Năm 1945, trong tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sung sướng và quyền tự do”.
Kế thừa Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, Hiến pháp sửa đổi năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 dành một chương để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Trong đó khẳng định: “Mọi người bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Đ 16); “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Đ19); “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào...” (Đ24)...
Bản chất của nhân quyền ở Việt Nam là thực hiện quyền tự do, bình đẳng và phát triển của mọi công dân được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Từ khi dành độc lập đến nay, đặc biệt là qua gần 30 năm đổi mới đã khẳng định điều này. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bị kiệt quệ qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ.
Quyền con người được bảo đảm bằng những chủ trương hợp lòng dân của Đảng, bằng những chính sách và hệ thống pháp luật công bằng, dân chủ của Nhà nước mà mục tiêu là phát triển con người, chăm lo cho con người, cho thế hệ tương lai của đất nước. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao đã đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Các quyền cơ bản của con người như quyền sống, quyền tự do, bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc; quyền của người dân tộc thiểu số, quyền trẻ em, bình đẳng giới, quyền tự do tín ngưỡng; thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần... được thực thi, góp phần ổn định và phát triển đất nước. Việt Nam ngày càng có vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, việc bảo đảm và thực hiện quyền con người được thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những địa bàn dẫn đầu về sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực đã cho thấy tầm nhìn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về quyền con người. Để thực hiện mục tiêu này, những năm gần đây, Bắc Ninh duy trì “3 tập trung”, “5 ưu tiên”: Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; ưu tiên rà soát quy hoạch; đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp, giao thông, đô thị, xây dựng nông thôn mới; xử lý môi trường; giải quyết những vấn đề bức xúc...
Quan điểm của cấp ủy, chính quyền tỉnh là đầu tư cho các chính sách an sinh xã hội tiệm cận với tăng trưởng kinh tế. Bắc Ninh là một trong những địa phương không chỉ dẫn đầu về hiệu quả thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mà còn tiên phong trong chăm lo cho con người.
Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh chỉ còn 3,2% hộ nghèo; là tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hoàn thành xóa nhà cấp 4 xuống cấp cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Một số chính sách, Bắc Ninh đi trước hoặc thực hiện cao hơn mức quy định của Trung ương như: Hỗ trợ dạy và học nghề cho doanh nghiệp, người lao động đi xuất khẩu lao động; chế độ cho nạn nhân chất độc màu da cam; xóa mù lòa cho người nghèo; bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; chế độ cho người cao tuổi, đảng viên 40 năm tuổi Đảng... Quyền và nghĩa vụ công dân được thực thi đầy đủ, trên cơ sở thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bảo đảm sự phát triển cân đối giá trị vật chất và giá trị tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
Thực tiễn con đường phát triển đất nước và của tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, nhà nước trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người. Thành quả ấy được cả thế giới công nhận và tôn vinh.