tuồng Bắc - Trung - Nam. Qua bao thăng trầm chìm nổi, Tuồng Tam Lư có giai đoạn chìm xuống nhưng tình yêu với tuồng thì không bao giờ mất.

Đến năm 1994 đoàn Tuồng Tam Lư được tái lập với các hạt nhân xuất sắc như Thanh Vận, Ngọc Kim, Thu Hương, Tiến Hiện… Đoàn đã chủ động tập luyện các trích đoạn và vở diễn mẫu mực để biểu diễn phục vụ đồng thời tìm tòi khai thác các kịch bản truyền thống, hiện đại… Có số vốn kha khá, đoàn tham gia các hội thi, hội diễn từ khu vực đến toàn quốc và đã đạt nhiều huy chương vàng, bạc các loại. Đặc biệt để góp phần gìn giữ, phát huy vốn cổ, đoàn Tuồng Tam Lư đã liên kết với các đoàn Tuồng Đồng Kỵ, Tuồng Tiến Bào, Đa Hội cùng nhau gìn giữ nghệ thuật Tuồng truyền thống của quê hương.

Nhiều nghệ sĩ Tuồng ở Tam Lư đã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý như nghệ nhân Ba Tuyên, Đắc Nhã, các NSƯT Bích Tần, Xuân Tú, Thanh Vân… các nghệ sĩ này đều là hội viên hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Đặc biệt có gia đình NSƯT Đắc Hán có tới 6 đời nối nghiệp theo nghệ thuật đến ngày nay, gia đình NSƯT Xuân Tú-Thu Hương là duy nhất 2 vợ chồng cùng hoạt động nghệ thuật Tuồng. Đoàn đã tích cực sưu tầm, nghiên cứu trang phụ Tuồng và lập cơ sở cắt may trang phục Tuồng phục vụ cho đoàn và các đoàn bạn. Hiện đoàn cũng đang lưu giữ gần 100 kịch bản Tuồng các thể loại…

Cùng với Tuồng Tam Lư, các đoàn Tuồng khác trên đất Từ Sơn cũng tiếp tục duy trì và phát huy được loại hình nghệ thuật truyền thống này. Mặc dù số lượng ít những hoạt động của các đoàn lại mang tính chuyên nghiệp hơn và vẫn duy trì được lịch diễn đều đặn nhân các ngày lễ, tết, đồng thời qua những lần mang chuông đi đánh xứ người đã đem lại nhiều tiếng vang cho nền nghệ thuật Tuồng quê hương. Những tên Tuồng Đa Hội, Tiến Bào, Đồng Ky, Tam Lư…đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người khi nhắc đến Tuồng Từ Sơn.

Dù các loại hình giải trí có phát triển đến cỡ nào nhưng với những người yêu nghệ thuật Tuồng, đắm đuối với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống - cốt cách của một vùng quê giàu bản sắc văn hiến thì nghệ thuật Tuồng vẫn luôn bùng cháy và có sức âm ỉ mạnh mẽ lan toả như mạch nguồn của văn hoá.

Thu Thủy
Top