khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 28/02/2014 - 09:19

Khí tiết Nguyễn Cao

LTS: Festival Bắc Ninh lần thứ 2 với chủ đề “Hào khí Kinh Bắc-Bắc Ninh” với ý nghĩa tôn vinh nền văn hiến và khơi dậy niềm tự hào dân tộc về một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, khoa bảng. Tìm hiểu cội nguồn hào khí Kinh Bắc-Bắc Ninh không thể không nhắc đến những danh nhân văn hóa, anh hùng hào kiệt của quê hương mà tên tuổi, sự nghiệp được lưu danh trong sử vàng dân tộc qua suốt ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Đền thờ Nguyễn Cao ở làng Cách Bi, xã Cách Bi, huyện Quế Võ đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994.

 
 
Trước thềm festival Bắc Ninh 2014, Báo Bắc Ninh giới thiệu một số nhân vật, sự kiện tiêu biểu được lịch sử khắc ghi như những biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất để thấy rằng tinh thần, hào khí Kinh Bắc-Bắc Ninh đã được lớp lớp cha ông hun đúc, kết tinh và trao truyền. Quan trọng hơn, hào khí ngàn năm Kinh Bắc sẽ còn tiếp tục được các thế hệ người dân Bắc Ninh tôn vinh, bồi đắp và tỏa sáng muôn đời.

Cách đây 177 năm tại làng Cách Bi tổng Bồng Lai, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ), một người con đã được sinh ra mà sau này tên tuổi của ông gắn liền với giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc. Người con ưu tú ấy chính là danh nhân Nguyễn Cao-niềm tự hào của quê hương Bắc Ninh - một thủ lĩnh xuất sắc nhất của phong trào Cần vương kháng Pháp ở Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX.

Nguyễn Cao (1837-1887), hiệu Trác Phong, Trác Hiên, Cách Pha, ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, dòng dõi võ quan nhưng sớm chịu nhiều mất mát, thiệt thòi vì lên ba tuổi đã mồ côi cha, bốn tuổi mồ côi mẹ, mọi sự nuôi dưỡng đều nhờ bà ngoại. Lớn lên, Nguyễn Cao đau lòng phải chứng kiến đất nước bị giặc Pháp giày xéo. Một tuổi thơ dữ dội cùng với những biến chuyển của thời cuộc đã thôi thúc Nguyễn Cao rèn luyện ý chí kiên cường, vượt lên hoàn cảnh sống với hy vọng mang tài trí và tâm huyết của mình giúp dân cứu nước.

Thông minh lại ham học nên Nguyễn Cao đã thi đậu Giải Nguyên khoa thi Hương năm Đinh Mão (1867) tại trường thi Thăng Long. Đỗ cử nhân nhưng Nguyễn Cao không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Vào năm 1873 khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất, Nguyễn Cao đã lãnh đạo nhân dân Bắc Ninh đứng lên đánh Pháp, giải phóng một vùng rộng lớn nhưng triều đình nhà Nguyễn đã ký hòa ước với Pháp và ông lại cáo bệnh về quê dạy học.

Khi bọn phỉ Tàu tràn sang các tỉnh phía Bắc và một số huyện miền núi của Bắc Giang, chúng tiến hành các cuộc cướp phá, giết chóc nhân dân thảm khốc và lúc này, Nguyễn Cao lại tham gia tổ chức các cuộc đánh dẹp bọn phỉ Tàu. Sau đó, triều đình giao ông giữ chức Tri huyện Yên Dũng rồi Tri phủ Lạng Giang. Ông xin triều đình cho đi khai khẩn đồn điền ở Nhã Nam, Phú Bình giúp dân và để chờ thời cơ tổ chức kháng Pháp.

Đến năm 1882, khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, Nguyễn Cao đã kịp thời đứng lên kêu gọi nhân dân, tập hợp lực lượng, nghĩa binh đứng dậy chống Pháp. Giai đoạn này, địa bàn hoạt động vũ trang của Nguyễn Cao trải rộng khắp phạm vi ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên với phong trào “tam tỉnh nghĩa đoàn” là minh chứng sống động cho thấy sự phối hợp chiến đấu của Nguyễn Cao với các phong trào yêu nước trong khu vực.

