khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Chủ nhật, 09/03/2014 - 15:25

Người đẹp Kinh Bắc tìm về với những giá trị truyền thống

Trong tiết trời mùa xuân hơi se lạnh, hòa trong dòng người khắp muôn phương, các người đẹp Kinh Bắc đã có những ngày trải nghiệm thực tế thú vị, mang đậm màu sắc, không gian văn hóa truyền thống tại các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống của quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh như Chùa Bút Tháp, khu di tích lịch sử Đền thờ và lăng Kinh Dương Vương, Làng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành), Làng gốm Phù Lãng (Quế Võ), Đền Đô (thị xã Từ Sơn)…

Các người đẹp Kinh Bắc nghe nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nói chuyện về tranh Đông Hồ.

 
 
Với mục đích đề cao các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, cũng như qua đó khắc họa, tôn vinh nét đẹp, giá trị truyền thống của người phụ nữ quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh, lộ trình vòng thi chung khảo Cuộc thi “Người đẹp Kinh Bắc-2014” đã được Ban Tổ chức xây dựng kế hoạch, đánh giá, lựa chọn kỹ lưỡng. Mỗi điểm đến đều là một trải nghiệm ý nghĩa để các người đẹp khám phá, tìm hiểu, cũng như lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó. Đi dọc triền đê sông Đuống ‘nằm nghiêng nghiêng” đến xã Đình Tổ (Thuận Thành) các người đẹp Kinh Bắc có dịp khám phá nét đẹp rêu phong cổ kính của ngôi chùa nổi tiếng Bút Tháp. Đây là một trong những ngôi chùa có quy mô lớn của vùng Bắc Bộ, với kiến trúc độc đáo, phong cảnh hữu tình. Trong chùa còn lưu giữ rất nhiều cổ vật như bia đá, lô nhang, am thờ, án giao, các pho tượng… Tại chùa Bút Tháp, các người đẹp đã tham gia chụp ảnh, trình diễn trang phục áo dài dân tộc.
Em Lê Thị Thu, quê ở tỉnh Lạng Sơn, đang là sinh viên của Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, em đã được gia đình kể cho nghe về chùa Bút Tháp, nhưng đây là lần đầu tiên em được vãn cảnh, tham quan mới thấy được vẻ đẹp trầm mặc nguyên sơ hấp dẫn của ngôi chùa. Những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn còn cho đến ngày nay, với giá trị nghệ thuật cao”. Tại khu di tích lịch sử Đền thờ và lăng Kinh Dương Vương, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) các người đẹp đã dâng hương, tưởng nhớ và tri ân vị Thủy tổ của người Việt để hiểu rõ them về nguồn cội, từ đó nhân thêm niềm tự hào về truyền thống của quê hương Kinh Bắc.
 

Trình diễn trang phục quan họ tại Đền Đô.

 

Rời phía bên kia sông Đuống, các thí sinh tiếp tục trải nghiệm, cảm nhận các giá trị lịch sử, văn hóa của Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn). Tại đây, các người đẹp đã được tìm hiểu về một triều đại hào hùng có công dời kinh đô về Thăng Long tạo nên một nước Đại Việt sáng mãi ngàn năm. Nguồn gốc, các hiện vật quý giá còn lưu giữ ở nơi đây cũng đã mang lại cho các thí sinh những kiến thức và niềm thích thú về một vùng văn hóa với biết bao truyền thống.

Chia sẻ về những cảm nhận sau trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa, thí sinh Nguyễn Thị Tươi, giáo viên Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận xét “Về miền Quan họ, được tham dự những chuyến đi như vậy đã giúp em cảm nhận được không gian sinh hoạt, cuộc sống của người xứ Kinh Bắc xưa, cũng như hiểu sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, nhân văn, sự tài hoa, công lao đóng góp cho quê hương đất nước của các thế hệ đi trước. Đó chính là nguồn sử liệu, bài học sâu sắc mà mỗi bạn trẻ cần có ý thức giữ gìn và phát huy trong cuộc sống hôm nay”.
 

Làm duyên với gốm Phù Lãng.

 

Bắc Ninh không chỉ là vùng quê văn hiến giàu truyền thống, người dân nơi đây còn cần cù, nhạy bén trong phát triển kinh tế, với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trong cả nước. Tại làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm Phù Lãng, các người đẹp Kinh Bắc đã tham quan,tìm hiểu, trực tiếp được các nghệ nhân, người thợ của 2 làng nghề giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển, sáng tạo giá trị nghệ thuật trên các tác phẩm. Tại làng tranh dân gian Đông Hồ, với sự hướng dẫn của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, các người đẹp như được tắm mình trong không gian nghệ thuật của người xưa với cách làm tranh thủ công đặc biệt, với các chất liệu dân gian như đá đỏ, vỏ điệp, tro của lá tre, hoa cây hòe, lá cây tràm… để cảm nhận được sâu sắc nhất câu thơ mà Hoàng Cầm đã viết: “Tranh Đông Hồ gà, lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.  Ở làng gốm Phù Lãng, các thí sinh lại bị hút hồn bởi màu sắc, kiểu dáng mộc mạc (màu men da lươn) chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ bình dị, như lắng đọng tình người trong đất.

Em Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia tâm sự “Em rất vinh dự khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Phù Lãng nơi có nghề làm gốm cổ. Qua thời gian, không những không bị mất đi mà còn ngày càng phát triển. Đặc biệt đã có nhiều bạn trẻ đam mê, đưa các sản phẩm gốm đi khắp các địa phương cả trong và ngoài nước. Tham gia Cuộc thi “Người đẹp Kinh Bắc-2014” là cơ hội để em quảng bá, tuyên truyền những giá trị, vẻ đẹp đặc trưng của gốm Phù Lãng với bạn bè, du khách thập phương. Đó cũng là một biện pháp để lưu giữ, giúp nghề làm gốm lâu đời của quê hương không bị mai một”.

Bài, ảnh: Dương Hoàn- Xuân Me
Top