khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 20/03/2014 - 08:15

“Trưởng thôn” và vệ sĩ

Cứ theo cách gọi của lính thì đảo là làng. Nghe gần gũi và thân thiết. Làng! Thực ra đó là một ngôi nhà đồ sộ như pháo đài được xây dựng trên một đảo chìm. Người ở xa đến đều sẽ thấy, ở đây bộ đội sống như trong một gia đình.

Thiếu tá, đảo trưởng Hoàng Văn Phúc là anh Hai, sau gắn thêm cái danh “trưởng thôn” vào. “Anh Hai trưởng thôn”, nghe như đã gặp đâu đó ở làng. Tinh mơ mỗi sáng, “trưởng thôn” cho báo thức, bắt đầu chế độ trong ngày. Bộ đội tập thể dục trên cầu tàu, tiếng hô vang động, lan tỏa trên mặt sóng. Cứ như thế cho đến một hôm, trong lúc tưới rau, Út Hải cười rất lém:

- Báo cáo trưởng thôn, mọi chế độ chúng em xin chấp hành. Làm tốt. Riêng cái thể dục buổi sáng anh cho tự nghiên cứu rồi báo cáo anh sau.

- Ố ồ! - Phúc tròn mắt: Chú Út định báo cáo thế nào?

- Thì anh cứ chấm cho em khỏe là được chứ gì.

Rõ là đang tuổi ăn tuổi ngủ.

- Nghe chú nói, anh lại nhớ ngày bé ở nhà, sợ nhất là mẹ gọi dậy học sáng. Mắt cứ díp vào.

Út Hải cầm ca nước giội đại lên đám rau xanh:

- Thế mà sáng nào anh cũng khua bọn em từ mờ đất. Mà em nói anh Hai, ở nhà mẹ gọi còn oằn oài chán rồi mới dậy. Còn ở đây, “toét” một cái là a lê - dậy!

- Quân lệnh như sơn - Phúc nói rồi đưa tay nhấc lấy cái ca trong tay Hải: Chú đưa anh. Chú có biết tưới rau thế nào vừa tiết kiệm nước mà rau lại tốt không?

Hai Phúc vớt nước trong ca vẩy lên từng chiếc lá, nâng niu như người ta tắm bé sơ sinh.

- Đây là kiểu tưới đã có thương hiệu ở đảo chìm. Tiết kiệm nước mà rau lại tốt.

Đưa ca cho Hải, Phúc ra góc vườn, nơi đặt mấy thùng nước giải. Một lát quay lại, anh bảo:

- Pha thêm nước giải vào mà tưới. Rau ưa nước giải.

Như chị cả trong nhà, Phúc quán xuyến và chỉ bảo đàn em mọi việc. Nhiều khi nhìn đám thanh niên gộc, Phúc nghĩ, giá ở nhà với mẹ chắc chiều đi đá bóng, rồi la cà bia bọt, chuyện tào lao chán rồi về, kệ mẹ giục đi tắm và thay quần áo cho mẹ giặt. Mẹ sẽ mắng: rõ đoảng, ngữ này rồi ế mất. Mẹ sẽ không lo con mẹ ế đâu. Thì cứ nhìn cái cách họ tổ chức cuộc sống ở đây, như Phúc thường nói:

- Anh em ta kém cái giàu sang, hơn cái đàng hoàng. Sống, phải đàng hoàng!

Họ sống đàng hoàng thật. Từ cái chăn chiếu giường nằm, giá treo áo mũ, giá để giày dép trong phòng ở, đến cách trang trí sắp xếp trên hội trường, bếp nuôi quân đều gọn gàng, ngăn nắp. Tất thảy toát lên một tinh thần kỷ luật và quy củ.

- Thời nào cũng vậy. - Phúc nói trong một buổi thông tin thời sự cho làng - Anh nói với các em, thời nào cũng vậy, quân có mạnh nước mới vững. Quân mạnh là quân tinh, quân được năng rèn và có kỷ luật. Bác dạy rồi, người trước súng sau. Ba cái thằng xã hội đen nói là trên đời này không có gì là không mua được bằng tiền. Nói thế là tầm bậy. Anh nói với các em, có những cái không phải cứ có tiền là mua được. Sự chấp hành điều lệnh, tính kỷ luật, tinh thần sẵn sàng chiến đấu có ở người lính bắt đầu từ ý thức, được nhân lên trong rèn luyện và cao nhất là sự tự rèn. Cái đó tiền có mua được không?

*

*      *

Một lần, “trưởng thôn” Phúc đi tuần tra trên biển, nhìn thấy xa xa, một vật đen lập lờ trong sóng nước. Qua ống nhòm, anh biết đó là một cây gỗ đang trôi nổi. Phúc bỗng giật mình, hình như có gì cử động trên khúc gỗ. Xuồng thận trọng tiếp cận mục tiêu.

- Trời, con chó! - “Trưởng thôn” Phúc kêu lên, sửng sốt.

