khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 07/03/2014 - 10:17

Tập trung cao độ gieo cấy lúa xuân

Thời vụ thích hợp cho việc gieo cấy lúa xuân đã gần kết thúc nhưng tiến độ gieo cấy lúa xuân của tỉnh, nhất là tại một số làng nghề chậm hơn so thời vụ. Vì vậy trong những ngày sắp tới, khi thời tiết ấm dần lên, nông dân cần tranh thủ thời gian chủ động đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy hết diện tích lúa xuân càng nhanh càng tốt.

Theo ông Vũ Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, sản xuất vụ xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, rét đậm, rét hại kéo dài, nguồn nước các triền sông ngày càng cạn kiệt,  làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa xuân. Mặc dù đã có sự chủ động, tích cực trong chỉ đạo và quyết tâm, nỗ lực của nông dân, tuy nhiên do thời tiết liên tục rét đậm, rét hại đúng cao điểm thời vụ làm chậm tiến độ gieo cấy lúa của nông dân các địa phương.

Theo kế hoạch, khung thời vụ thích hợp nhất để gieo cấy lúa xuân năm nay sẽ kết thúc trước ngày 5-3, thời gian chậm nhất cho phép gieo cấy lúa kết thúc trước ngày 10-3, tuy nhiên theo báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 4-3, toàn tỉnh mới gieo cấy được khoảng 32.000 ha, đạt gần 89% diện tích kế hoạch, trong đó hơn 5.400 ha gieo thẳng. Cơ bản diện tích lúa đã gieo cấy sinh trưởng, phát triển tốt, tuy nhiên một số diện tích lúa gieo thẳng vào thời kỳ đầu tháng 2 bị ảnh hưởng bởi các đợt rét đậm, rét hại nên sinh trưởng, phát triển chậm lại, một số diện tích bị chết cục bộ làm giảm mật độ khoảng 15-20%.

Những diện tích lúa gieo cấy trước ngày 5-3 dự kiến trỗ bông tập trung từ ngày 10 đến ngày 25-5 (là thời điểm thích hợp, an toàn nhất để lúa trỗ bông) còn đối với những diện tích lúa gieo cấy sau ngày 5-3 dự kiến trỗ bông sau ngày 20-5 rất dễ gặp các yếu tố bất lợi như: Gió Tây nam khô nóng ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn, phơi màu, làm hạt dẫn đến tỷ lệ hạt lép cao, giảm năng suất lúa; Ngoài ra đây cũng là giai đoạn sâu đục thân hai chấm lứa 2 phát sinh gây hại mạnh nếu không được phòng trừ kịp thời.

Do thời vụ thích hợp đã gần kết thúc, trong khi tiến độ gieo cấy lúa tại một số địa phương, nhất là tại các khu vực có làng nghề còn chậm hơn so yêu cầu thời vụ. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch gieo cấy, bảo đảm cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề cho năng suất, sản lượng, trong thời gian tới các cấp, ngành, địa phương chỉ đạo nông dân tập trung cao đẩy nhanh tiến độ làm đất, cấy lúa càng sớm càng tốt. Áp dụng biện pháp xúc mạ, nhổ mạ không đập giúp lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đồng thời cấy nhỏ dảnh để tiết kiệm mạ, bón lót đủ lượng phân chuồng, lân, kali và đạm u rê trước khi cấy, trong đó bón đạm sâu, bón lân đều trên mặt ruộng để kích thích rễ phát triển nhanh, lúa không bị chết rét khi gặp rét đậm, rét hại.

Đối với diện tích lúa mới cấy, giữ nước trong ruộng từ 2- 3 cm, bón thúc sớm, đầy đủ, cân đối N.P.K sau khi lúa bén rễ hồi xanh để lúa đẻ nhánh sớm, tập trung nhằm tăng số dảnh hữu hiệu góp phần tăng năng suất lúa. Đối với diện tích lúa gieo thẳng, phun thuốc trừ cỏ đúng kỹ thuật, điều chỉnh mức nước trong ruộng hợp lý, không để bị khô mặt ruộng hoặc ngập sâu ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của lúa non, tỉa dặm kịp thời với diện tích bị chết cục bộ để bảo đảm mật độ, bón thúc sớm, tập trung để lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Chủ động trữ nước trên các kênh chìm, ao hồ, bảo đảm có đủ nước tưới dưỡng, đồng thời chủ động phương án phòng, chống úng cuối vụ. Thường xuyên thăm đồng kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh hại để chủ động phòng, trừ kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của chuyên ngành bảo vệ thực vật.

Nguyễn Tuấn
Top