Trạm bơm Kênh Vàng (Lương Tài) phục vụ nước tưới dưỡng cho lúa xuân.
Có thể khẳng định với sự chỉ đạo tích cực từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt của ngành Nông nghiệp, việc gieo cấy lúa xuân năm nay đã diễn ra trong đúng khung thời vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp do thời tiết âm u, ít nắng, nhiệt độ thấp đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, khả năng đẻ nhánh của lúa, thời tiết âm u cũng là nguyên nhân dẫn đến một số diện tích lúa bị bệnh nghẹt rễ sinh lý và bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại. Vì vậy, để lúa xuân sinh trưởng, phát triển thuận lợi thời gian tới, các địa phương, HTX cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị thủy nông bơm trữ nước vào các kênh chìm, ao, hồ để bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng cho lúa sau cấy, nhất là giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông.
Cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại trà, giống lúa, bám sát diễn biến thời tiết để có biện pháp chăm sóc phù hợp, trong đó lưu ý tiến hành bón thúc sớm, đủ lượng, cân đối N.P.K cho diện tích lúa cấy muộn. Bón nuôi đòng đầy đủ trước khi trỗ 20-25 ngày để lúa phân hóa đòng, trỗ bông thuận lợi, tập trung làm cỏ sục bùn để hạn chế các bệnh nghẹt rễ sinh lý. Với diện tích lúa gieo thẳng, điều chỉnh mức nước trong ruộng hợp lý, không để bị khô mặt ruộng hoặc ngập sâu ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa non, khi cây lúa 4-5 lá tiến hành tỉa dặm để bảo đảm mật độ, bón thúc kịp thời để lúa sinh trưởng tốt. Ngoài ra, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đánh giá mức độ phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh trong đó đặc biệt lưu ý: Bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu đục thân 2 chấm và rầy các loại… để có biện pháp phòng, trừ kịp thời theo nguyên tắc 4 đúng, bảo đảm cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề đạt năng suất, sản lượng cao.