khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 24/02/2014 - 08:53

Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng trong mùa khô, mùa lễ hội

Do thời tiết hanh khô kéo dài, chỉ riêng trong tháng 1-2014 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, gây thiệt hại tới rừng phòng hộ tại các xã Ngọc Xá (Quế Võ); Hoàn Sơn (Tiên Du); đặc biệt, vụ cháy lớn tại phường Vân Dương (thành phố Bắc Ninh) đã khiến một người tử nạn trong quá trình chữa cháy rừng. Điều này cảnh báo các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trong mùa khô, mùa lễ hội, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Công tác quản lý bảo vệ rừng trong mùa khô, mùa lễ hội cần được đề cao cảnh giác.

Trong ảnh: Du khách trẩy hội chùa Phật Tích.

 
 
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, cuối năm 2013 và đầu năm 2014 thời tiết có những diễn biến phức tạp, khô hanh kéo dài, độ ẩm không khí thấp nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng khi bước vào đợt cao điểm mùa khô, mùa lễ hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý kiện toàn Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Thường xuyên kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao như: Vân Dương, Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh); Liên Bão, Hoàn Sơn, Phật Tích (Tiên Du); Song Giang, Đông Cứu (Gia Bình)... Đồng thời, thực hiện các biện pháp PCCCR cho từng đối tượng rừng; xây dựng mới và tu sửa các công trình PCCCR như chòi canh lửa, đường băng cản lửa, hệ thống các bảng, biểu...
Theo ông Lê Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 645ha rừng phòng hộ, cơ bản đã được phủ xanh. Ngay từ đầu mùa khô 2013-2014, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng tới các địa phương, đơn vị chức năng. Đồng thời củng cố và phát triển lực lượng cộng tác viên kiểm lâm, các tổ đội xung kích. Toàn tỉnh có 1 Ban chỉ đạo PCCCR cấp tỉnh; 4 Ban chỉ đạo PCCCR cấp huyện; 17 Ban chỉ đạo PCCCR cấp xã và 45 tổ, đội xung kích PCCCR cấp thôn với tổng số 736 thành viên. Khi xảy ra cháy rừng, các phương tiện, dụng cụ, lực lượng chữa cháy được bảo đảm huy động kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, các cấp và chủ rừng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát tờ rơi phổ biến giáo dục về công tác PCCCR, BVR cho cộng đồng dân cư; tổ chức ký cam kết tại các hộ gia đình sống gần rừng, ven rừng, các em học sinh, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tránh tình trạng coi công tác PCCCR, BVR là việc riêng của lực lượng kiểm lâm.
 

Cộng tác viên kiểm lâm xã Phật Tích (Tiên Du) phát dọn thực bì, tạo cảnh quan môi trường xung quanh khu di tích.

Huyện Tiên Du với lợi thế diện tích đất lâm nghiệp đứng thứ 2 toàn tỉnh với gần 190ha đồi, núi gắn với nhiều di tích lịch sử văn hóa. Với trách nhiệm của mình, chính quyền và người dân địa phương luôn nỗ lực trồng, bảo vệ rừng và đất đồi núi, nhất là từ khi UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển rừng bền vững gắn với di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2011-2015. Theo báo cáo của Trạm kiểm lâm huyện Tiên Du, vào các ngày lễ lớn trong năm như Tết Nguyên đán, Hội Lim, hội chùa Phật Tích... lượng du khách về trẩy hội lớn, có nhiều hành vi đốt vàng mã, vứt những đồ vật dễ cháy bừa bãi, và nguy cơ cháy cao từ những hàng quán bán ở ven đường lên các khu di tích, nên công tác quản lý bảo vệ rừng trong mùa lễ hội luôn được các lực lượng chức năng trên địa bàn đặc biệt đề cao cảnh giác.

Ông Đỗ Quang Tuấn cộng tác viên kiểm lâm xã Phật Tích (Tiên Du) chia sẻ: “Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng nên nhận thức của người dân về lợi ích của rừng gắn với khu di tích lịch sử văn hóa ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã xây dựng kế hoạch, triển khai tới từng thành viên, phân công cán bộ trực luân phiên 24/24 trong những đợt cao điểm mùa khô, mùa lễ hội nên đã hạn chế được các tác động xấu của người dân tới rừng, đất lâm nghiệp; phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh hại rừng, góp phần tạo cảnh quan môi trường xung quanh khu di tích, thu hút khách thập phương tới tham quan”.

Một vấn đề nữa ngành Kiểm lâm cần đặc biệt quan tâm trong việc phòng, chống cháy rừng hiện nay là lớp thực bì ở hầu hết các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đều rất dày, do người dân không còn tận dụng nó để làm chất đốt như nhiều năm trước. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao sự cảnh giác, tuyên truyền sâu rộng tới người dân, ngành cần chú trọng hơn trong công tác phòng chống cháy rừng như phát dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa… Hy vọng với những nỗ lực của đơn vị chức năng, sự phối hợp tích cực của người dân, trong thời gian tới những cánh rừng trên địa bàn tỉnh sẽ luôn xanh tốt, góp phần phát huy các giá trị về môi trường cảnh quan.

Bài, ảnh: Vũ Thắng - Việt Anh
Top