khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 04/03/2014 - 09:07

Âm vang dòng Như Nguyệt

Một trong những trận thủy chiến vang dội, hào hùng nhất đã diễn ra trên mảnh đất Bắc Ninh là cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Tống của quân dân nhà Lý ở thế kỷ XI.

Theo sử sách, đoạn sông Như Nguyệt mà Lý Thường Kiệt chọn lựa xây dựng phòng tuyến trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược (1075 - 1077) có nhiều chỗ núi ăn sát bờ sông, rừng cây có mật độ dày đặc với đồng trũng, ruộng lầy kéo dài hơn 10 km đường đê qua các xã Tam Giang, Tam Đa huyện Yên Phong đến Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Chiến lũy được Lý Thường Kiệt chỉ huy xây dựng bằng đất có đóng cọc tre dày mấy tầng làm dậu. Dưới bãi sông được bố trí các hố chông ngầm tạo thành một phòng tuyến rất vững chắc. Quân của nhà Lý đóng thành từng trại trên suốt chiến tuyến mà quan trọng nhất là ba trại ở Như Nguyệt, Thị Cầu, Phấn Động.
 

Bến đò Như Nguyệt (xã Tam Giang, Yên Phong)-nơi ghi dấu chiến công lừng lẫy của dân tộc Việt Nam trong lịch sử chống xâm lược phương Bắc.

 

Nhờ địa thế hiểm yếu này mà chỉ sau 5 tháng, quân dân nhà Lý dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã chặn đứng 10 vạn quân xâm lược nhà Tống. Đây là chiến thắng lớn nhất và là trận chiến ác liệt nhất kể từ sau trận Bạch Đằng năm 938 của dân tộc trong việc chống quân xâm lược phương Bắc. Chiến thắng này đã đánh dấu sự thành công về nghệ thuật chiến tranh phòng thủ và chủ động tấn công của danh tướng Lý Thường Kiệt trước một đối thủ mạnh hơn nhiều lần.

Cũng như Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Ngọc Hồi Đống Đa, chiến thắng Như Nguyệt mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Như Nguyệt đã đi vào lịch sử dân tộc bằng một chiến công sáng rực truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của dân tộc và cho thấy tinh thần đoàn kết quyết tâm chiến đấu và niềm tin tưởng vững chắc của một dân tộc đang ở khí thế vươn lên mạnh mẽ.

Trong khí thế chiến đấu sôi sục ấy, bài thơ bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt đã ra đời: “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định mệnh tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Truyền rằng, bài thơ đã xuất hiện vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến nhằm động viên, cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Bài thơ đã khẳng định quyền độc lập tự chủ thiêng liêng của Tổ quốc, cảnh cáo nghiêm khắc mọi kẻ thù xâm lược và nói lên quyết tâm sắt đá của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Bài thơ đã đi vào lịch sử quang vinh của dân tộc như một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Hôm nay, đi dọc đê sông Cầu thấy âm vang chiến thắng Như Nguyệt như còn dậy sóng. Dù có trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng chiến thắng lừng lẫy năm xưa vẫn hiển hiện cụ thể qua từng địa danh, di tích, đền thờ, lưu giữ bằng những tên gọi: đồng Mã Tấu, đồng Bờ Xác, cầu Gạo, điếm Trung Quân, đồng Dinh, bến Gốm, cửa Ngò, đền Xà… Gần 40 di tích trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đã được lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Người đời vẫn luôn tôn vinh chiến công triều Lý như một biểu tượng của kỳ tích huy hoàng trong sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Những lễ hội dân gian truyền thống được người dân các làng ven sông Cầu lưu truyền từ đời này sang đời khác như một cách giáo dục lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam muôn đời ghi nhớ truyền thống hào hùng, anh dũng của ông cha. Sắp tới, trong dịp festival Bắc Ninh diễn ra vào trung tuần tháng Ba, trên dòng sông cầu hiền hòa, ăm ắp lịch sử này cũng sẽ diễn ra hội thi bơi chải truyền thống với ý nghĩa ôn lại chiến công vang dội và khí thế hào hùng của ông cha.

Thời gian qua đi, bãi bể đã hóa nương dâu, dấu tích phai mờ nhưng có lẽ trong tâm hồn mỗi người Việt ai chẳng có một bến sông quê chở bao hạt phù sa lấp lánh của quá khứ hào hùng. Và sông Như Nguyệt-bến sông từng làm quân xâm lược kinh hồn bạt vía còn ghi đậm trí tuệ của người Việt sẽ chảy mênh mang giữa lòng quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc và dân tộc Việt Nam đến muôn đời.

Kính mời độc giả đón đọc bài 3: Bến Bình Than và Hào khí Đông A

Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top