khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 17/02/2014 - 16:12

Hội làng Kinh Bắc

Nếu coi Bắc Ninh là một bức tranh văn hóa đặc sắc, đậm đà với những lễ hội truyền thống đặc trưng, phong phú thì “hội làng” của những vùng quê Kinh Bắc chính là những nét chấm phá thú vị khiến cho bức tranh ấy trở nên sống động, tuyệt vời hơn.

Hội làng tuy giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa trong lòng mỗi người

 

 

Hội làng (có nơi gọi là đình đám) như một cái lệ của mỗi vùng quê. Đây là dịp để những người con xa xứ về quê, có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người. Bởi thế dù bận đến mấy, mỗi người đều thu xếp tham dự hội làng mình và coi đó như một niềm tự hào được trở về với nguồn cội. Người ta dẫu có lỗi hẹn với những lễ hội lớn trên khắp mọi miền nhưng chẳng mấy ai quên được cái “ đình đám” của làng mình, bởi ở đó có những nét văn hóa riêng, mang những giá trị tinh thần lớn lao.

Bà Nguyễn Thị Thiện (thị trấn Hồ- Thuận Thành) bộc bạch: “Dù cả gia đình đã định cư ở Hà Nội từ lâu, nhưng mỗi năm đến hội làng, tôi lại đưa con cháu về quê từ rất sớm để tham gia hội, để được gặp mặt đông đủ họ hàng làng xóm, các con, các cháu biết đến gốc gác tổ tiên”.

 Hội làng xứ Kinh Bắc thường được tổ chức vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Nguồn gốc của ngày hội làng trong mỗi địa phương thường khác nhau. Mỗi làng đều có một vị thành hoàng thờ người có công trong việc khai hoang, mở đất, anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế... Những người đó bao giờ cũng được "thánh hóa" trong tâm trí của người dân. Nhân dân tin tưởng những vị thần ấy không chỉ phù hộ cho họ vượt qua những khó khăn, phong ba của đời sống. Chính sự "thiêng" ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong những thời điểm khó khăn, cũng như tạo cho họ những hy vọng vào điều tốt đẹp sẽ đến. Hội làng trở thành dịp để liên kết văn hóa tâm linh của mỗi người với vị thần của làng mình.

Hội làng là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi dân gian. Đình làng là nơi tổ chức các lễ hội, nơi nào hội nhỏ có thể diễn ra trong một ngày, nếu hội lớn có thể diễn ra trong vài ngày.

Lễ hội bao giờ cũng có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần quan trọng biểu thị nhu cầu tâm linh rất lớn, bao gồm các nghi thức tế lễ, lễ rước, dâng hương với các phong thái hết sức chỉn chu và trang trọng, biểu đạt lòng thành kính của mỗi người dân trước vị thành hoàng của làng mình. Ngày chính hội tổ chức lễ tế và lễ rước kiệu thánh thì mỗi người đều dừng hết các công việc thường ngày để tập trung ở đình xem nghi thức này.

Phần hội sôi nổi với các hoạt động vui chơi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đó có thể là những cuộc thi: ví như thi hát quan họ ở hội làng Diềm- TP Bắc Ninh; thi dệt cửi ở Nội Duệ (Tiên Du); hội Chém lợn ở Ném Thượng (Khắc Niệm), thi Kéo co ở Hữu Chấp (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh); trình diễn hoặc đóng những vở kịch, vở chèo ngắn nói về công ơn của các vị thành hoàng làng.  Bên cạnh đó, hội làng miền Kinh Bắc còn đặc sắc bởi luôn hiện hữu của các trò chơi dân gian như: đu quay, đấu vật; kéo co, thi chạy, chọi gà…diễn ra trong một không gian rộng lớn, người chơi không kể là trai gái, giàu nghèo, chỉ cần muốn đều có thể tham gia.

Hội làng trở thành một buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa tập thể. Trong các sinh hoạt chung ấy, mọi người đều tham gia nhiệt tình như một cách để hưởng thụ sau những ngày lao động vất vả, không kể sang hèn. Ở hội làng toát lên một khung cảnh nhộn nhịp, đông đúc nhưng không xô đẩy, không tranh giành, chỉ có những nụ cười rộn ràng, những những lời hỏi thăm giao lưu và một lòng hướng về truyền thống văn hóa của quê hương, dân tộc.

Nguyễn Hoa
Top