khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 20/03/2014 - 08:12

Hội Lim - Đôi điều suy ngẫm

Cứ vào dịp 13 tháng giêng âm lịch hàng năm, du khách từ mọi miền đất nước lại trảy hội Lim chơi xuân để được thả hồn vào những sinh hoạt văn hóa Quan họ, tham gia sáng tạo và hưởng thụ những giá trị của di sản văn hóa đặc đáo này.

Hát đối đáp Quan họ ở Hội Lim.

 

Mỗi dịp hội qua đi đã để lại những dư âm tốt lành để phát huy và những băn khoăn về một vài hiện tượng cần khắc phục để hội sau vui hơn, tốt đẹp hơn. Trong khuôn khổ bài báo nhỏ, người viết bài này đề cập đôi điều suy ngẫm về một vài hiện tượng ở hội Lim mà du khách băn khoăn.

Quan họ hát hội

Kế thừa lễ hội truyền thống, bước đầu hội Lim dựng đôi ba lán hát Quan họ trên đồi, dần lên tới mươi lán để phục vụ du khách tụ hội thưởng thức ca hát Quan họ. Song sau mỗi dịp hội Lim, trên phương tiện thông tin đại chúng lại có ý kiến phê phán về việc hát Quan họ trên đồi đã dùng trang âm khuyếch đại, phát ra âm thanh giữa các lán va đập vào nhau tạo ra sự ồn ào, hỗn độn, khiến du khách không thể cảm nhận cái hay, vẻ đẹp như những giá trị vốn có của ca hát Quan họ truyền thống, nên đã xem việc ca hát như vậy là “Quan họ loa đài”.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, có dịp các lán hát hội không sử dụng trang âm. Sau do sự nhộn nhịp, đông vui trong không gian hội, du khách ngồi ngay trong lán vẫn không nghe rõ lời ca Quan họ, nhiều người đã đề nghị nên có trang âm trong lán hát. Đáp ứng nguyện vọng của du khách, Ban tổ chức hội Lim quyết định cho sử dụng trang âm trong lán hát, nhưng mở triết áp chỉ đủ để du khách trong lán nghe rõ lời ca của liền anh liền chị, hạn chế sự va đập âm thanh giữa các lán, giảm đi tiếng ồn không cần thiết trong không gian hội.

Thực chất dựng lán hát Quan họ thì lán ấy đích là sân khấu nhỏ trên đồi, đáp ứng nhu cầu xem ca hát Quan họ của du khách, không phải hình thức “hát vui” trong hát hội truyền thống, mất đi bóng dáng liền anh, liền chị dập dìu vui ca bên những rặng cây xanh trên đồi, để phóng tầm mắt ngắm nhìn không gian mênh mông và tiếp nhận tiết xuân trong sự giao hòa của đất trời- nét độc đáo của hát hội miền Quan họ. Mặt khác, làn gió kinh tế thị trường hẳn cũng ùa vào lán hát, không thể hàm chứa giá trị đích thực của Quan họ hát hội truyền thống.

 

 

Vật truyền thống ở Hội Lim.

 

Tìm hiểu cội nguồn Hát hội, chúng ta thấy ở hội có hai hình thức ca hát: Hát thi và hát vui. Hát thi hoặc còn gọi là hát giải. Không phải làng nào đó có lệ hàng năm đến hội là có hát giải, mà những năm được mùa làng mở hội to, dài ngày, Quan họ trong làng xin dân cho mời Quan họ các nơi về hát giải thì năm ấy, có thể có hát giải trong hội. Hát vui, hội nào cũng có nhiều bọn Quan họ kéo đến dự hội.

Hội Lim, có những năm đông vui, hàng trăm bọn Quan họ của cả vùng kéo về dự hội, dập dìu  cùng nhau ca hát trên đồi. Có nhiều bọn đã từng đi hát hội nhiều năm, có bọn lần đầu tiên được liền anh liền chị dẫn đi hát hội vừa để thành thạo, mạnh dạn hơn về ca hát, vừa để tìm bọn khác giới, khác làng để kết bạn. Hình thức chủ yếu hát ở hội là “Hát vui đôi câu để vui xuân, vui hội, vui bầu, vui bạn”. Có thể bọn Quan họ nam nữ đã kết bạn hẹn nhau đến hội hát cùng nhau để “mở rộng đường đi, lối lại, học đòi đôi lối, đôi câu”. Cũng có thể bọn liền anh liền chị dẫn bọn liền em của mình đi hội lần đầu để tìm bọn liền em Quan họ khác cho “các em gần bến gần thuyền… theo đòi cho kịp anh, kịp em…”.

