khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 17/03/2014 - 08:56

“Ngôi nhà chung” của các nhà khoa học

Thành lập năm 2011, đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bắc Ninh (gọi tắt là Liên hiệp Hội) quy tụ được gần 180.000 hội viên và là đầu mối quy tụ đội ngũ trí thức, chuyên gia, các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh. Ngôi nhà trí thức chung này dần trở thành cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách và nhà khoa học vì sự phát triển chung của tỉnh.

Liên hiệp Hội Bắc Ninh xác định công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB&GĐXH ) là một nhiệm vụ quan trọng. Trong những năm qua, Liên hiệp Hội phối hợp với 10 hội thành viên là Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Kiến trúc sư, Xây dựng, Cầu đường, Khuyến học, Đông y, Châm cứu, Sinh vật cảnh, Làm vườn, Nhà báo tích cực tham gia góp ý vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án lớn của tỉnh như: Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của BCH Đảng bộ tỉnh; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết số 27 về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh (đề cương chi tiết đồ án Quy hoạch đô thị lõi Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng xây dựng Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 2020); Quy hoạch chi tiết trục đường H (thành phố Bắc Ninh); Quy hoạch tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Chùa Dạm,…

Các ý kiến đóng góp đều dựa trên những luận cứ thuyết phục thông qua tranh luận khoa học, vì vậy, tính khách quan, độc lập được đảm bảo… Kết quả tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội đã được UBND tỉnh đánh giá cao, các đơn vị được tư vấn chấp nhận để chỉnh sửa, bổ sung vào dự án, quy hoạch.

Tuy nhiên, do mới được thành lập, tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên hoạt động TV, PB&GĐXH  của Liên hiệp Hội còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Vương Văn Điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội, trong Quyết định 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hình thức hoạt động TV, PB&GĐXH của Liên hiệp Hội và các Hội thành viên là do các cơ quan, đơn vị đặt yêu cầu hoặc tự Liên hiệp Hội đề xuất đối với các đề án quan tâm. Tuy nhiên, nhìn nhận của cá nhân, tổ chức về vai trò của Liên hiệp Hội còn rất hạn chế, nhiều đơn vị không biết đến vai trò của Liên hiệp Hội hoặc e ngại với sự tham gia của các ý kiến tư vấn, phản biện khoa học độc lập.

Trong số các chương trình, dự án của tỉnh, mới chỉ có quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh được UBND tỉnh giao đích danh cho Liên hiệp Hội lấy ý kiến đóng góp, các chương trình, đề án còn lại đều đề xuất yêu cầu tư vấn, phản biện một cách tự phát, vì vậy, Liên hiệp Hội không phát huy được sự chủ động thực hiện các nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, kinh phí để mời các chuyên gia trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế hầu như không có, dẫn đến việc lấy ý kiến các nhà khoa học chuyên sâu còn hạn chế.

Để khắc phục những khó khăn trước mắt và thực hiện nhiệm vụ TV, PB&GĐXH  được giao, Liên hiệp Hội đã tổ chức các hội thảo, khởi xướng các diễn đàn sôi nổi, đa dạng hơn về lĩnh vực hoạt động để thu hút được sự quan tâm, gia nhập của nhiều hội trong tỉnh. Điều thuận lợi là Liên Hiệp Hội đã nhận được sự phối hợp tích cực của đội ngũ trí thức giàu kinh nghiệm, tâm huyết với công tác khoa học và sẵn lòng đóng góp ý kiến. Ông Nguyễn Bá Lạc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho biết: “Chúng tôi là những người hoạt động chuyên môn lâu năm, rất mong muốn được cống hiến trí tuệ của mình cho sự phát triển của tỉnh nhà. Điều chúng tôi cần là một cơ chế ổn định tạo điều kiện để những chuyên gia, trí thức có điều kiện sinh hoạt khoa học một cách bài bản và hệ thống hơn”

Được biết, Liên hiệp Hội Bắc Ninh đã chủ động đề xuất đăng ký đề án với tỉnh ban hành “Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT Bắc Ninh”. Trước đó, vào ngày 14-2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định mới về phạm vi hoạt động của Liên hiệp Hội, trong đó, các đề án, chương trình, trọng tâm cần TV, PB&GĐXH được quy định một cách rõ ràng, cụ thể và mở rộng hơn so với Quyết định năm 2002. Hy vọng đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để Liên hiệp Hội phát huy tốt vai trò của mình, để đội ngũ các nhà khoa học được tham gia đóng góp trí tuệ của mình vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương và đất nước.

Quy hoạch tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Chùa Dạm là một trong những dự án thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học.

Huyền Thương
Top