khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 06/03/2014 - 08:33

Thuận Thành phát triển công nghiệp-TTCN

Thực hiện chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ngành nghề công nghiệp-TTCN và làng nghề truyền thống, những năm qua các doanh nghiệp và hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực này trên địa bàn huyện Thuận Thành đã không ngừng phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Công ty Cổ phần thời trang quốc tế Thuận Thành là 1 trong 5 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động trong năm 2013 góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện.

Ảnh chụp: Sản phẩm hoàn thiện chuẩn bị xuất xưởng.

 
 
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Công ty TNHH Nhật Linh (cụm công nghiệp Thanh Khương) chuyên sản xuất các linh kiện điện luôn là doanh nghiệp đứng đầu về doanh thu và nộp ngân sách của huyện. Chỉ tính 2 năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với khó khăn, thách thức như sản xuất kinh doanh đình trệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn hẹp, gia tăng lượng hàng tồn kho... nhưng doanh thu của Nhật Linh vẫn đạt từ 620-725 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 280 người. Cũng như Nhật Linh, nhiều Công ty khác trên địa bàn huyện đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc của mình. Trong khó khăn, vẫn năng động, sáng tạo, chủ động chuyển hướng sản xuất, tìm bước đi phù hợp… để duy trì và phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và người lao động như Công ty Ngũ Long (cụm công nghiệp Xuân Lâm) chuyên sản xuất nhựa nilon.

Trong năm 2013 đơn vị đạt doanh thu 52,6 tỷ đồng, tăng 4,2 tỷ đồng so năm 2012 và tạo việc làm ổn định cho hơn 90 lao động. Công ty TNHH thực phẩm Farina (cụm công nghiệp Hà Mãn-Trí Quả) doanh thu 9,1 tỷ đồng, tăng 1,6 tỷ đồng so năm 2012 và tạo việc làm ổn định cho 50 lao động… Không chỉ có những doanh nghiệp vượt khó vươn lên mà còn xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện như Công ty Cổ phần Sông Đáy - Hồng Hà dầu khí, Công ty  Bắc  Hải, Công ty thời trang quốc tế Thuận Thành…

Cùng với phát triển công nghiệp, TTCN, làng nghề cũng được duy trì phát triển ổn định, trong đó phải kể đến làng nghề truyền thống đậu phụ Trà Lâm (Trí Quả). Toàn thôn có hơn 500 hộ với hơn 2.100 nhân khẩu thì có 70 - 80% số hộ làm đậu phụ, trung bình tiêu thụ 10 tấn đỗ/ngày (tương đương khoảng 35.000 - 40.000 bìa đậu đôi). Trong đó, nhiều hộ làm quy mô lớn kết hợp với chăn nuôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đắc Thêu, Nguyễn Đình Đức, Phạm Thành Đua…

Theo thống kê, đến nay Thuận Thành có 56 doanh nghiệp, thu hút hơn 5.000 lao động cùng với gần 4.000 hộ sản xuất cá thể tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động tập trung nhiều ở các làng nghề truyền thống như: Nem Bùi (Ninh Xá), đậu phụ Trà Lâm (Trí Quả), đúc đồng Đào Viên (Nguyệt Đức) và mây tre đan làng Cả (Song Hồ). Hoạt động của các doanh nghiệp, hộ gia đình đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đăng Quản, Phó Trưởng Phòng Công Thương huyện thì công nghiệp - TTCN của Thuận Thành những năm qua có sự phát triển đáng khích lệ, trong đó nhiều ngành nghề có triển vọng như: May công nghiệp, làm đậu phụ Trà Lâm, nem Bùi Ninh Xá… Tuy nhiên, xét về quy mô thì các ngành, nghề của địa phương vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đa dạng và phong phú nên giá trị kinh tế chưa thực sự cao.

Một số doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng, chưa có chiều sâu, chưa có chiến lược hoạt động lâu dài, ít quan tâm đến xây dựng, củng cố thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường chưa được quan tâm đúng mức. Trang thiết bị, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, trình độ cán bộ, tay nghề lao động thấp. Việc đào tạo nghề, phát triển đội ngũ công nhân lành nghề, nghệ nhân phục vụ cho việc phát triển làng nghề còn chưa đáp ứng yêu cầu. Sự liên doanh, liên kết giữa các hộ gia đình trong các làng nghề còn thấp...

Để công nghiệp - TTCN của huyện thực sự phát triển, mang tính bền vững thì việc quan trọng nhất là phải gắn đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, đồng thời bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế, chiến lược kinh doanh sản xuất cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, giúp họ tiếp cận với thị trường, tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao và có tầm nhìn rộng hơn về lĩnh vực công nghiệp - TTCN...

Bài, ảnh: Thanh Ngân
Top