khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 17/03/2014 - 13:26

Ngăm Lương làm giàu bằng “nghề phụ”

Vốn được coi như một nghề phụ nhằm kiếm thêm thu nhập những ngày nông nhàn, nhưng giờ đây nghề may công nghiệp ở thôn Ngăm Lương xã Lãng Ngâm (Gia Bình) tạo ra bước tiến kinh tế đáng kể, làm nên diện mạo mới, khang trang cho vùng quê này.

Nghề may thu hút nhiều lứa tuổi tham gia

 

 

Đi trên con đường bê tông trải dài hàng chục km dọc thôn Ngăm Lương do chính những người dân trong thôn góp tiền xây dựng đâu đâu ta cũng có thể nghe thấy tiếng máy may xình xịch, tiếng cắt vải, cắt chỉ tanh tách, tiếng cười nói râm ran. Ông Nguyễn Bá Tiến, trưởng thôn Ngăm Lương nhớ lại: Nghề may có ở làng từ những năm 90 nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh khoảng vài năm nay. Khi ấy cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn, nghề nông khéo làm lắm cũng chỉ đủ ăn, kinh tế không thể phát triển. Một số người phải bỏ quê vào Nam làm thuê kiếm sống chủ yếu đi làm may thuê, sau khi có kinh nghiệm họ trở về làng, tìm mối và bắt tay làm nghề may.

 

Ban đầu, đây chỉ là nghề phụ của một số hộ gia đình khi kết thúc mùa vụ với các sản phẩm may đơn giản như găng tay, khẩu trang, gia công sản phẩm may mặc là quần áo cho trẻ em. Do ít kinh nghiệm, chất lượng và mẫu mã chưa phong phú, đa dạng nên chưa nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số người tâm huyết và quyết tâm phát triển nghề đã không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, tìm kiếm thêm những mẫu mã mới, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt, giá cả phải chăng nên ngày càng nhận được nhiều đơn hàng. Các hộ may ở thôn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm quần áo trẻ em (cả quần áo mùa hè và mùa đông). Do đa dạng về hình thức, mẫu mã chất liệu vải bền đẹp hơn, trên mỗi sản phẩm có những đường thêu, trang trí, họa tiết bắt mắt, tạo được thiện cảm cũng như sự ủng hộ của khách hàng gần xa. Nhận thấy đây là nghề có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân tự học hỏi kinh nghiệm nhân rộng nghề may ra khắp thôn.

 

Giờ đây thôn Ngăm Lương có một diện mạo mới khang trang và giàu có

 

Toàn thôn Ngăm Lương có khoảng hơn 600 hộ thì có tới 80 % số hộ làm nghề may công nghiệp. Hộ ít cũng có vài ba máy, những hộ nhiều có thể lên đến hai chục máy khâu, vắt sổ và máy thêu tự động. Nghề may không quá khó nên thu hút được mọi lứa tuổi. Một số công đoạn đòi hỏi kỹ thuật như cắt vải, vắt sổ, may những đường phức tạp, thêu các họa tiết khó… thì cần những thợ có tay nghề và kinh nghiệm, còn những công đoạn cắt chỉ, gấp, đóng gói sản phẩm thì cả người già và trẻ em đều có thể làm được. Chính vì vậy đã tận dụng tối đa lao động trong thôn, tạo công ăn việc làm và mức thu nhập ổn định từ 1,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Anh Nguyễn Văn Phòng, chủ một cơ sở may cho biết: “Gia đình tôi có khoảng chục máy may, vắt sổ. Khi cao điểm mỗi ngày làm được vài trăm bộ quần áo chủ yếu là quần áo cho trẻ em. Trừ chi phí, số tiền lãi mỗi tháng khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm cho 5 nhân công”.

 

Sự chuyên môn hóa tại các cơ sở may của Ngăm Lương ngày càng được thể hiện rõ nét: Giờ đây, mỗi gia đình, cơ sở chịu trách nhiệm một khâu như chuyên cắt may, vắt sổ, in, thêu…khiến sản phẩm có chất lượng và đảm bảo hơn. Các sản phẩm may của làng giờ đây mở rộng ra nhiều thị trường lớn ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang… “Nhờ vào nghề may mà đời sống của người dân Ngăm Lương cải thiện rõ rệt, mọi người chăm chỉ làm ăn, số hộ nghèo giảm mạnh, nhiều gia đình có của ăn của để, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhân dân tập trung làm đường bê tông hóa, các công trình nhà thể thao, đình chùa được xây dựng khang trang, tệ nạn xã hội không phát sinh”. Ông Tiến tự hào nói thêm.

 

Dưới sự phát triển mạnh mẽ của nghề may và nhận thấy những lợi ích kinh tế cao mà nghề này đem lại, một số người dân tại các thôn lân cận như An Quang, Môn Quảng… đang học hỏi và xây dựng cơ sở tại nhà. Bởi vậy, nghề may cần được chính quyền địa phương quan tâm và đầu tư đúng mức, nhằm như tạo hướng phát triển bền vững. 

Nguyễn Hoa
Top