Cũng có thể cặp anh Hai, anh Ba, hoặc cặp chị Ba, chị Tư có giọng hát hay, nổi tiếng nhiều bài lạ, mới thì bọn Quan họ khác cũng “đánh đường” tìm đến, xin được hát đôi câu để “tai nghe giọng ca, mắt nhìn thấy mặt” cho thỏa nỗi ước mong.

Như vậy, hình thức “Hát vui” không chỉ thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ giá trị ca hát, mà còn thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của các bọn Quan họ.

Quan họ hát thuyền

Tìm hiểu về hình thức hát dưới thuyền, cho thấy làng mở hội chuẩn bị sẵn hai thuyền thúng, có người chèo lái. Hát thuyền thường ở ao, hồ, sông trước cửa đình. Từng cặp bọn Quan họ kết bạn rủ nhau xuống. Bọn nam ngồi một thuyền, bọn nữ ngồi một thuyền. Hai thuyền chèo song song, đôi bên ngoảnh mặt vào nhau ca hát. Kế thừa hình thức hát dưới thuyền, hội Lim hàng năm đều tổ chức hát ở ao cửa đình do nhóm Quan họ nam nữ ngồi trên chiếc thuyền rồng trang hoàng rực rỡ ca hát, khi bồng bềnh giữa ao, lúc lượn sát bờ khiến du khách gần đó hưng phấn đem tiền trao tặng, liền chị ngả nón đón nhận. Hiện tượng đó bị phê phán là Quan họ ngửa nón đón tiền hoặc Quan họ ngửa nón xin tiền. Có lẽ ý kiến này thái quá.

Người xưa xem hát, đôi lúc phường hát phải ngừng diễn để người xem thướng tiền động viên phường diễn cho hay, cho giỏi. Mới đây, hội chùa làng Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, Câu lạc bộ chèo Ngăm Lương diễn “chiếu chèo sân chùa”, trước chiếu diễn có mâm gạo đặt trên ghế nhựa, đôi lúc các nghệ sĩ làng quê phải ngừng diễn để thông báo người xem thướng tiền, rồi cài tiền thướng vào gạo trên mâm. Như vậy, xét đến cùng việc thướng tiền còn là nhu cầu của người xem khi được hưởng thụ các giá trị nghệ thuật.

Thay lời kết

 Quá trình phân tích trên nhận thấy có thể dành một khu đồi thích hợp để tổ chức hình thức “Hát vui” cho các nhóm Quan họ nam nữ dưới dạng “Bảo tàng sống” như ý tưởng của cố Trưởng ty Văn hóa Lê Hồng Dương. Và tổ chức hát canh Quan họ ở nhiều gia đình trong các làng khu vực hội để thỏa mãn nhóm đối tượng có nhu cầu thưởng thức hát canh và hình thức “Hát vui” truyền thống.

Đáp ứng nhu cầu du khách thưởng thức ca hát Quan họ, cần bố trí sân khấu nhỏ tại hội trường hoặc phòng họp các cơ quan, đơn vị khu vực hội, để liền anh liền chị biểu diễn phục vụ. Không dựng lán hát trên đồi, vì dựng lán sẽ thu hẹp không gian hội. Và như vậy, sẽ xóa đi điều miệng tiếng “Quan họ loa đài”.

Xem hát Quan họ dưới thuyền, việc tặng tiền là nhu cầu, là một ứng xử văn hóa của người xem khi được hưởng thụ lời ca tiếng hát trong bồng bềnh sóng nước, không hề ảnh hưởng tới liền anh, liền chị. Song cần có hình thức tiếp nhận tiền tặng một cách tinh tế.

Thiết nghĩ nhận dạng từng hình thức ca hát Quan họ truyền thống, để kế thừa, tổ chức phục vụ đúng đối tượng và chọn lựa hình thức giao tiếp thích hợp sẽ làm nên một hội Lim phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức, hay hơn, đẹp hơn những giá trị vốn có của văn hóa hội Lim.

Thượng Luyến
Top