Một con vàng có xoáy, toàn thân sũng nước đang lả đi vì đói rét và kiệt sức. Nó nằm xoài, bốn chân ôm khúc gỗ. Mắt nhắm nghiền, nhưng xuồng đến thì hé mở và khẽ động đậy cái đuôi. Sự sống ở nơi dù rất mong manh, vẫn không chịu buông rời. Việc trước tiên là phải đưa nạn nhân về cấp cứu. Con Vàng bị thương một bên chân. Nó đau và yếu lắm. Quân y sĩ rửa vết thương và rịt thuốc. Út Hải khui hộp sữa. Phúc dặn cho ăn ít và nhiều bữa. Con Vàng ăn, Phúc nhìn trong mắt nó có nước. Nó cảm động trước ân nhân. Con Vàng bình phục rất nhanh. Mấy hôm sau nó đã tỉnh táo và khỏe khoắn. Cái chân đau co lên, nó nhảy cà nhắc, gặp ai cũng ngoáy đuôi. Đâu ba bốn hôm sau cái ngày gặp gỡ, Phúc đang ngồi xem vết thương cho con Vàng thì Hải tới.

- Út xem này, mau thiệt. Sắp khỏi nghe - Phúc chỉ vết thương con Vàng đang liền miệng, giọng phấn chấn.

Hải ngồi xuống, đưa bàn tay vuốt nhẹ lên cái mũi ươn ướt của con Vàng. Lại ngoáy đuôi.

- Tại anh siêng quá. Mà anh Hai định đặt tên gì cho nó chứ?

- Chú đặt thử coi.

Vốn là fan hâm mộ môn thể thao vua, Hải nói luôn:

- Mét-xi, có được không?

- Mét-xi? Gọi thế người ta kiện.

- Con lạy thầy. Thầy lạc hậu. Nước ngoài người ta thường lấy tên thần tượng để đặt tên cho con hay các con vật trong nhà. Đấy là cách để tỏ lòng hâm mộ. Mét-xi number one. Con Vàng đến được đây không theo cách thông thường. Nó là number one. Theo em cứ gọi nó là Mét-xi.

*

*      *

Đã thành lệ, dù biển yên hay động, đêm nào Phúc cũng trở dậy một đôi lần. Lặng lẽ và kín đáo, theo con đường dẫn ra các vị trí tác chiến, Phúc đi kiểm tra làng một lượt. Dù đêm tối, Phúc vẫn thuộc như lòng bàn tay từng bậc đá, từng vệt rêu trơn. Nhưng thích nhất vẫn là đêm trăng sáng. Trăng làm vạn vật đẹp lên. Gió hiu hiu. Trăng rắc bụi vàng. Ban đầu thưa và nhạt, rồi đậm hơn, rồi biển như vàng chảy. Vệt vàng chảy đến chân đảo thì lặn mất vào những con sóng róc rách trườn bờ. Út Hải sẽ lại mang cây ghi-ta ra ngồi bên tấm bia chủ quyền. Rồi tiếng đàn réo rắt cất lên. Thật lãng mạn.

Đêm nay, trời không trăng. Bốn bề yên tĩnh. Đêm ở biển, bầu trời như cao hơn. Muôn vàn tinh tú như con mắt của trời, li ti lấp lánh. Chúng tỏa  vào không gian làn sáng dịu nhẹ như tơ chỉ đủ soi màn đêm lên màu bàng bạc. Bỗng đâu bập bùng tiếng ghi-ta và tiếng hát: “Anh đứng trên cầu đợi em… Nước chảy… Kìa em, anh đợi em”. Út Hải hát thiết tha như giục như mời. Em ở đâu xa chắc không máy mắt cũng hắt hơi.

Trời có gió.

Út Hải đã thôi đàn hát lâu rồi. Phúc đi vòng một lượt, rồi trở về ngồi trong một góc kín đáo. Mét-xi nằm bên cạnh, tai dỏng cao. Sau khi lành vết thương, nó quấn Phúc như quấn mẹ. Cả làng đều kêu nó là vệ sĩ của anh Hai. Phúc bắt đầu dạy nó. Mét-xi thông minh. Nó học nhanh, nhưng phải cái hay sao nhãng. Học cũng như đi mãi mà thành đường mòn. Phúc dạy kiên trì như cô dạy trò tập tô chữ. Bây giờ thì Mét-xi đã là đầu đàn ở làng đảo, rất thành thạo trong việc tìm đồ vật, săn đuổi cá cho mắc lưới và canh gác.

Những vì sao xa xôi, về khuya càng lấp lánh. Mỗi người đều có một sao giữ mệnh, ngày bé Phúc nghe ông nội nói vậy. Thảo nào, rõ là đầy trời mà sao có giống nhau đâu, cũng như ở cái làng đảo này mỗi người một tính một tướng. Sự khác nhau bổ sung cho nhau và lại tạo thành một chất lượng mới. Nó cho họ tồn tại kiên cường và gan góc giữa biển khơi. Ở biển không đếm mùa lá rụng mà đếm mùa giông bão. Nhưng sự nhòm ngó của ngoại biên thì không kể mùa và vô vàn kiểu cách. Phúc không nhớ đã bao lần các anh phát hiện hay cấp trên thông báo có vi phạm của tàu nước ngoài và các anh đã cảnh báo và xua đuổi. Làng đảo không bỏ qua mỗi cơn áp thấp ngay khi nó mới hình thành ở phía đông Phi-lip-pin. Họ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của nó và chủ động đối phó. Phúc cũng không nhớ đã bao lần các anh đối mặt với cơn thịnh nộ của đại dương.

Gió thổi lạnh. Mây giăng. Trời tối đen.

Tiếng cá quẫy như người lội.

Phúc ném viên sỏi xuống mép nước. Lập tức, Met-xi đứng lên, khẽ sủa. Bầy chó xồ ra. Mét-xi dẫn tất cả đi tuần quanh làng đảo.

Tháng 2 năm 2014

Truyện ngắn của Lê khanh
Top