Tại cuộc thi KH- KT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014, trong không gian của khoa học kỹ thuật hiện đại tiếng trống trường lại được vang lên trầm ấm khi nhóm học sinh trường THCS Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình trình diễn dự án sáng tạo. Dự án này đã được Ban tổ chức trao giải nhì của cuộc thi.
Dự án sáng tạo “Máy đánh trống trường tự động” dự thi ở lĩnh vực kỹ thuật điện và cơ khí, do nhóm 3 em học sinh lớp 9 là: Vũ Mạnh Khải, Nguyễn Sỹ Thái, Trần Văn Linh thực hiện, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Vũ Huy Linh-giáo viên dạy Vật lý của trường. Em Vũ Mạnh Khải-đại diện nhóm sáng tạo chia sẻ: “Xuất phát từ đợt tuyên truyền, phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật của nhà trường. Với suy nghĩ khoa học phải phục vụ cuộc sống, cần sử dụng những kiến thức học được của các môn học trong nhà trường để sáng tạo ra những sáng chế có thể giải quyết những yêu cầu, những khó khăn của cuộc sống thực tế.
Với những học sinh trung học cơ sở môi trường xung quanh của chúng em chính là trường, là lớp học, là bạn bè, thày cô… và không thể thiếu đó là tiếng trống trường. Đánh trống trường là công việc nhẹ nhàng và dễ thực hiện nên thực tế trong các trường hiện nay công việc này thường được giao cho bác bảo vệ trường học. Tuy nhiên việc đánh trống trường lại đòi hỏi độ chính xác để không làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của các lớp học. Đồng thời trong một buổi học chỉ đánh trống khoảng 10 đến 12 lần nhưng vẫn phải cần công làm việc của một bác bảo vệ trực - điều này gây lãng phí sức lao động.
Xuất phát từ suy nghĩ trên chúng em đã nảy ra ý tưởng chế tạo một máy đánh trống tự động có thể thay thế một phần công việc của các bác bảo vệ. Không mất công chờ đợi để đánh trống, các bác có thể tập trung dành thời gian nhiều hơn vào các công việc khác để phục vụ tốt hơn cho nhà trường”.
Sau khi có ý tưởng, vấn đề đặt ra là chế tạo máy như thế nào để thực hiện được các yêu cầu: sử dụng được dùi trống tác dụng lực vào mặt trống, lực phải đủ mạnh để tạo ra âm thanh đủ nghe, máy có thể đánh được 1 tiếng, 3 tiếng, 6 tiếng, 9 tiếng. Đồng thời khoảng cách thời gian gõ giữa các tiếng và lực gõ phải đảm bảo đúng nhịp và giống với thực tế do người gõ nhất. Ngoài ra máy phải có khả năng tự vận hành theo thời gian ra vào lớp của buổi học và kì thi.
Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy giáo, nhóm của Khải đã lựa chọn giải pháp tốt nhất và phù hợp nhất đó là: Sử dụng dùi trống như thực tế người đánh trống (trong quá trình đánh dùi trống nằm song song với mặt trống khi tiếp xúc). Dùng cơ cấu đòn bẩy kết hợp lực đàn hồi. Dùng động cơ điện tạo ra lực phát động. Dùng bánh buli tròn trên đó có gắn 3 cần đánh trống (khi cho động cơ quay 1/3 vòng thì tạo ra 1 tiếng trống, 1 vòng thì tạo ra 3 tiếng trống, 2 vòng thì tạo ra 6 tiếng trống, 3 vòng thì tạo ra 9 tiếng trống). Đồng thời sử dụng công tắc hẹn giờ giống như ở các biển quảng cáo) để máy phải có khả năng tự quay đúng số vòng cần thiết và vận hành theo thời gian ra vào lớp của buổi học.
Sau một thời gian thực hiện, lắp đặt, nhóm đã tiến hành chạy thử hệ thống với nhiều tình huống khác nhau: Với công tắc hẹn giờ do đã tìm hiểu kĩ và chọn được công tắc đúng theo yêu cầu nên không phải thay thế lần nào. Với động cơ điện nhóm đã phải thử 4 động cơ khác nhau với tốc độ quay khác nhau và công suất khác nhau. Đặc biệt là cơ cấu truyền lực gồm bánh buli có gắn cần đánh trống và hệ thống dùi trống nhóm đã phải thử nghiệm đến hàng chục lần khác nhau mới tìm ra cách hiệu quả nhất như sản phẩm hiện tại. Thiết kế và chế tạo thành công máy đánh trống trường tự động có thể đánh được tất cả các loại tiếng trống: 1 tiếng, 3 tiếng, 6 tiếng và 9 tiếng, đảm bảo phục vụ tốt cho việc đánh trống báo hiệu đầu giờ học, giờ vào lớp và giờ ra chơi cho tất cả các giờ học trong buổi học và cho các kì thi đến độ chính xác theo đơn vị giây. Máy cài đặt một lần dùng một tuần, một tháng, một kì và có thể cho cả năm học.
Hơn nữa, nếu sản phẩm của dự án được triển khai sẽ giúp giải phóng sức lao động. Với chi phí sản xuất một máy đánh trống tự động chỉ khoảng 5 triệu đồng, trong khi đó tính bình quân hiện nay các trường cần chi trả 30.000đ/ngày cho việc đánh trống báo thì với 34 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong huyện nếu được triển khai sử dụng máy đánh trống trường tự động thì mỗi năm học hệ thống máy này sẽ giúp tiết kiệm khoảng 250 triệu đồng.
Sau khi tham gia cuộc thi cấp tỉnh, đầu tháng 3 vừa qua, khi tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2014 khu vực phía Bắc tại thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), dự án “Máy đánh trống trường tự động” lại đạt được giải khuyến khích và là một trong 5 dự án được Trường Đại học khoa học tự nhiên-Đại học quốc gia Hà Nội trao phần thưởng khích lệ. Một niềm vui lớn nữa đến với nhóm sáng tạo, Ban giám hiệu trường THCS Lê Văn Thịnh sẽ ứng dụng máy đánh trống tự động vào thực tiễn nhà trường. Và hi vọng trong thời gian tới, sản phẩm này cũng được sử dụng rộng rãi trong các trường, để dù ở thời đại của công nghệ thì tiếng trống trường truyền thống vẫn vang mãi trong tâm thức các thế hệ học sinh Việt