khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 21/03/2014 - 09:12

Đình Ngô Nội - Kiến trúc nghệ thuật đặc sắc

Ngô Nội xưa gọi là Ngô Xá, là một trong 7 làng Chờ thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong. Ngày nay làng Ngô Nội nằm phía Bắc xã Trung Nghĩa và sát tỉnh lộ 286. Đình làng Ngô Nội tọa lạc trên khu đất cao giữa làng, hướng Đông Nam. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc phản ánh đậm nét về bề dày lịch sử văn hóa của làng xã nơi đây.

Đình có khuôn viên rộng, góc bên trái còn cây thị hơn 500 tuổi (năm 2011 được vinh danh là cây di sản Việt Nam) phía sau là chùa làng, bên tả là đường liên xã còn hai mặt là khu dân cư. Nghệ thuật kiến trúc cùng với các tư liệu Hán nôm và các di vật cổ trong di tích cho thấy đình Ngô Nội có niên đại khởi dựng vào thời Lê (thế kỷ XVI). Thời gian trôi đi cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhưng ngôi đình vẫn sừng sững uy nghi cùng với bao thế hệ con người Ngô Nội.

Mặc dù sự nguyên vẹn ban đầu không còn do dấu ấn của nhiều lần tu sửa, nhưng đình Ngô Nội vẫn có thể sánh với các ngôi đình nổi tiếng ở xứ Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp đình bị phá hủy một số công trình để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, chỉ còn giữ lại được tòa Đại đình 5 gian 2 chái và Hậu cung 3 gian. Năm 2005 dân làng xây dựng lại tòa Tiền tế chồng diêm 5 gian 2 trái, phía trước toà Tiền tế dựng 2 dãy nhà tảo mạc, mỗi nhà 3 gian. Đình hiện nay có bình đồ kiến trúc kiểu “Tiền chữ nhị, hậu chữ đinh” với nối kết cấu kiến trúc cổ truyền mái đao cong, bờ nóc, bờ dải trang trí hình tượng con vật linh cách điệu. Bộ khung gỗ lim, liên kết với nhau bởi hệ thống 6 hàng cột dọc, 8 hàng cột ngang to khỏe vững chắc là cơ sở cho sự trường tồn của ngôi đình.

Nghệ thuật chạm khắc trang trí ở đây tập trung chủ yếu ở tòa Đại đình, các bức cốn, đầu dư, xà dọc, xà ngang, bức cửa võng... Trên các bức cốn hình tượng người được thể hiện khá sinh động, các thiếu nữ đang vờn mây cưỡi rồng múa hát cùng các linh thú. Bức chạm kể câu chuyện tình yêu nam nữ tâm tinh dưới ánh trăng bên giếng làng. Bên cạnh đó có chàng trai đang nấp bên cây đa, tay cầm ống thổi, đan bằng đất sét để trêu đôi trai gái. Đây là những hình tượng nghệ thuật dân gian mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bức cửa võng chia làm 5 tầng chạm thủng, chạm nổi các đề tài “tứ linh” “tứ quý” sơn son thếp vàng lọng lẫy. Tầng trên cùng là một tấm ván chạy suốt chiều dài gian giữa chạm đôi rồng chầu mặt trời đang tỏa sáng. Thân của mỗi con uốn lượn đều đặn đang ẩn mình trong những đám mây bay. Tầng 2 phía trên chạm hình sóng nước, giữa chia làm 9 ô trong đó có 4 ô to đều nhau ở giữa có dòng Hán “Thánh cung vạn tuế”, phía dưới chạm đôi rồng chầu mặt trời. Tầng 3 là tầng chính của bức cửa võng gồm nhiều phần, phần trên cùng là diềm chạm mấy, lá cách điệu, cánh sen và các con tiện nhỏ. Trung tâm của phần này được chia ra làm 7 khoang tạo thành 3 khám. Trụ các khoang và thành cửa khám chạm lọng hình tùng, cúc, trúc, mai, phượng rùa. Trước cửa khám giữa có hai con sấu ngồi hai bên quay mặt vào nhau và có hai con hạc cưỡi rùa ở hai sườn cửa khám ngoài với tư thế cũng quay vào giữa chầu nhau qua cửa khám. Đôi hạc này được đặt lên một lan can con tiện của cửa võng. Bên trong cùng của các khám là các ô được trang trí hình long mã rất sinh động, mỗi con một vẻ khác nhau không đơn điệu lạnh lùng mà luôn có vẻ rất riêng. Tầng 4 gồm các phần nhỏ, mỗi phần được chạm khắc một kiểu thức khác nhau hoa văn mây mác, chữ triện... Tầng dưới cùng cửa võng tạo thành diềm của chiếc của cấm, diềm trên chính giữa chạm đầu hổ phù nhìn chính diện trông rất trang nghiêm, diềm 2 bên chạm các con vật linh, hoa lá, ở phía dưới chạm đầm sen tượng trưng cho sự thanh cao, tinh khiết. 

Tương đương với quy mô và giá trị di tích là các tài liệu hiện vật cổ phong phú, giá trị nghệ thuật, lịch sử cao. Ở hầu hết các gian đình đều gắn các bức hoành phi, câu đối, 2 hương án gỗ niên đại thời Lê - Nguyễn, mõ gỗ hình cá. Các tài liệu Hán Nôm ở đình Ngô Nội gồm: một bản thần tích do Đông Các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm 1572, ghi chép về vị thành hoàng được thờ ở đình là “Quý Minh đại vương”; 53 đạo sắc phong thần do các đời vua Lê và Nguyễn ban tặng, sắc sớm nhất vào năm 1555 sắc có niên đại muộn nhất vào năm 1924. Đặc biệt đình còn bức đại tự “Trung nghĩa dân” do vua Lê ban cho làng năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744).

Đình làng Ngô Nội thờ thành hoàng là Quý Minh đại vương. Tương truyền thần là con lạc long quân, có công đánh giặc thời Hùng vương, giúp dân diệt trừ tai họa, hoạn nạn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội truyền thống của đình làng Ngô Nội được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng hàng năm. Trong những ngày hội, bên cạnh những nghi thức tế thánh trang nghiêm là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, cờ người, chọi gà, hát tuồng… thu hút đông đảo nhân dân địa phương về cội nguồn, củng cố tính đoàn kết làng xã và tham gia vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.Với những giá trị cơ bản trên, đình làng Ngô Nội được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật - Quyết định số 51/2001/QĐ - BVHTT ngày 27-12-2001.

Kiều Thị Thơm
Top