khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 21/02/2014 - 09:49

Niềm tin… tiền lẻ

Người ta sẵn sàng bỏ tiền to “mua” tiền nhỏ để đi lễ chùa. Phải chăng vì họ tin rằng với 500 đồng hoặc 1000 đồng đặt trước mặt thần phật là có thể cầu được nhà lầu, xe hơi, công danh, quyền chức, địa vị, bình an, hạnh phúc...?

Ngoài hòm công đức, các nơi thờ tự còn bày rất nhiều khay, đĩa đựng tiền lẻ.

 

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa du xuân, lễ hội là câu chuyện về “văn hóa tiền lẻ” lại nóng lên. Nhìn tiền lẻ vương vãi, rải khắp các chốn thờ tự linh thiêng ai cũng thấy phản cảm, thiếu văn hóa, mất hết sự tôn nghiêm. Thế nhưng, người này làm được thì người kia cũng làm được. Chỉ vài đồng tiền lẻ, chẳng đáng là bao nên bác nông dân, anh xe ôm, chị bán hàng, em sinh viên còn đặt được thì hà cớ gì cán bộ, trí thức lại không làm được. Cứ thế, người nối người nhìn nhau, theo nhau rải tiền lẻ khi đi lễ. Có nhiều người nhất định không chịu bỏ tiền vào hòm công đức nhưng thấy ban thờ nào cũng đặt một tờ tiền lẻ.

Đại bộ phận người dân được hỏi đều cho rằng, mang tiền lẻ đi lễ thì mới đặt hết các ban thờ trong chùa. Từ xưa đến nay đều làm vậy vì đó là văn hóa tín ngưỡng tâm linh, thể hiện lòng thành kính, công đức để nhà chùa mua hương hoa lễ phật chứ đâu phải vì “hối lộ thần thánh” như giới báo chí vẫn nói. Đành rằng là thế nhưng tại sao lại cứ bắt buộc phải đổi tiền lẻ rồi còn rải khắp các ban thờ, bệ tượng, có khi gài vào tay phật, thậm chí ném cả xuống giếng… Nếu đó không phải là việc “hối lộ thần thánh” thì có lẽ là vì phương châm sống “thả con săn sắt, bắt con cá rô” đã ngấm rất sâu và rất lâu trong tư duy mỗi người để rồi người ta đem nó áp dụng cả với thần phật ở những nơi tôn nghiêm. Phải chăng vì họ nghĩ rằng “xé nhỏ” tiền to, chia đều tiền lẻ lên trước mặt các pho tượng phật thì lời cầu nguyện mới có linh ứng hay bởi người ta tin rằng chỉ cần bỏ ra 500, 1000, 2000 đồng là có thể cầu xin thần phật ban phát bình an, hạnh phúc, tài lộc đầy nhà?!

 
Tiền lẻ vẫn rải bừa bãi ở các nơi thờ tự.

 

Bản thân những đồng tiền mệnh giá nhỏ không có tội và chúng ta cũng không miệt thị tiền lẻ nhưng sử dụng nó như thế nào cho văn minh. Đi lễ để cầu nguyện mọi điều tốt đẹp thì đừng nên có những hành động không đẹp, bỏ tiền bừa bãi, coi thường thần linh. Để khắc phục tình trạng tiền lẻ gây ra những phản cảm ở nơi thờ tự, mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương hướng dẫn nhân dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, văn minh. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã có công văn đề nghị Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn nhân dân và du khách tham gia lễ hội sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ hợp lý, đúng mục đích, văn minh, tiết kiệm. Chấn chỉnh không để dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động trong khu vực di tích và lễ hội; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra dịch vụ đổi tiền lẻ, thực hiện nếp sống văn minh trong việc đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, tiền công đức trong các hoạt động văn hóa, lễ hội và tín ngưỡng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.

Đề cập đến vấn đề làm sao để quản lý tốt việc sử dụng tiền lẻ trong các di tích, nơi thờ tự và lễ hội, một cán bộ quản lý văn hóa thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Vì có cầu nên mới có cung. Xưa nay, đã đi chùa lễ phật, cầu may thì ai chẳng cần tiền lẻ. Đó là tâm lý chung, cứ suy từ mình ra còn thế huống gì người dân. Cái gì thuộc về nếp nghĩ, thói quen thì phải dần dần, từng bước chứ không thể bảo cấm là cấm ngay được…

Mùa du xuân, lễ hội đang tiếp diễn và câu chuyện tiền lẻ vẫn chưa hết nóng nhưng đừng ai hỏi tại sao tình trạng tiền lẻ vẫn rải rắc khắp nơi mà hãy hỏi tại sao nhiều người dân lại tin vào sức mạnh của những đồng tiền lẻ đến thế?

Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top