khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 26/02/2014 - 15:41

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đang trở thành điểm sáng thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn từng ngày đổi mới.

Bãi rác Đồng Ngo quá tải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt người dân quanh khu vực

 

 

Tuy nhiên, sự phát triển đó kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, nhất là vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo số liệu thống kê,  toàn tỉnh mỗi ngày thải ra hơn 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 70% được thu gom từ 500 điểm tập kết tại các thôn, xóm, sau đó vận chuyển về khu xử lý các huyện, thị xã, thành phố. Song thực tế hiện nay các địa phương mới đang trong quá trình đầu tư xây dựng khu xử lý, dẫn đến tình trạng chất thải rắn thu gom tồn đọng tại các điểm tập kết, ô nhiễm nặng nề môi trường xung quanh; chất thải rắn gia tăng nhanh chóng về số lượng, đa dạng thành phần và chưa được phân loại tại nguồn.

Đề án “Phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020” nhằm góp phần định hướng chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu quản lý, tái chế, tái sử dụng, giảm khối lượng phát sinh chất thải rắn và cải thiện môi trường sinh thái.

Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại ngay từ nơi phát sinh tại các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan, trường học, khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Theo đó, nhóm chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng gồm: Giấy loại và các sản phẩm từ giấy; Sắt, thép và các sản phẩm từ kim loại; Nhựa và các sản phẩm từ nhựa. Nhóm chất thải rắn có thể đốt và chôn lấp gồm: Nông, lâm sản thực phẩm; Giấy vụn; Bông, vải sợi; Túi bóng, nilon; Cao su và các sản phẩm từ cao su; Thủy tinh, gốm, sành, sứ; Tro, xỉ. Nhóm chất thải nguy hại áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ: Pin, bình ắc quy, hóa chất, bóng đèn huỳnh quang, giẻ lau dính dầu, dính hóa chất…

Theo quy định, mỗi hộ gia đình, tổ chức, cơ quan, trường học tự trang bị 2 loại thùng lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo từng loại có màu sắc khác nhau đặt tại vị trí thích hợp. Thùng lưu giữ chất thải này phải có nắp đậy, được lót các túi nilon đúng màu (xanh, vàng, đỏ) tương ứng với màu sắc từng thùng và chất thải quy định, dung tích từ 20-30 lít/thùng (với hộ gia đình) và 45-50 lít/thùng (với các cơ quan, đơn vị, trường học).

Lượng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại nguồn sẽ được đơn vị thu gom (xóm, thôn, tổ khu phố) vận chuyển hàng ngày đến điểm tập kết chất thải quy định. Thùng màu xanh lưu giữ chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng, được lưu giữ tại kho và vận chuyển hàng ngày cho đơn vị có chức năng vận chuyển đến cơ sở tái chế. Thùng màu vàng chứa chất thải rắn có thể đốt, chôn lấp và vận chuyển hàng ngày ra điểm tập kết địa phương.

Riêng đối với khu vực công cộng (chợ, bến xe, bến tàu, công viên), mỗi khu vực bố trí 4-6 thùng lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, dung tích 200 lít/thùng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bố trí 3 loại thiết bị lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt, tương ứng 3 nhóm chất thải đã quy định, dung tích 100-200 lít/thùng; Khu vực tập kết chất thải bảo đảm diện tích phù hợp với lượng chất thải phát sinh, có tường bao, mái che, giải pháp phòng chống cháy nổ. Thùng màu đỏ chứa chất thải nguy hại được phân loại, dán nhãn mác theo từng mã quản lý chất thải nguy hại, khu vực lưu giữ tạm thời phải được xây dựng theo đúng quy định Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2014-2015, cấp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Hoàn thành việc chôn lấp hợp vệ sinh (giai đoạn 1) tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ để tiếp nhận chất thải được chuyển từ bãi rác Đồng Ngo (phục vụ cho việc đóng cửa bãi rác Đồng Ngo); Triển khai điểm về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, làm mô hình tham quan và học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng (tại địa bàn thành phố Bắc Ninh và huyện Gia Bình); Đưa nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ (Công ty TNHH môi trường đô thị Hà Ngọc) vào hoạt động trước tháng 7/2014.

Đối với bãi rác Đồng Ngo tiếp tục thực hiện trồng cây xung quanh, trồng cây keo thành nhiều hàng khu vực gần bãi rác, phần tiếp xúc với Quốc lộ 1 và Quốc lộ 18, sử dụng chế phẩm sinh học nhằm hạn chế mùi, phân hủy nhanh chất hữu cơ; đẩy nhanh việc lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực về kỹ thuật, công nghệ và tài chính, ứng trước vốn hoàn thành dự án trong năm 2014, bảo đảm phù hợp điều kiện nguồn vốn ngân sách TƯ hỗ trợ 50%, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác 50%, bố trí theo lộ trình sau năm 2015.

Cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quy trình phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; lập dự án đầu tư xây dựng mặt bằng, nhà xưởng và lắp đặt hệ thống lò đốt rác NFI 05. Với 2 địa phương làm điểm là thành phố Bắc Ninh và huyện Gia Bình sẽ lựa chọn 1 phường/xã thuần nông xây dựng dự án thí điểm, tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo mô hình đô thị/nông thôn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thành lâph Ban quản lý dự án thí điểm triển khai mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Mục tiêu Đề án nhằm phân loại triệt để chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom được 95% lượng chất thải phát sinh tại các tổ chức, cơ quan, trường học, hộ gia đình, cá nhân, khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; xử lý triệt để lượng chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng và phát sinh, bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý dưới 20%.

Gia Bảo
Top