Trong một trận tấn công lớn ở Gia Lâm, Nguyễn Cao bị thương nặng nhưng vẫn giữ vị trí của người chỉ huy, nêu một tấm gương chiến đấu dũng cảm, quên mình cho nghĩa sỹ noi theo. Vua Nguyễn ban cho ông 20 lạng bạc để chữa lành vết thương nhưng ông đã dùng số tiền đó để in bộ sách thuốc quý của Hải Thượng Lãn Ông để giúp dân chữa bệnh.

Đặc biệt, sự kiện ngày 21-3-1887, trong một trận đánh ở Kim Giang (nay thuộc Ứng Hòa, thành phố Hà Nội), Nguyễn Cao đã bị thực dân Pháp bắt. Bọn giặc tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc song ông đều cự tuyệt. Với khí tiết của một sỹ phu yêu nước, ông đã tự rạch bụng, moi ruột, hỏi đối phương “Ruột gan tao đây, bay xem có khúc nào phản thì bảo”. Giặc vẫn tìm mọi cách chạy chữa nhưng ông cự tuyệt và chọn cái chết để giữ tròn khí tiết.

Về sự kiện Nguyễn Cao tuẫn tiết, Phan Bội Châu trong Việt Nam Vong Quốc Sử” có viết rằng: “Năm Tự Đức thứ 35, Pháp lấy thành Hà Nội, Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn. Bấy giờ, giải Nguyên Bắc Ninh là Nguyễn Cao tụ đảng hơn nghìn người mưu lấy lại tỉnh thành, bị quân Pháp bắt được, ông tự mổ bụng, không chết lại tự vẫn cắn lưỡi mà chết, có người nghĩa sỹ viếng: “Rất mực tài hoa, rất mực hùng/ Liều mình vì nước tự thung dung/ Tấc thề trời đất lòng phơi trắng/ Răng nghiến non sông lưỡi nhuốm hồng. Nguyễn Cao chết, quân Pháp lấy làm hận vì chưa tự tay giết được, liền chặt đầu đem bêu”.

Tên tuổi Nguyễn Cao không chỉ được ghi vào từ điển các nhân vật lịch sử văn hóa Việt Nam mà còn được lưu giữ sâu sắc trong tâm thức dân gian, đặc biệt là nhân dân Bắc Ninh. Tại cuộc hội thảo về Nguyễn Cao và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo, TS Trần Đình Luyện đã khẳng định: “Nguyễn Cao sống một cuộc đời ngắn ngủi 50 năm song sự nghiệp của ông là một tấm gương sáng cho các thế hệ. Ông thực sự là một nhà nho uyên thâm, giàu lòng yêu nước, một vị quan nhất mực thanh liêm, yêu thương dân chúng với những việc làm có lợi cho dân cho nước, một nhà giáo mẫu mực góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước và nổi lên là một thủ lĩnh của phong trào chống Pháp”.

Bắc Ninh không chỉ là quê hương mà còn gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Cao. Ông đã cống hiến tài năng và sức lực, tâm huyết của mình đối với miền quê này, từ việc mở trường dạy học đào tạo nhân tài rồi đem tài năng giúp dân giúp nước, chiêu mộ nghĩa binh, chỉ huy trận đánh chống thực dân Pháp xâm lược và còn giúp dân khai hoang, lập ấp phát triển kinh tế… Vì vậy, Nguyễn Cao đã để lại trong tâm thức nhân dân Bắc Ninh nhiều kỷ niệm sâu sắc về gia đình, cuộc đời và sự nghiệp với những truyền tích, giai thoại cùng những tín ngưỡng tâm linh phong phú. Được biết, hiện cả nước có hơn 100 làng thờ danh nhân Nguyễn Cao, trong đó có 6 làng ở Bắc Giang đã tôn thờ Nguyễn Cao là Thành Hoàng.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top