Chuẩn bị cá giống tại HTX Thủy sản
Cán bộ Chi cục Thủy sản kiểm tra mô hình nuôi thương phẩm một số loài cá có giá trị kinh tế cao trên sông Đuống tại xã Mão Điền (Thuận Thành).
Về công tác quản lý con giống thủy sản, ngay từ đầu vụ các ngành chức năng đã phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm dịch, vệ sinh thú y tại tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn, khuyến khích các cơ sở áp dụng quy tắc quản lý trại tốt (BMP). Qua kiểm tra, đã có 5 đơn vị là: HTX Thủy sản Nam Sơn, Công ty CP Sông Thiên Đức, Xí nghiệp Thái Giang, doanh nghiệp tư nhân Dung Đạt và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đạt tiêu chuẩn, dự kiến cung ứng giống cho 1.000ha nuôi thâm canh (2-3 con/m2). Cùng với đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu cải tạo, gia hóa đàn cá bố mẹ và tăng mức hỗ trợ cho cá giống lưu đông cũng góp phần quan trọng giúp các hộ chủ động, nâng cao nguồn giống chất lượng, thâm canh tăng vụ.
Bên cạnh những cách thức nuôi và vật nuôi truyền thống, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng những mô hình, đưa một số giống mới vào sản xuất góp phần đa dạng hóa sản phẩm nuôi như: Mô hình nuôi cá lồng trên sông Đuống, sông Thái Bình tại các huyện Thuận Thành, Lương Tài; nuôi thâm canh cá trắm đen, cá lăng chấm tại các xã Giang Sơn, Bình Dương (Gia Bình). Các mô hình nuôi luân canh cá-lúa, nuôi con đặc sản như ba ba, rùa, cá sấu... cũng được các hộ nuôi trồng thủy sản đầu tư, bước đầu cho hiệu quả tích cực.
Để ổn định và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, trong thời gian tới các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục duy trì, củng cố mạng lưới giám sát vùng nuôi và thực hiện tốt việc cảnh báo nhanh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội, các tổ chức nuôi trồng thuỷ sản; làm tốt công tác quy hoạch vùng, xây dựng chợ cá đầu mối hay nhà máy chế biến thủy sản để người nông dân có địa chỉ tiêu thụ sản phẩm khi thu hoạch, giúp người dân tiếp tục đầu tư theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, giá trị hàng hóa.